Người Hoa ở Canada hô vang ‘Trung Quốc không thuộc về ĐCSTQ’ nhân ‘Ngày Tưởng niệm’
- Tiêu Nhiên
- •
Vào ngày 1/10/2024, hàng chục thành viên của Ủy ban Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Canada, cùng với các nhóm người Tây Tạng và những người ủng hộ, đã tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto để tổ chức một cuộc biểu tình ‘Ngày tưởng niệm’, kêu gọi các dân tộc và nhóm khác nhau đoàn kết lại để chống lại chế độ chuyên chế của ĐCSTQ. Những người Hoa tham gia đã hô vang: “Trung Quốc không thuộc về ĐCSTQ!”
Chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Canada, ông Dư Hậu Cường, trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times đã phát biểu: “Hôm nay là ngày 1/10, một ngày mà chúng ta từng gọi là ‘Quốc khánh,’ nhưng hôm nay chúng ta nhận ra rằng đây là một ngày quốc tang. 75 năm trước đây, là ngày mà một kẻ độc tài đứng dậy, và toàn thể nhân dân phải quỳ xuống. Trung Quốc không phải là một quốc gia thực sự, mà là một hệ thống bị kiểm soát bởi các băng nhóm, và lá cờ 5 sao phía sau đại diện cho cờ của ĐCSTQ, chứ không phải ý chí của nhân dân”. Ông nhấn mạnh rằng lịch sử đã chứng minh các triều đại chắc chắn sẽ thay đổi, và chế độ độc tài chắc chắn sẽ sụp đổ. Ông tin rằng, với ngày càng nhiều người Trung Quốc tỉnh thức, cùng với áp lực từ cộng đồng quốc tế, thời điểm mà ĐCSTQ bị quét vào thùng rác của lịch sử đã rất gần. “Khi người Trung Quốc (không còn quỳ) đứng dậy, chính quyền ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Chúng tôi là những người đầu tiên đứng dậy, và chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều người Trung Quốc khác đứng dậy”, ông nói với Vision Times.
“ĐCSTQ không đại biểu Trung Quốc, người dân Trung Quốc khát vọng tự do”
Cuộc biểu tình được điều hành bởi hai thành viên của Ủy ban Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Canada, Trương Gia Nguyên và Lưu Huân Yến. Nhiều thành viên của Đảng Dân chủ Trung Quốc đã phát biểu, lên án chế độ chuyên chế của ĐCSTQ trong suốt 75 năm qua và bày tỏ hy vọng về một Trung Quốc dân chủ trong tương lai.
Mới gia nhập Đảng Dân chủ Trung Quốc không lâu, bà Khâu Lan thẳng thắn nói: “Hôm nay, chúng ta đứng ở đây không phải chỉ để biểu tình bề ngoài, mà là để phát ra một tiếng nói từ trái tim: Trung Quốc không thuộc về ĐCSTQ!”
Bà Khâu Lan cho biết, ĐCSTQ không bao giờ đại diện cho Trung Quốc; họ chỉ đại diện cho sự độc tài và áp bức. Còn người dân Trung Quốc thực sự, giống như tất cả những người yêu tự do và theo đuổi hòa bình trên toàn thế giới, khao khát tự do, dân chủ và nhân phẩm. Đó là lý do tại sao bà và nhiều thành viên Đảng Dân chủ khác hôm nay đã đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc để cùng nhau lên tiếng, từ chối tiếp tục số phận bị áp bức.
Bà Khâu Lan tiếp tục chỉ ra: “Sự cai trị của ĐCSTQ đã mang lại quá nhiều đau khổ, không chỉ cho nhân dân Trung Quốc, mà còn cho những tiếng nói và những sinh mạng đã biến mất trước mắt chúng ta”. Bà lên án chính quyền Trung Quốc đã duy trì quyền lực của mình bằng bạo lực, lừa dối và tẩy não, cố gắng khiến người dân Trung Quốc quên đi hình ảnh thực sự của một Trung Quốc nên có. Bà nhấn mạnh rằng cuộc biểu tình hôm nay không phải để im lặng hay thỏa hiệp, mà là để dũng cảm nói với thế giới: “Chúng tôi không còn chịu đựng sự cai trị như vậy nữa!”
Thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc, cô Khúc Yến, nói với Vision Times: “Trung Quốc hiện nay hỗn loạn, kinh tế suy thoái, người dân sống trong khốn khổ, không nhìn thấy hy vọng. Rất nhiều người có khả năng đã chọn rời đi, tôi cũng đã chọn đến Canada, nơi có tự do. Tại đây, chúng tôi có thể tự do lên tiếng, nói cho những người không thể có tiếng nói ở trong nước”.
Ông Phó Vĩ Chu đến từ Chu Hải, Quảng Đông, nói với Vision Times rằng ông chỉ đơn giản là đã phát biểu một số ý kiến tự do trên mạng, nhưng đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc liên tục quấy rối và đe dọa, buộc ông phải rời bỏ Trung Quốc vào tháng 8 năm nay cùng với con cái. “Sự cai trị của ĐCSTQ hoàn toàn trái ngược với dân chủ và tự do. Chế độ này chưa bao giờ trải qua cuộc bầu cử hợp pháp; ngày 1/10 chỉ là ngày kỷ niệm của ĐCSTQ, không có liên quan gì đến người dân, mà thực sự là một biểu tượng của nỗi buồn. Trong những năm gần đây, với sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc và sự gia tăng mâu thuẫn xã hội, xung đột giữa chính quyền và người dân ngày càng nghiêm trọng. Gần đây, những vụ việc ‘giết quan’ đã phản ánh sự bất mãn và mâu thuẫn gia tăng trong xã hội do sự suy thoái kinh tế. Tôi hy vọng một ngày nào đó, tự do và dân chủ thực sự sẽ đến”, ông nói.
Ngày Hành động Toàn cầu: Lên tiếng cho các dân tộc bị áp bức và nhân dân Trung Quốc
Chủ tịch chi nhánh Toronto của Tổ chức Sinh viên Tây Tạng, cô Nawang Garzey, trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times cho biết, “ngày 1/10 là Ngày Hành động Toàn cầu, và chúng tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ được lắng nghe”.
Cô cho biết, hiện nay vấn đề lớn nhất mà người Tây Tạng ở Trung Quốc phải đối mặt là các trường học nội trú, nơi trẻ em bị buộc phải rời xa gia đình và chỉ được nói tiếng phổ thông, dần dần quên đi ngôn ngữ và bản sắc của mình, văn hóa Tây Tạng đang bị xóa bỏ. Ngoài ra, sự tàn phá hệ sinh thái Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc cũng rất đáng lo ngại, việc xây dựng các con đập đã khiến hàng ngàn người mất nhà.
“Hy vọng lớn nhất của tôi là thấy nhiều người lên tiếng. Hôm nay có 35 người Tây Tạng tham gia biểu tình, có những bà mẹ bế con nhỏ, có cả những người lớn tuổi trên 80, điều này đã mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Tôi tin rằng chỉ cần chúng ta không từ bỏ hy vọng và tiếp tục hợp tác với các đồng minh, chúng ta chắc chắn sẽ giành được chiến thắng. Giữ vững hy vọng và sự đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của chúng ta”, cô Garzey nói với Vision Times.
Cuộc biểu tình hôm đó không chỉ nhằm chống lại sự cai trị độc tài của ĐCSTQ, mà còn để lên tiếng cho tất cả những người dân Trung Quốc và các dân tộc thiểu số đã mất tự do dưới áp bức của ĐCSTQ. Trong phần phát biểu của mình, thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc, ông Lưu Nham, cho biết, đứng trước Lãnh sự quán Trung Quốc không chỉ để đòi hỏi tự do và nhân phẩm cho bản thân, mà còn để kêu gọi cho tất cả những người bị áp bức bởi chế độ độc tài của ĐCSTQ, những người đã bị tước đoạt quyền phát biểu và quyền sống.
Ông Lưu Nham đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Martin Luther King: “Tôi có một giấc mơ, tôi mơ về một thế giới không có sự cai trị của kẻ độc tài, một tương lai không có chế độ độc tài của ĐCS. Một quốc gia thuộc về nhân dân, nơi mà chúng tôi không phải lo lắng về việc suy nghĩ và lời nói của mình sẽ bị kiểm duyệt, không phải lo lắng vì bất đồng mà mất đi tự do”. Ông thẳng thắn nói rằng chế độ độc tài của ĐCSTQ đã tước đoạt tự do của người dân, và sự cai trị của những kẻ độc tài này chỉ phục vụ cho lợi ích của chính họ, trong khi những người chịu đựng khổ sở luôn là quần chúng bình thường.
“Chúng tôi từ chối khuất phục trước độc tài! Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng!” Ông Lưu Nham còn nhấn mạnh rằng tư tưởng là vũ khí mạnh mẽ nhất của những người trong Đảng Dân chủ, và họ sẽ dùng ngọn lửa của sự thật, công lý và tự do để thiêu rụi sự giả dối và dối trá của những kẻ độc tài.
Chấm dứt bạo quyền – Mục tiêu chung vượt qua chủng tộc và văn hóa
Ngoài những cáo buộc nhắm vào chế độ bạo quyền của ĐCSTQ, một điểm nhấn lớn khác của cuộc biểu tình là nhấn mạnh sự đoàn kết vượt qua chủng tộc và văn hóa. Dưới chế độ ĐCSTQ, không chỉ người Hán chịu áp bức, mà các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Mông Cổ, v.v. còn phải đối mặt với sự đàn áp cực kỳ khắc nghiệt. Bà Khâu Lan trong phần phát biểu của mình đã nói: “Là người Trung Quốc, nhìn thấy đồng bào của chúng ta, các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Mông Cổ, thậm chí cả người Hán, đều bị bức hại theo những cách khác nhau, nỗi đau này là điều không thể chấp nhận”.
Phát biểu của bà Khâu Lan đã khơi dậy sự đồng cảm trong khán giả có mặt, bà nhấn mạnh rằng dù là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng hay người Hán, tất cả đều phải chịu đựng sự áp bức dưới chế độ bạo quyền của Đảng Cộng sản. Bà kêu gọi mọi người đoàn kết lại, vượt qua chủng tộc và văn hóa, vì một mục tiêu chung: Chấm dứt bạo quyền và trả lại tự do cho nhân dân Trung Quốc.
Cô Liêu Diệp trong phần phát biểu của mình cũng đã kêu gọi mọi người đoàn kết lại để chống lại sự áp bức của ĐCSTQ. Cô đề cập rằng người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mãn Châu, người Mông Cổ, người Hồng Kông và người Đài Loan đều phải chịu đựng các hình thức diệt chủng văn hóa, lao động cưỡng bức và đàn áp chính trị ở dưới chế độ ĐCS. Cô Liêu Diệp nói: “ĐCSTQ dùng cái gọi là ‘đoàn kết dân tộc’ để che đậy sự khai thác và áp bức đối với các dân tộc thiểu số. Họ tạo ra sự chia rẽ, lợi dụng xung đột dân tộc như một công cụ để củng cố quyền lực của mình”.
“Các bạn Tây Tạng, chúng tôi đứng cùng các bạn! Các bạn Duy Ngô Nhĩ, chúng tôi đứng cùng các bạn! Các bạn Hồng Kông, chúng tôi đứng cùng các bạn! Các bạn Đài Loan, chúng tôi đứng cùng các bạn!” Cô đã hô to vào cuối phần phát biểu.
