Nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, thương mại với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên
- Văn Long
- •
Nếu cựu Tổng thống Mỹ Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông sẽ thực hiện các biện pháp bao gồm áp đặt thuế quan mới đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu khác nhau. Thương mại với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, và ông sẽ thực hiện chiến lược tách rời Trung Quốc.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump: Áp thuế mới lên hàng nhập khẩu và chiến lược tách rời khỏi Trung Quốc
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ các nỗ lực trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhằm thay đổi chính sách thương mại của Mỹ nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2025, bao gồm cả việc áp đặt mức thuế mới đối với “hầu hết hàng hóa nhập khẩu”. Điều này sẽ là mạo hiểm vì có thể sẽ khiến các đồng minh xa lánh và gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ Mỹ – Trung năm ngoái xấp xỉ 758 tỷ USD. Mặc dù chính quyền Biden vẫn giữ nguyên mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, nhưng ông Trump sẽ còn làm nhiều hơn thế, ông sẽ cố gắng cắt đứt mối liên hệ ở nhiều phương diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Trump cho biết ông sẽ ban hành các hạn chế mới mạnh mẽ đối với nhiều loại tài sản của Trung Quốc tại Mỹ, ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và dần dần áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với việc nhập khẩu các hàng hóa quan trọng do Trung Quốc sản xuất như sản phẩm điện tử, thép, dược phẩm.
Trump tuyên bố tại một cuộc vận động tranh cử gần đây ở Durham, tiểu bang New Hampshire: “Chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác có hành vi xâm phạm quyền lợi chúng ta”.
Ông Robert Lighthizer, người từng là Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Trump, có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Ông Robert Lighthizer, đã đưa ra lời giải thích rộng rãi và chi tiết nhất về chương trình thương mại của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông. Về cơ bản, chương trình nghị sự thương mại của ông Trump nhằm mục đích đưa Mỹ tách rời khỏi sự nhất thể hóa của nền kinh tế toàn cầu và hướng Mỹ trở nên độc lập hơn: sản xuất một tỷ trọng hàng hóa lớn hơn cho tiêu dùng của chính mình, đồng thời thông qua thương mại 1- 1 với các nước khác để phát huy sức mạnh của Mỹ.
Ông Trump, người từng tự gọi mình là “người đàn ông thuế quan“, đã thực hiện các bước đi theo hướng này trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, bao gồm áp thuế đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu, hạn chế sự phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nếu ông Trump đắc cử, ông có kế hoạch thực hiện các biện pháp can thiệp táo bạo hơn với hy vọng xóa bỏ thâm hụt thương mại và thúc đẩy phát triển sản xuất – điều có thể gây ra hậu quả chấn động đối với việc làm, giá cả, quan hệ đối ngoại và hệ thống thương mại toàn cầu của Mỹ.
Truyền thông Mỹ phân tích nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ gánh chịu ảnh hưởng đầu tiên
Ông Trump mô tả kế hoạch của mình là “một cuộc cải tổ sâu rộng các chính sách thuế và thương mại có lợi cho nước Mỹ”.
Tình hình kinh tế Mỹ hiện nay không tệ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, tỷ lệ lạm phát đã phục hồi mạnh từ mức cao sau dịch bệnh, tạo ra khoảng 200.000 việc làm mỗi tháng, thị trường chứng khoán cũng gần đạt mức cao cao kỷ lục mới.
Tờ New York Times đưa tin, kế hoạch của ông Trump đã khiến các chuyên gia thương mại có quan điểm kinh tế truyền thống đưa ra cảnh báo. Daniel Price, người từng là cố vấn thương mại quốc tế quan trọng trong Nhà Trắng của cựu Tổng thống George W. Bush, gọi các kế hoạch này là “khó hiểu và phi lý”.
Ông nói: “Sau lần cuối cùng ông Trump lạm dụng thuế quan đối với các đồng minh của chúng tôi vì lý do an ninh quốc gia bịa đặt, một số đối tác thương mại lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc đã không trả đũa hàng xuất khẩu của Mỹ vì họ tin rằng ông Trump sẽ sớm tỉnh táo, nhưng lần này, họ sẽ không chìm đắm trong những tưởng tượng như vậy.”
Phân tích của Wall Street Journal (WSJ) cũng cho rằng một khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, các nước phải chuẩn bị cho nhiều cuộc đối đầu hơn. Ông Trump đã dự trữ một loạt các biện pháp bảo hộ cho nhiệm kỳ thứ hai tiềm năng của mình, chủ yếu là các mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.
WSJ tiết lộ trong các tài liệu tranh cử và các cuộc phỏng vấn trên truyền thông, ông Trump đã đề xuất áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và áp thuế tương ứng đối với các đối tác thương mại có mức thuế cao hơn. Ông muốn hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc, một bước pháp lý sẽ tự động tăng thuế đối với mọi hàng hóa từ đồ chơi, máy bay đến vật liệu công nghiệp.
Báo cáo cũng dẫn lời các chuyên gia cho biết: “Đối với ông Trump, thương mại là tất cả đối với ông ấy, và chính sách thương mại là chính sách đối ngoại. Chúng ta nên kỳ vọng rằng nếu ông ấy có thể giành được nhiệm kỳ thứ hai, ông ấy sẽ hành động ngay ngày đầu tiên nhậm chức.”
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa kết thúc
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo vào ngày 26/12/2023 rằng việc miễn thuế đối với một số sản phẩm từ Trung Quốc, bao gồm cả vật tư y tế, ban đầu dự kiến hết hạn vào cuối năm nay, sẽ được gia hạn trở lại cho đến ngày 31/5 năm sau.
Trong đó bao gồm 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 77 sản phẩm liên quan đến COVID-19, tổng cộng 429 mặt hàng. Miễn thuế nhập khẩu bao gồm các linh kiện công nghiệp như máy bơm và động cơ điện, một số linh kiện ô tô, xe đạp và máy hút bụi, và hóa chất; bao gồm các sản phẩm y tế liên quan đến COVID như khẩu trang, găng tay và khăn lau khử trùng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn được gọi là tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, là cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu vào năm 2018.
Tranh chấp thương mại bắt nguồn từ khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump ký một bản ghi nhớ vào ngày 22/3/2018, tuyên bố rằng “Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ”, đồng thời cứ vào luật pháp trong nước của Mỹ (Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974) yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ áp đặt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ước tính trị giá khoảng 60 tỷ USD, đồng thời thiết lập các rào cản thương mại khác, nhằm buộc Trung Quốc thay đổi “các hoạt động thương mại không công bằng”.
Mỹ cáo buộc rằng những hành động này của Trung Quốc đã dẫn đến việc gia tăng thâm hụt thương mại và cưỡng bức chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc. Vào ngày 6/7/2018, Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đáp trả ngay trong ngày và áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có đậu nành, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc.
Trung Quốc và Mỹ từng đạt được đồng thuận tạm dừng cuộc chiến thương mại vào tháng 5/2018 và ra tuyên bố chung tìm cách hòa giải. Tuy nhiên, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sau đó đã công bố loạt danh sách thuế đầu tiên nhắm tới 50 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào ngày 16/6, nâng mức thuế 10% ban đầu lên 25%.
Ủy ban Thuế quan Hải quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc sau đó đã trả đũa tương ứng và Bộ Thương mại Trung Quốc cũng bắt đầu lại các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc từ Mỹ. Vào ngày 6/7/2018, chính quyền Trump đã chính thức áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang trong loạt danh sách thuế quan đầu tiên, đánh dấu việc chính thức thực thi chính sách thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc (16 tỷ USD hàng hóa còn lại sau đó được áp mức thuế bổ sung 25% vào ngày 23/8/2018). Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó đã chỉ ra trong một tuyên bố rằng “Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO và phát động cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế cho đến nay”. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết các biện pháp đối phó của Trung Quốc đã được thực hiện ngay khi việc tăng thuế của Mỹ có hiệu lực.
Ngày 1/12/2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ khi đó là ông Tập Cận Bình và ông Trump đã đạt được đồng thuận và đồng ý tổ chức đàm phán kéo dài 90 ngày cũng như đình chỉ các biện pháp thương mại mới trong thời gian đàm phán. Sau khi hết thời hạn vào ngày 1/3/2019, Mỹ tuyên bố đã đạt được tiến bộ đáng kể và gia hạn tạm dừng các biện pháp thương mại mới.
Vào ngày 5/5/2019, ông Trump công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc (trị giá khoảng 200 tỷ USD) xuất khẩu sang Mỹ, nâng tổng giá trị lên 250 tỷ USD. Biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực đối với hàng hóa Trung Quốc cập cảng Mỹ vào ngày 10/5/2019. Ngày 13/5/2019, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung từ 5% đến 25% đối với một số hàng hóa nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD có xuất xứ từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/6/2019. Vào ngày 1/6, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo sẽ hoãn việc Mỹ áp thuế 25% đến ngày 15/6. Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố rằng các mức thuế bổ sung của Trung Quốc sẽ có hiệu lực như dự kiến vào ngày 1/6/2019.
Vào ngày 29/6/2019, lãnh đạo hai nước Tập và Trump đã hội đàm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka và đồng ý bắt đầu lại các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại, đồng thời Mỹ sẽ không áp đặt thuế quan mới đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Ngày 1/8/2019, do chính quyền Trump không hài lòng với tiến triển thu mua nông sản Mỹ của chính quyền Trung Quốc, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng bắt đầu từ ngày 1/9/2019, ông sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sang Mỹ, trị giá 300 tỷ USD. Vào ngày 5/8/2019, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống dưới 7 tệ đổi 1 đô la Mỹ. Cùng ngày, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo Trung Quốc sẽ bị liệt vào danh sách nước thao túng tiền tệ. Sau đó, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đình chỉ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và vào ngày 24/8/2019 đã công bố mức thuế bổ sung 10% hoặc 5% đối với khoảng 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và khôi phục lại thuế quan bổ sung đối với ô tô và linh kiện ô tô. Ngày hôm sau Mỹ cũng tăng mức thuế trước đó đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 15% và mức thuế hiện tại đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% như một biện pháp đối phó, nhưng sau đó đã bị gác lại.
Vào ngày 15/1/2020, theo giờ Washington, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu tiên tại Nhà Trắng. Vào ngày 15/9/2020, WTO đã ra phán quyết rằng các mức thuế mà chính quyền Trump áp đặt đối với Trung Quốc là bất hợp pháp. Ngày 4/12/2020, Tổng thống đắc cử Mỹ Biden tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì thuế quan đối với Trung Quốc và sẽ hợp tác với các đồng minh để kiểm tra và cân bằng với Trung Quốc.
Vào ngày 29/3/2021, bà Katherine Tai, đại diện mới của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tuyên bố rằng các biện pháp áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không bị hủy bỏ trong thời gian ngắn, nhưng sẽ tham gia đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Từ khóa Donald Trump chiến tranh thương mại Mỹ Trung bầu cử tổng thống Mỹ 2024 Bầu cử Mỹ 2024