Nga có thể đưa quân vào Venezuela và Cuba nếu căng thẳng với Mỹ tiếp tục
- Ngân Hà
- •
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người đứng đầu cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ ngày 10/1 tại Geneva, cho biết ông không thể “xác nhận hoặc loại trừ” khả năng đồn trú của quân đội Nga trong biên giới của Cuba và Venezuela nếu tình trạng căng thẳng với Mỹ về vấn đề Ukraine vẫn tiếp diễn.
Tuyên bố của ông Ryabkov đã gia tăng áp lực lên tình trạng căng thẳng hiện có với phương Tây về sự hiện diện của quân đội Nga gần biên giới Ukraina, và đã thúc đẩy một cuộc họp quan trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 12/1 tại Vienna.
Chính quyền Putin đã yêu cầu ngừng mở rộng NATO, điều Mỹ và các đồng minh phương Tây bác bỏ lập tức.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Ryabkov nói, “Tất cả điều này phụ thuộc vào hành động của các đối tác Mỹ của chúng ta.” Ông cũng nhắc đến cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow sẵn sàng thực hiện các biện pháp chống trả nếu Mỹ thách thức Kremlin và gia tăng táp lực quân sự.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Epoch Times, “Chúng tôi sẽ không đáp trả lời hăm dọa. Nếu Nga thực sự hành động theo hướng đó, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý.”
Ông Ryabkov cũng chỉ ra rằng việc từ chối cân nhắc yêu cầu quan trọng của Nga về việc bảo đảm Mỹ và đồng minh không mở rộng sang Ukraina và các nước thuộc Liên Xô cũ khác khiến họ không chấp nhận việc thảo luận các vấn đề như kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin giữa các nước.
Tháng 6/2021, Nga đã lặp lại sự ủng hộ của họ với các đồng minh Mỹ Latinh, đặc biệt với Cuba, Venezuela và Nicaragua về sự hiện diện của điều được mô tả là “những mối đe dọa từ bên ngoài”.
Cả ba nước nói trên đều đang dưới sự cai trị của những kẻ độc tài lâu đời.
Về mặt lịch sử, Nga là một trong những đồng minh thân cận nhất của Venezuela từ năm 2006 và chế độ độc tài Hugo Chavez. Ông này đã ký một hợp đồng mua vũ khí Nga trị giá 2,9 tỷ đôla và cho phép Nga tiếp cận tài sản dầu hỏa phong phú của Venezuela.
Ngày nay, việc nhà độc tài Nicolas Maduro của Venezuela vẫn tiếp tục cai trị một phần là nhờ mối quan hệ liên minh chiến lược với chính quyền của Putin.
Nga cũng đóng vai trò người cho vay và cung cấp vật tư quân sự cho chế độ Maduro.
Ngoài Venezuela, Nga vẫn là một trong những người ủng hộ Cuba nhiệt tình nhất. Hai nước cam kết mở rộng cái họ gọi là các quan hệ “chiến lược” sau cuộc đàm phán tại đảo quốc hồi năm 2018.
Sau đó vào tháng 10/2021, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ thương mại và Đầu tư nước ngoài Ana Teresita Gonzalez cho biết hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế của họ.
Về mặt chính trị, Cuba đóng vai trò nòng cốt giữa Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960, khi tên lửa của Liên Xô tới Cuba và Mỹ đáp trả bằng cách áp đặt một cuộc phong tỏa hàng hải.
Tổng thống Mỹ John F.Kennedy và lãnh tụ Xô viết Nikita Khrushchev đã đi tới một thỏa thuận là Moscow gỡ bỏ vũ khi đổi lấy việc Washington cam kết không xâm lược Cuba, và đồng thời gỡ bỏ tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 12/2021, ông Ryabkov so sánh trực tiếp tình trạng căng thẳng gần đây về vấn đề Ukraine với vụ khủng hoảng tên lửa Cuba.
Nếu Nga quyết định đưa quân vào Cuba hoặc Venezuela, đó sẽ là sự hiện diện quân sự quan trọng đầu tiên của họ ở Tây bán cầu kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Ngân Hà (theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng Mỹ Nga Dòng sự kiện Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov