Mỹ: Cựu nhân viên CIA bị bắt về tội gián điệp cho Trung Quốc
Một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gần đây đã bị bắt và bị buộc tội bán thông tin tuyệt mật cho Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ, The Epoch Times dẫn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông Alexander Yuk Chung Ma, công dân Hawaii 67 tuổi, đã bị bắt hôm 14/8 và bị buộc tội âm mưu chuyển giao thông tin mật, kể cả tin ở mức độ “tuyệt mật” cho Trung Quốc, một tội danh có thể bị tù chung thân, các công tố viên cho biết.
Ông Ma bắt đầu làm việc tại CIA năm 1982 và sau đó làm thông ngôn tại FBI.
Các công tố viên nói rằng ông Ma đã cộng tác cùng với một người quen, cũng là cựu nhân viên CIA, cụ ông người Los Angeles 85 tuổi. Ông này không bị buộc tội vì ông bị mắc “bệnh suy giảm nhận thức”.
Các công tố viên cho biết ông Ma là công dân Mỹ nhập tịch, sinh tại Hồng Kông. Ông đã đồn trú ở nước ngoài và tại đó ông được phép tiếp cận thông tin “tuyệt mật”. Ông đã nghỉ việc tại CIA vào năm 1989 và sau đó sống và làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc trước khi chuyển đến Hawaii vào năm 2000.
Các công tố viên nói rằng ông Ma đã phản bội nước Mỹ vào năm 2001, thời điểm ông nhiều lần gặp gỡ ít nhất 5 sĩ quan của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) – cơ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc, tại một khách sạn ở Hồng Kông. Trong những cuộc gặp này, ông Ma “đã tiết lộ một số tin quốc phòng tuyệt mật”, gồm cả danh tính của các nhân viên và tài sản CIA, các phương thức truyền tin bí mật, thông tin về cơ cấu tổ chức nội bộ của CIA, và chi tiết về bộ kỹ năng nghiệp vụ của CIA.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu thập được một đoạn video của một trong các cuộc gặp nêu trên của ông Ma vào tháng 3/2001. Đoạn video này cho thấy cảnh các điệp viên MSS trả cho ông Ma 50.000 USD. Ông Ma vừa đếm tiền vừa chuyển tiếp thông tin mật, theo tài liệu tòa án. Tài liệu này không nêu rõ cách thức FBI thu thập được đoạn video này.
Các công tố viên cho biết ông Ma sau đó đã xin làm việc tại FBI nhằm nỗ lực tiếp tục cung cấp tin mật cho ‘các quan thầy’ Trung Quốc. Năm 2004, ông đã được nhận vào vị trí thông ngôn tiếng Trung tại văn phòng FBI Hawaii, chịu trách nhiệm đánh giá và dịch thuật các tài liệu tiếng Trung. Một ngày trước khi bắt đầu công việc tại FBI Hawaii, ông Ma đã gọi điện cho một kẻ đồng phạm tình nghi và nói rằng ông sẽ làm việc cho “một bên khác”, theo một bản khai có tuyên thệ của FBI.
Trong hơn sáu năm làm việc tại FBI, ông Ma đã thường xuyên chụp ảnh và đánh cắp tài liệu mật của Mỹ, kể cả nghiên cứu về tên lửa dẫn đường và hệ thống vũ khí. Sau đó ông ta mang theo những tài liệu và các bức ảnh đánh cắp được này trong các chuyến đi tới Trung Quốc để giao nộp chúng cho các sĩ quan MSS, các công tố viên nói. Sau mỗi chuyến đi đó, ông Ma trở về với hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều quà tặng đắt tiền, chẳng hạn như một bộ gậy đánh golf.
Vào một dịp tháng 3/2006, MSS đã yêu cầu ông Ma liên lạc với người đồng mưu để cung cấp danh tính về 5 cá nhân xuất hiện trong các bức ảnh. MSS nghi ngờ 5 người này là các nguồn tin. Người đồng mưu của ông Ma cuối cùng đã tiết lộ danh tính của 2 trong số 5 người đó, theo bản khai có tuyên thệ của FBI.
Vào tháng 1/2019, một đặc vụ FBI đóng giả sĩ quân MSS đã tiếp cận ông Ma. Đặc vụ này sử dụng đoạn băng về cuộc gặp 2001 tại khách sạn Hồng Kông để thuyết phục ông Ma rằng mình thực sự làm việc cho tình báo Trung Quốc. Trong một cuộc gặp, ông Ma đã thừa nhận làm việc cho MSS, và nhận 2.000 USD tiền mặt của đặc vụ FBI – một “món quà nhỏ” bày tỏ cảm kích về công việc của ông Ma làm cho Trung Quốc. Ông Ma cũng đề xuất tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Trong một cuộc gặp khác với đặc vụ FBI nêu trên vào ngày 12/8/2020, ông Ma lại nhận tiền cho các nỗ lực gián điệp trước đây, và nói ông muốn “đất mẹ” thành công. Ông cũng nói thêm rằng ông có thể làm cố vấn cho MSS.
Vụ bắt giữ ông Ma hôm 14/8 là một trong nhiều vụ tố tụng hình sự mà giới chức Mỹ đang thực hiện nhắm vào các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ trong vài năm gần đây đã mở ra nhiều vụ án đối với các quan chức Mỹ đương nhiệm và đã nghỉ việc, bị cáo buộc cung cấp bí mật nhà nước cho chế độ Trung Quốc.
Năm ngoái, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee đã bị kết án 19 năm tù giam sau khi nhận tội âm mưu chuyển tin mật cho tình báo Trung Quốc sau khi ông này rời CIA năm 2010.
Phụ tá Tổng Chưởng lý chuyên trách về An ninh Quốc gia C. Demers cho hay: “Công cuộc gián điệp của Trung Quốc là nhiều, lâu dài, liên quan tới các cựu nhân viên tình báo Mỹ, những người đã phản bội đồng nghiệp, đất nước và các giá trị tự do dân chủ để hỗ trợ chế độ cộng sản độc tài”.
CATHY HE/ The Epoch Times
Xuân Thành dịch
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc Quan hệ Mỹ - Trung FBI CIA Dòng sự kiện