Chính quyền Mỹ cho biết đợt hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine có trị giá 700 triệu USD. Được biết, đây là gói viện trợ thứ 11 mà Mỹ đã gửi cho Ukraine và là gói viện trợ đầu tiên thuộc khoản 40 tỷ USD mà Quốc hội đã phân bổ cho Ukraine vào tháng trước. 

gói viện trợ
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

“Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác Ukraine của chúng ta và sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí, trang thiết bị để họ tự vệ”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một tuyên bố.

Cụ thể, danh sách những loại vũ khí sẽ được gửi cho Ukraine theo đợt hỗ trợ an ninh mới nhất này gồm: 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) và đạn dược; 5 radar phản pháo; 2 radar giám sát đường không; 1.000 tên lửa Javelin và 50 đơn vị bệ phóng; 6.000 vũ khí chống tăng; 15.000 viên đạn pháo 155 mm; 4 máy bay trực thăng Mi-17; 15 phương tiện chiến thuật; phụ tùng và thiết bị.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Todd Breasseale, với khoản viện trợ mới này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gửi viện trợ trị giá khoảng 4,6 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.

Ông Breasseale cho biết Mỹ đã hỗ trợ an ninh trị giá hơn 7,3 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2014 – khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea.

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một lộ trình sơ bộ về gói viện trợ mới nhất. Ông cho biết: “Tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tân tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine”. Ông cho biết thêm rằng Mỹ cũng sẽ tiếp tục gửi tên lửa phòng không Stinger, các hệ thống pháo và hệ thống tên lửa chính xác, radar, máy bay không người lái, trực thăng Mi-17 và đạn dược.

Tổng thống Biden cũng nói rằng Mỹ không muốn Ukraine bắn những tên lửa đó vào lãnh thổ Nga. Ông nói: “Chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công ngoài biên giới của mình. Chúng tôi không muốn kéo dài chiến tranh chỉ để gieo rắc đau thương cho nước Nga”.

HIMARS là bệ phóng tên lửa hạng nhẹ, công nghệ cao được đặt trên khung gầm bánh lốp, nhẹ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn trên chiến trường. Mỗi hệ thống HIMARS có thể mang theo 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS, có thể được nạp lại trong khoảng 1 phút chỉ với một kíp vận hành nhỏ.

Các nhà phân tích cho rằng hệ thống này tin cậy hơn đáng kể so với các hệ thống tên lửa khác mà lực lượng Ukraine đang sử dụng.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine có tầm bắn khoảng 70 km, xa hơn gần gấp đôi tầm bắn của các loại pháo M777 do Mỹ cung cấp và được đưa vào chiến trường Ukraine hồi tháng 5. Đặc điểm này giúp nó có thể triển khai ở vị trí ngoài tầm hoạt động của pháo Nga, mặt khác có thể đe dọa các tổ hợp của Nga. Ngoài ra, nó cũng đe dọa các kho hậu cần của Moscow.

Quân đội Mỹ đã triển khai một số hệ thống HIMARS ở châu Âu và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) gồm Ba Lan và Romania cũng sở hữu các hệ thống này. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống HIMARS tới Ukraine.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định HIMARS sẽ là yếu tố giúp thay đổi cục diện ở thời điểm lực lượng Ukraine dường như đang gặp khó khăn trước hỏa lực của pháo binh Nga. Dẫu vậy, các ý kiến khác cho rằng hệ thống nay sẽ không thể đột ngột lật ngược tình thế trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 4.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Colin Kahl, Mỹ đã nhận được cam kết từ Ukraine là không tấn công Nga bằng vũ khí của Mỹ. Ông Kahl nói Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thảo luận về vấn đề này.

Ông Kahl cho biết Mỹ đang lưu tâm đến khả năng nguồn cung cấp vũ khí mới có thể làm leo thang xung đột với Nga. Sau khi bài viết của ông Biden được đăng, Điện Kremlin cáo buộc Mỹ cố tình “đổ thêm dầu vào lửa”.

Nhưng ông Kahl khẳng định rằng “Nga không có quyền phủ quyết” đối với những thiết bị mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine.

Phan Anh

https://trithucvn2.net/the-gioi/video-de-che-ta-ac-tong-thong-ronald-reagan.html