Who kêu gọi đánh thuế tối thiểu 50% với đường, rượu và thuốc lá
- Tú Liên
- •
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ: Các chính phủ trên toàn cầu cần áp dụng thuế cao hơn đối với các sản phẩm đồ uống có đường, rượu và thuốc lá, ít nhất là 50% vào năm 2035. Đây là trọng tâm của sáng kiến mới mang tên “3 by 35”, được công bố ngày 2/7 tại Hội nghị Tài chính Phát triển của Liên Hợp Quốc ở Seville, Tây Ban Nha.

Theo WHO, thuế sức khỏe (health tax) là một trong những công cụ hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm gây hại, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho các hệ thống y tế và xã hội.
“Nếu mọi quốc gia đều thực hiện, sáng kiến này có thể giúp ngăn chặn tới 50 triệu ca tử vong sớm trong vòng 50 năm tới, đồng thời tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD doanh thu bổ sung cho y tế và phát triển”, WHO tuyên bố trong thông cáo báo chí.
Các sản phẩm như thuốc lá, rượu và đồ uống có đường đều được xác định là nguyên nhân chính gây nên bệnh không lây nhiễm (NCDs) như tim mạch, ung thư, tiểu đường – vốn là nguyên nhân gây ra khoảng 75% ca tử vong toàn cầu mỗi năm.
WHO nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng giá bán thực tế tối thiểu 50% có thể đạt được thông qua các hình thức sau:
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trực tiếp vào sản phẩm.
- Điều chỉnh thuế để theo kịp lạm phát và tăng thu nhập.
- Bỏ các ưu đãi thuế và lỗ hổng hiện có.
Sáng kiến “3 by 35” không chỉ đặt mục tiêu sức khỏe, mà còn được thiết kế như một giải pháp kinh tế – tạo nguồn tài chính bền vững cho các quốc gia đang đối mặt với ngân sách y tế thiếu hụt và gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng.
“Đây là chiến lược ‘3 trong 1’: giúp người dân sống khỏe mạnh hơn, giảm chi phí y tế và tăng nguồn thu công – một bước đi thông minh về mọi mặt”, Đại diện NCD Alliance phát biểu.
Thống kê của WHO cho thấy:
- Gần 140 quốc gia đã từng tăng thuế thuốc lá trong giai đoạn 2012–2022, với một số nước đạt mức tăng giá >50%.
- Nam Phi, Colombia, Sri Lanka là các ví dụ điển hình đã áp dụng thành công thuế đồ uống có đường và rượu, vừa giảm tiêu dùng, vừa tăng ngân sách cho y tế.
WHO cho biết sẽ hỗ trợ các quốc gia trong việc thiết kế, thực hiện và duy trì các chính sách thuế y tế hiệu quả phù hợp với bối cảnh địa phương. Điều này bao gồm hỗ trợ kỹ thuật về khuôn khổ pháp lý, quản lý thuế, vận động chính sách và sự tham gia của công chúng.
Như thường lệ, các hiệp hội đại diện cho ngành đồ uống và thuốc lá bày tỏ lo ngại. Họ cho rằng thuế cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc làm và doanh thu, đồng thời cho rằng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy thuế giúp giảm tỷ lệ béo phì hay cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, WHO phản bác lập luận này, dẫn chứng rằng nhiều nước đã giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc và béo phì sau khi tăng thuế đúng mức.
Tại Việt Nam, trước bối cảnh các bệnh mạn tính đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em, các chuyên gia dinh dưỡng đã nhiều lần khuyến nghị giảm lượng đường trong đồ uống. TS.BS Bùi Thị Mai Hương từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:
“Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện, khi đã uống thì sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều đường hơn để tăng sự hấp dẫn với người tiêu dùng”.
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Quốc hội đã quyết định đưa nhóm đồ uống có đường (hàm lượng > 5 g/100 ml) vào diện chịu thuế: Bắt đầu áp thuế suất 8% trên giá chưa thuế từ 1/1/2027 và tăng lên 10% từ 1/1/2028. Sản phẩm chịu thuế bao gồm đồ uống hương liệu, nước tăng lực, nước thể thao, nước trái cây có đường và các đồ uống từ ngũ cốc, vượt ngưỡng 5 g đường/100 ml. Các nhóm không chịu thuế gồm: sữa, nước rau quả nguyên chất, nước đóng chai không đường, nước dinh dưỡng chuyên dùng…
Từ khóa Bệnh mạn tính Tổ chức Y tế Thế giới - WHO
