Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra thông báo hôm thứ Ba (14/1), cho biết Mỹ đã cấm nhập khẩu sản phẩm từ một nhóm 37 công ty Trung Quốc khác, bao gồm lĩnh vực dệt may, khai thác mỏ và năng lượng mặt trời, do nghi ngờ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong đó có Huafu Fashion – một trong những nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, và 25 công ty con của công ty này.

trai lao dong tan cuong
Một trại lao động cải tạo tại Tân Cương. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Các công ty này được đưa vào danh sách thực thể của “Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA). Danh sách này hạn chế nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến các cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và thực hiện “diệt chủng” ở khu tự trị Tân Cương.

Chính phủ Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về các hành vi xâm phạm nhân quyền. Kể từ khi “Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào tháng 12/2021, tổng số công ty mới nhất bị liệt kê đã lên tới 144.

Một thông cáo báo chí từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết: “Hôm nay, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, thay mặt cho Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức (FLETF), đã công bố bổ sung 37 thực thể vào danh sách thực thể của Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ, đây là lần mở rộng lớn nhất của danh sách này từ trước đến nay. Các thực thể mới bao gồm một nhà cung cấp lớn các khoáng sản quan trọng và một trong những nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, cả hai đều có liên quan đến các hoạt động lao động cưỡng bức ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).”

Thông cáo báo chí tiếp tục, “Thực thể bổ sung này nâng tổng số thực thể trong danh sách thực thể theo Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ lên 144, cho thấy sự mở rộng đáng kể trong 3 năm kể từ khi luật được thông qua. Những nỗ lực đáng kể này phản ánh sự cam kết của Chính quyền Biden – Harris để loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, và bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi hàng hóa có vấn đề.” 

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết: “Bằng cách bổ sung 37 công ty vào danh sách thực thể của Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ, nâng tổng số lên gần 150, chúng tôi một lần nữa chứng minh cam kết kiên định của mình trong cuộc chiến chống lại lao động cưỡng bức tàn nhẫn, sự cam kết đối với nhân quyền cơ bản, cũng như sự bảo vệ không ngừng cho thị trường tự do, công bằng và cạnh tranh”.

Theo RFI