Nhật báo Áo: “Đừng trở thành đồng phạm của chế độ Cộng sản Trung Quốc”
- Văn Dĩnh
- •
Ngày 27 tháng 10 năm 2023, Thời báo Kronen Zeitung của Áo đã đăng một bài báo trực tuyến có tiêu đề “Thu hoạch nội tạng đã trở thành ngành kinh doanh trị giá tỷ đô”, vạch trần tội ác thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bài báo cũng dẫn lời luật sư nhân quyền David Matas và kêu gọi Áo “không trở thành đồng phạm của Trung Quốc”. Kronen Zeitung là nhật báo lớn nhất của Áo với số lượng theo dõi hơn 1,7 triệu độc giả.
Bài báo đã chỉ ra sự khác biệt lớn giữa số liệu ca cấy ghép nội tạng do chính quyền Trung Quốc công bố và số liệu được tổng hợp thông qua các cuộc điều tra độc lập. Bài báo dẫn lời luật sư nhân quyền người Canada, ông David Matas: “Trong các cuộc điều tra ban đầu, chúng tôi phát hiện số ca cấy ghép không phải là 10.000 ca mỗi năm (số liệu từ chính quyền Trung Quốc) mà là 60.000 ca. Sau này, con số không còn là 60.000 nữa mà là 100.000 ca”.
Sau đó, bài báo trích dẫn Báo cáo Đặc biệt năm 2023 của Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH), bày tỏ nghi ngờ tuyên bố của ĐCSTQ về nguồn gốc nội tạng cấy ghép. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng “toàn bộ nội tạng đều đến từ việc hiến tặng”. Nếu bạn yêu cầu các cơ quan hữu quan giải thích sự khác biệt giữa tỷ lệ hiến tặng thấp và số ca cấy ghép cao, họ sẽ nói rằng một số nội tạng được lấy từ các nạn nhân bị tai nạn. Luật sư Matas phản bác: “Việc cấy ghép nội tạng có thể được lên kế hoạch, nhưng tai nạn thì không thể lên kế hoạch được.”
Bài báo cũng làm dấy lên nghi ngờ về một tuyên bố khác của chính quyền Cộng sản Trung Quốc rằng nội tạng được lấy từ các tù nhân bị hành quyết. Bài báo trích dẫn quan điểm của luật sư Matas: “Viêm gan B là căn bệnh phổ biến ở các tù nhân ở Trung Quốc, điều này khiến họ không thể hiến tạng. Áp lực toàn cầu đối với Trung Quốc nhằm bãi bỏ án tử hình đồng nghĩa với việc tuyên án tử hình giờ đây trở nên khó khăn hơn.”
Bài báo còn nêu rõ rằng ĐCSTQ coi người tập Pháp Luân Công là nhóm mục tiêu của nguồn nội tạng: “Như ông Matas đã nói, người tập Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất xét về số lượng. Năm 1999, có tới 100 triệu người thuộc nhóm tu luyện này. Hầu hết người tập Pháp Luân Công đều rất khỏe mạnh và có thể tìm thấy ở khắp nơi trên cả nước. [Nguồn nội tạng từ người tập] Pháp Luân Công là một ‘mỏ vàng’ và một ‘nguồn thu nhập’ mới. Cấy ghép nội tạng đã trở thành ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la ở Trung Quốc.”
Bài báo cũng phân tích các lý do chính trị khiến ĐCSTQ bức hại người tập Pháp Luân Công: “Cuộc bức hại còn có động cơ chính trị vì nhóm người này rất phổ biến, nhưng lại không phải là một tổ chức cộng sản.”
Sau khi phân tích kỹ lưỡng các cáo buộc rằng ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công còn sống, bài báo dẫn lời ông Matas và kêu gọi Áo không trở thành đồng phạm của ĐCSTQ: “Nếu người Áo không muốn trở thành đồng phạm của Trung Quốc, họ phải cấm công dân nước mình đến Trung Quốc cấy ghép tạng.”
Bài báo cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc thông qua luật nhằm ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp. Năm 2015, Áo đã ký Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống Buôn bán Nội tạng Người. Ông Matas cho biết, thỏa thuận này buộc các nước phải ban hành luật để hình sự hóa việc buôn bán nội tạng. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được Quốc hội Áo thông qua. Nếu Áo thông qua luật này, công dân Áo sẽ không được sang Trung Quốc để ghép tạng một cách hợp pháp nữa. Theo ông Matas, hiện có 20 quốc gia đã ban hành luật như vậy. “Nhưng thế giới có tới 193 quốc gia nên vẫn còn một chặng đường dài phía trước.”
Theo Minghui.org
Tác giả: Văn Dĩnh
Xem thêm:
- Hội nghị nhân quyền LHQ và nhiều tổ chức cùng lên án việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng
- Website WOIPFG bị tấn công sau bằng chứng gây sốc về thu hoạch tạng sống
- Báo cáo: Giới y học Mỹ có thể đồng lõa với nạn thu hoạch tạng ở TQ
Mời xem video:
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện