Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov, tuyên bố rằng việc Nga chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan nhằm hợp thức hóa việc mở rộng hợp tác song phương.

chính quyền Taliban
Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov (trái) bắt tay với một thành viên của phái đoàn Taliban Mawlawi Shahabuddin Dilawar trước hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva vào ngày 20 tháng 10 năm 2021. (Nguồn ảnh: ALEXANDER ZEMLIANICHENKO/POOL/AFP via Getty Images)

Ngày 4/7, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov, nói rằng việc Nga chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan nhằm hợp thức hóa việc mở rộng hợp tác song phương và tiến tới thiết lập quan hệ chính trị toàn diện, theo đài RT.

Trước đó, ngày 3/7, Nga trở thành cường quốc lớn đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Taliban tại Afghanistan.

Theo ông Kabulovt, việc duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ trở nên quan trọng sau khi chính quyền hiện tại ở Kabul đang nỗ lực hết sức để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và nạn buôn bán ma túy.

Ông Kabulovt lưu ý rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước đã bắt đầu, nhưng để điều đó có tính pháp lý đầy đủ, Moscow cần công nhận chính quyền Taliban một cách chính thức.

“Giờ là lúc để chúng ta tiến hành hợp tác chính trị trong các điều kiện đầy đủ và toàn diện”, ông Kabulovt nói thêm.

Theo đặc phái viên tổng thống Nga, Taliban đã có sự thay đổi kể từ khi lần đầu lên nắm quyền vào những năm 1990 – khi nhóm này theo đuổi chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu.

“Lần này, Taliban lên nắm quyền với tư cách là một phong trào dân tộc” và đang tập trung mọi nỗ lực vào các lợi ích trong nước, ông Kabulovt nói.

Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021 sau khi Mỹ và lực lượng NATO rút quân khỏi Afghanistan.

Nhóm này đã đổi tên quốc gia thành “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”.

Tháng 4 vừa qua, Tòa án Tối cao Nga đã đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Ngày 3/7, ông Kabulov xác nhận với truyền thông rằng Moscow hiện đã chính thức công nhận chính quyền Taliban.

Vị đặc phái viên cũng cho biết các đại diện của Taliban đã tham dự các diễn đàn kinh tế tại Nga khi hai bên tìm cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

Theo ông Kabulov, vị trí địa lý của Afghanistan mang lại tiềm năng trở thành “một trung tâm kinh tế và hậu cần quan trọng của lục địa Á – Âu rộng lớn”.

Dù chính quyền Taliban vẫn chưa được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận, một số cường quốc trong khu vực đã khôi phục liên lạc với lực lượng này.

Anh Trần