Nhật – Mỹ tài trợ lớn cho COVAX để chống lại chính sách ngoại giao vắc-xin của Bắc Kinh
- Tiến Minh
- •
Nhật Bản và Hoa Kỳ gần đây đã cam kết tặng thêm vắc-xin COVID-19 và tài trợ cho các nước đang phát triển thông qua chương trình chia sẻ COVAX toàn cầu để chống lại chính sách ngoại giao vắc-xin của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Tại Hội nghị tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) vào ngày 2/6 ở Nhật Bản, chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã cam kết rằng Nhật Bản sẽ tài trợ 30 triệu liều vắc-xin được sản xuất tại Nhật Bản cho các quốc gia khác thông qua chương trình COVAX.
Ông Suga cũng thông báo rằng Nhật Bản sẽ tặng 800 triệu đô la – gấp 4 lần cam kết ban đầu – để tài trợ vắc-xin miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. Cùng với các khoản quyên góp trước đây, Nhật Bản đã trao 1 tỷ đô la cho chương trình và trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau 2,5 tỷ đô la của Hoa Kỳ.
Chương trình COVAX được dẫn đầu bởi Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), chương trình Đổi mới để Sẵn sàng Chống dịch (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Liên minh này đặt mục tiêu cung cấp 1,8 tỷ liều vắc-xin cho 30% dân số sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Các cam kết mới từ các nước trong Hội nghị thượng đỉnh cho thấy tổng số tiền quyên góp tăng lên 9,6 tỷ USD để mua sắm và cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển. Trước đó, Liên minh châu Âu đã hứa tài trợ 100 triệu liều vắc-xin và Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 80 triệu liều.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra rằng các khoản tài trợ từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU là để chống lại “chính sách ngoại giao vắc-xin” của chính quyền Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp vắc-xin do Trung Quốc sản xuất cho các nước khác trong nỗ lực đảm bảo ảnh hưởng chính trị đối với các nước nhận viện trợ, như Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin.
Nhật Bản và Hoa Kỳ, những quốc gia hiện đang dẫn đầu viện trợ vắc-xin trên thế giới, đã kêu gọi các nước khác đoàn kết và hỗ trợ những nước đang phát triển để kiềm chế Trung Quốc cộng sản.
Theo RFA, chế độ Trung Quốc đã bán 683 triệu liều vắc-xin COVID-19 của mình thông qua các thỏa thuận song phương với các nước khác. Các thương vụ này, trong một số trường hợp đã cho phép chế độ Trung Cộng trực tiếp gây áp lực và ảnh hưởng lên các nước nhận viện trợ.
Bắc Kinh đã tham gia chương trình COVAX vào tháng 10 năm 2020 và hứa cung cấp 10 triệu liều vắc-xin do Trung Quốc sản xuất cho COVAX vào tháng 2 năm 2021, ít hơn nhiều so với số vắc-xin mà nước này đã xuất khẩu thông qua quan hệ song phương. WHO đã thông báo vào ngày 1/6 rằng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp và nó sẽ được đưa vào danh sách mua sắm COVAX do WHO dẫn đầu, cùng với vắc xin Sinopharm của Trung Quốc đã được WHO phê duyệt trước đó vào ngày 7/5.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Trung Quốc muốn xuất khẩu vắc-xin của mình thông qua quan hệ song phương để phục vụ tốt hơn các mục tiêu chiến lược và kinh tế của chế độ. Tuy nhiên, nếu vắc-xin được tặng thông qua WHO và COVAX, điều đó có nghĩa là chế độ Trung Quốc sẽ mất quyền kiểm soát đối với việc vắc-xin sẽ được gửi đi đâu và họ sẽ không còn được coi là “nhà hảo tâm” trực diện để có cơ hội gây ảnh hưởng đến những nước khác. Ngược lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken nhấn mạnh vào ngày 1/6 rằng Hoa Kỳ sẽ “phối hợp với COVAX” và “phân phối vắc-xin mà không đưa ra áp lực chính trị đối với những người nhận chúng”.
Chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách ngoại giao vắc xin kể từ năm ngoái. Hungary, một thành viên EU và là một trong số ít quốc gia Đông Âu mua vắc-xin của Trung Quốc vào tháng 3, kể từ đó đã phủ quyết các nghị quyết của EU lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Trung Quốc ở Hồng Kông và chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào cuối tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã chặn Đài Loan mua vắc-xin Pfizer / BioNTech trong khi đẩy vắc-xin của Trung Quốc cho hòn đảo tự trị trong nỗ lực phát động cuộc chiến vắc-xin chống lại Đài Loan. Tuy nhiên, viện trợ vắc-xin cho Đài Loan từ Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chấm dứt kế hoạch của ĐCSTQ. Với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, Đài Loan đã được đưa vào chương trình COVAX.
Nhật Bản đã gửi 1,24 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đến Đài Loan trên chuyến bay mang số hiệu JL809 hôm 4/6, ngày được ĐCSTQ coi là cấm kỵ. Tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh 32 năm trước — ngày 4 tháng 6 năm 1989 — ĐCSTQ đã điều động quân đội của mình và giết hại dã man ước tính hàng chục ngàn sinh viên và công dân không mang vũ khí đang biểu tình ôn hòa cho tự do và dân chủ.
ĐCSTQ đã cấm mọi hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát tàn bạo ở Trung Quốc đại lục kể từ đó và tại Hồng Kông kể từ năm 2020. Tuy nhiên, tại Đài Loan, một xã hội Trung Hoa không bị ĐCSTQ cai trị, ngày 4/6 được tưởng niệm cả trong các hoạt động chính thức và tự phát.
Vào ngày 5/6, nhà lập pháp Đài Loan Wang Ting-yu tuyên bố rằng ĐCSTQ xem tính mạng con người và việc ngăn chặn đại dịch là cơ hội chính trị, mà theo ông là tàn nhẫn và ghê tởm.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đăng trên Facebook: “Vào ngày 4/6, vắc-xin từ Nhật Bản sẽ đến Đài Loan. Chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ kịp thời từ các đối tác, những người cũng đề cao các giá trị của tự do và dân chủ. Điều này giúp Đài Loan có thêm niềm tin vào nền dân chủ”.
Bà Thái nói tiếp: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên, vào ngày này 32 năm trước, những người trẻ tuổi đã hy sinh mạng sống của họ ở Quảng trường Thiên An Môn, và những người bạn của chúng tôi ở Hồng Kông, những người luôn tưởng nhớ Phong trào ngày 4/6 dưới ánh nến năm này qua năm khác. Tôi tin rằng tất cả những người Đài Loan tự hào về tự do và dân chủ sẽ không bao giờ quên ngày này trong lịch sử, sẽ kiên định với niềm tin của mình và sẽ không bị lung lay trước những thử thách”.
Tiến Minh (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện ngoại giao vắc-xin Sáng kiến COVAX