Dũng cảm chống lại sự áp bức của ĐCSTQ
Các diễn giả tại cuộc biểu tình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ quốc tế đối với phong trào dân chủ ở Trung Quốc.
Cô Liêu Diệp kêu gọi cộng đồng quốc tế không giữ im lặng trước những tội ác của ĐCSTQ, và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ông Dịch Bá Dương người đã từng kinh doanh nhỏ ở trong nước, sau đó đã mạo hiểm bỏ trốn để đến với đất nước tự do Canada. Trong phần phát biểu của mình, ông đã đề cập đến cách mà chính quyền Trung Quốc sử dụng các biện pháp kinh tế để gia tăng đàn áp đối với các doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc và nhắc nhở cộng đồng quốc tế không nên đánh giá thấp sự xâm nhập của ĐCSTQ đối với tự do kinh tế và cá nhân. Ông so sánh người dân Trung Quốc như thức ăn cho heo, thẳng thắn nói rằng sự bóc lột của ĐCSTQ đối với nhân dân đã đạt đến mức không thể chấp nhận. “Nếu không loại bỏ ĐCSTQ, thế giới sẽ không bao giờ được yên bình. Tôi yêu đất nước Canada tự do và dân chủ này!” ông đã hô lớn.
Thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc, cô Mạch Lỵ, đã lên án rằng tội ác của ĐCSTQ là không thể kể xiết, và nhân tính dưới sự cai trị tàn bạo của chế độ này đã trở nên méo mó. “Mỗi tiếng nói của chúng ta hôm nay đều là tiếng khóc thương cho những nỗi khổ đau này, là sự phản kháng đối với kẻ gây hại. Chúng ta muốn ĐCSTQ biết rằng chúng ta không sợ quyền lực, không sợ sự đàn áp, và cũng muốn thế giới biết rằng người Trung Quốc đang phản kháng, đang nỗ lực giành quyền lợi của mình, và nói không với bạo quyền”.
Cô Mạch Lỵ cũng bày tỏ hy vọng thấy ĐCSTQ tan rã và phải chịu trách nhiệm cho những tội ác của mình. Cô nói: “Thứ nhất, trả lại những gì thuộc về nhân dân cho nhân dân, bao gồm nhân quyền, tự do tôn giáo, và các quyền lợi khác; thứ hai, chịu trách nhiệm cho những tội ác của mình và xin lỗi, từ việc bao vây thành phố Trường Xuân khiến vô số người dân vô tội chết đói, đến việc cướp bóc tài sản của tầng lớp trung lưu trong các chiến dịch Tam Phản, Ngũ Phản, cho đến hàng triệu sinh mạng bị thiệt mạng trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và đến việc bắn giết sinh viên và nhân dân trong sự kiện “Lục Tứ” vào năm 1989, cũng như sự đàn áp đối với các tôn giáo và các hành vi diệt chủng ở Tân Cương và Tây Tạng…”
Bốn thành viên của đoàn kịch Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Canada cũng đã biểu diễn một vở kịch châm biếm chính trị tại hiện trường cuộc biểu tình, châm biếm việc Tập Cận Bình lên nắm quyền và sửa đổi hiến pháp để trở thành ‘hoàng đế’, cũng như chính sách Zero COVID.
Trong cuộc biểu tình hôm đó, còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ Toronto, bà Lý Lan Cúc, và Chủ tịch Hội Thanh niên Tây Tạng, Sunny. Bà Lý Lan Cúc một lần nữa nhớ lại hình ảnh đẫm máu của sự kiện Thiên An Môn 35 năm trước, kêu gọi mọi người không quên lịch sử giết chóc của ĐCSTQ. Bà Sunny đã dẫn dắt những người tham gia biểu tình hô to các khẩu hiệu như “Lật đổ ĐCSTQ, Tự do cho Trung Quốc, Tự do cho Tây Tạng”.
Từ khóa Quốc khánh Trung Quốc Hoa kiều