Mỹ tăng áp lực lên châu Âu để cấm sử dụng máy quét an ninh Trung Quốc
- Như Ngọc
- •
Chính phủ Mỹ đang vận động các quốc gia châu Âu cấm nhà sản xuất máy quét an ninh lớn nhất Trung Quốc, Nuctech. Washington cho rằng công ty Trung Quốc này đặt ra mối đe dọa về an ninh quốc gia.
Nuctech là công ty do nhà nước Trung Quốc kiểm soát chuyên cung cấp các hệ thống quét an ninh hàng hóa, hàng lý và hành khách tại các sân bay và bến cảng. Công ty này trong vài năm gần đây đã thâm nhập đáng kể vào thị trường châu Âu.
Những hệ thống quét hàng hóa và hành lý có thể cho phép các công ty như Nuctech dễ dàng tiếp cận dữ liệu cá nhân và thông tin thương mại nhạy cảm. Các quan chức Mỹ quan ngại rằng Nuctech có thể chuyển các dữ liệu mà họ thu thập được cho chế độ Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal (WSJ), một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 26/5 đã phác thảo nỗ lực vận động của Mỹ tại châu Âu và đã cảnh báo về việc Nuctech mở rộng cung cấp sản phẩm tại các sân bay và bến cảng trên khắp lục địa già.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một bản ghi nhớ khác hôm 8/5 đã tuyên bố rằng Nuctech Trung Quốc đang đấu thầu nhiều hợp đồng tại hơn chục quốc gia châu Âu. Chẳng hạn, Phần Lan – thành viên của NATO, đã bỏ qua những nỗ lực vận động của Mỹ để trao hợp đồng cho Nuctech, theo WSJ.
Nuctech do ông Hồ Hải Phong (Hu Haifeng) con trai của cựu Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) thành lập vào năm 1997. Năm 2019, đa số cổ phần của Nuctech đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc – đơn vị quản lý vũ khí hạt nhân và sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc.
Theo trang web của Nuctech, công ty này “đã trở thành nhãn hàng về ngành an ninh và kiểm tra giám sát nổi tiếng toàn cầu”, hiện diện tại 160 quốc gia và khu vực.
Các máy quét an ninh của Nuctech được lắp đặt ở hầu khắp các cảng châu Âu, làm dấy lên quan ngại rằng công ty do nhà nước Trung Quốc kiểm soát này có hiểu biết sâu sắc về tất cả các sân bay và bến cảng trên khắp châu Âu, theo một bài báo của tờ Politico xuất bản trong tháng 2/2020. Trong sáu năm qua, Nuctech đã ký được 58 hợp đồng với các cơ quan biên phòng và hải quan, và các tổ chức chính phủ khác tại 22 trong số 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Công ty Trung Quốc này cũng đã cố gắng xây dựng uy tín thông qua các hợp đồng béo bở, chẳng hạn như cung cấp máy quét an ninh cho các sự kiện lớn gồm Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Thế vận hội Brazil 2016, Milan Expo 2015 và giải quần vợt Wimbledon Open 2015.
Quy mô thị trường máy quét an ninh toàn cầu có giá trị gần 7 tỷ USD trong năm 2019.
Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính rằng Nuctech là doanh nghiệp thống trị trong thị trường thiết bị máy quét hàng hóa biển tại châu Âu, chiếm khoảng 90% thị phần. Doanh nghiệp Trung Quốc này cũng chiếm khoảng 50% thị phần máy quét hành lý của hàng khách và hàng hóa hàng không tại châu Âu.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Nuctech đang ngày càng được các nước giám sát kỹ lưỡng.
Cục An ninh Giao thông Mỹ (TSA) năm 2014 đã cấm Nuctech tham gia vào hầu hết thị trường máy quét an ninh sân bay Mỹ. Công ty Trung Quốc này sau đó đã cáo buộc các nhà vận động hành lang tại Washington đã gây ảnh hưởng lên TSA. Ngoài ra, Nuctech cũng liên quan tới các cáo buộc đưa và nhận hối lộ tại nhiều quốc gia.
Nuctech đã tăng trưởng đáng kể bởi vì doanh nghiệp này có khả năng bỏ thầu rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước.
Nghị sĩ Đức Axel Voss đã dấy lên quan ngại về Nuctech từ tháng 12/2019. Ông cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc này “sử dụng chiến lược giá mức thấp đại trà” để giành các hợp đồng.
Liên minh châu Âu trong tháng này đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng các chính sách bảo hộ để bảo vệ các công ty nội địa chống lại những đối thủ cạnh tranh nước ngoài được nhà nước trợ cấp. Đây là một nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn các hoạt động của các công ty Trung Quốc như Nuctech.
Sau một thời gian tham vấn công chúng, EU sẽ giới thiệu văn bản luật mới áp dụng với trợ cấp nước ngoài vào năm tới, theo bà Margrethe Vestager – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về chính sách cạnh tranh và kỹ thuật số.
Chính sách mới này của EU sẽ ngăn chặn các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp rất nhiều tham gia đầu tư và đấu thầu công khai tại các quốc gia thành viên EU.
Trong thập kỷ qua, bằng việc sử dụng chính sách trợ cấp chính phủ lớn, Trung Quốc đã tạo dựng thành công các tập đoàn quốc gia do nhà nước sở hữu trong các ngành quan trọng. Và gần đây, các doanh nghiệp được nhà nước trợ cấp này đã được sử dụng rộng rãi để giúp chế độ Bắc Kinh giành thế thống trị trong các ngành công nghệ cao như những gì được họ vạch ra trong bản kế hoạch chi tiết “Made in China 2025”.
Phát ngôn viên của Nuctech nói với WSJ rằng công ty này không biết gì về nỗ lực vận động của Mỹ. Nuctech cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ nhận trợ cấp của nhà nước hoặc chịu sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc.
Như Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ EU - Trung Quốc máy quét an ninh Nuctech Quan hệ Mỹ - Trung liên minh châu Âu