Mỹ chuẩn thuận bán 3,3 tỷ USD tên lửa đánh chặn cho Nhật Bản
- Xuân Thành
- •
Một cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Ba (27/8) phát đi tuyên bố cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn thuận bán 3,3 tỷ USD tên lửa đánh chặn cho Nhật Bản.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Nhật Bản sẽ mua 73 tên lửa SM-3 Block IIA do hãng Raytheon sản xuất. Loại tên lửa này được thiết kế để bắn từ hệ thống Aegis trên tàu nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo.
“Bộ Ngoại giao đã ban hành quyết định phê duyệt Gói bán Vũ khí Nước ngoài cho Chính phủ Nhật Bản với 73 tên lửa SM-3 Block IIA, trị giá 3,295 tỷ USD,” tuyên bố của DSCA nói.
Tuyên bố trên nhấn mạnh rằng: “Gói vũ khí tiềm năng này sẽ hỗ trợ chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ bằng việc cải thiện an ninh của một đồng minh chính yếu, là lực lượng cho ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế tại Châu Á – Thái Bình Dương.”
Theo Sputnik News, tên lửa SM-3 Block IIA đang được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển và hoạt động như một phần của hệ thống Phòng thủ tên lửa Đạn đạo Aegis – một bộ phận của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo Mỹ.
Theo hãng sản xuất Raytheon, tên lửa đánh chặn SM-3 (thế hệ trước SM-3 Block IIA) hiện là một phần quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO tại Châu Âu. Loại tên lửa này được triển khai trên các tàu Hải quân Mỹ hoạt động ngoài khơi lục địa Châu Âu.
Mỹ phê chuẩn bán tên lửa đánh chặn cho Nhật Bản vào thời điểm Bắc Hàn đang mở rộng khả năng tên lửa tấn công mà hai năm qua Bình Nhưỡng đã chứng minh cho thế giới thấy các tên lửa này hoàn toàn có thể phóng tới cả Nhật Bản và Mỹ.
Trong vòng một tháng qua (từ ngày 25/7), Bắc Hàn đã thực hiện tới 7 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và theo AFP, ít nhất một trong các tên lửa đã thử có tầm bắn đủ xa để vươn tới Nhật Bản.
Theo các báo cáo của truyền thông Nhật Bản, nước này hiện có bốn tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ mang theo tên lửa đánh chặn SM-3. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có các tên lửa đánh chặn đất đối không PAC-3 hiện đại.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, Tokyo cũng được cho là đang xem xét triển khai một hệ thống đánh chặn tên lửa mới trên hai tàu khu trục đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Hệ thống đánh chặn mới này dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2020.
Hệ thống Aegis trên biển có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao hơn 500km và hệ thống Aegis trên đất liền cũng có tầm đánh chặn tương tự. Khi được trang bị tên lửa SM-3 Block IIA, hệ thống Aegis sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao hơn, bởi vì SM-3 Block IIA có tầm bắn gần gấp ba lần tên lửa SM-3, theo Sputnik News.
AFP cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã chuẩn thuận các gói vũ khí bán cho Hungary, Hàn Quốc, Lithuania và Đan Mạch, tổng trị giá khoảng 943 triệu USD.
Hungary sẽ mua 180 tên lửa không-đối-không tầm trung tiên tiến AIM-120C-7. Loại tên lửa này cũng do hãng Raytheon sản xuất.
Đan Mạch sẽ mua các hệ thống phát hiện vật thể dưới nước tần số thấp và phao phát hiện vật thể dưới nước của hãng Lockheed Martin. Lithuania sẽ trang bị 500 xe quân sự chiến thuật hạng nhẹ. Trong khi, Hàn Quốc sẽ mua 31 ngư lôi hạng nhẹ MK54, loại được thiết kế để phóng ra từ chiến đấu cơ săn ngầm P-8 Poseidon.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ Nhật Tên lửa đánh chặn