Ông Joe Biden trong 2 ngày qua đã ký một loạt các lệnh hành pháp để hiện thực hóa chương trình nghị sự cấp tiến của Đảng Dân chủ, đa phần là đảo ngược chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald Trump.

Embed from Getty Images

Dưới dây là danh sách các lệnh hành pháp và các chỉ thị mà ông Biden đã ký trong 48 giờ qua:

NGÀY MỘT

Lệnh hành pháp tạo ra chức vụ điều phối công tác phản ứng với COVID-19

Lệnh hành pháp quy định: “Điều phối phản ứng COVID-19 sẽ báo cáo trực tiếp cho Tổng thống; cố vấn và trợ giúp Tổng thống và các phòng ban điều hành trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19; điều phối tất cả các yếu tố của công tác phản ứng với COVID-19; và thực thị các nhiệm vụ khác theo lệnh của Tổng thống”.

Người được ông Biden chỉ định giữ chức Điều phối COVID-19 là ông Jeff Zients.

Ông Jeff Zients, sinh năm 1966, là doanh nhân và quan chức chính quyền. Từ tháng 2/2014 đến tháng 1/2017, ông là giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Ông Jeff Zients cũng đã làm quyền giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Tòa Bạch Ốc trong năm 2010 và năm 2013.

Lệnh hành pháp về bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ quan liên bang

Biden ra lệnh mọi người phải đeo khẩu trang tại các cơ quan liên bang và thực hành giãn cách xã hội trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn lây lan virus corona.

Ông Biden không có quyền ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc, nhưng hôm thứ Tư (20/1) ông nói rằng ông sẽ thực hiện quyền yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nhưng nơi ông có quyền làm thế.

Lệnh hành pháp đảo ngược lại việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Ông Biden đã ký lệnh hành pháp để đảo ngược lại việc Mỹ rút khỏi WHO theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump.

Ông Trump năm ngoái nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi WHO do phản ứng yếu kém của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo quy định, phải sau một năm kể từ khi Mỹ thông báo chính thức, thì việc rút lui mới có hiệu lực và Washington chưa chính thức rời khỏi WHO cho tới tháng 7/2021.

Ông Biden đã viết thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc General António Guterres, nói rằng: “WHO đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19 chết người, cũng như vô số các mối đe dọa khác đối với sức khỏe và an ninh sức khỏe toàn thế giới. Mỹ sẽ tiếp tục là thành viên đầy đủ và là lãnh đạo toàn cầu trong công cuộc đối đầu với những mối đe dọa như vậy và sẽ thúc đẩy sức khỏe và an ninh sức khỏe toàn cầu”.

Lệnh hành pháp gia hạn chỉ thị về vấn đề thu hồi và tịch thu tài sản

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ gia hạn chỉ thị về vấn đề thu hồi và tịch thu tài sản đến cuối tháng 3/2020, trong một nỗ lực nhằm giúp các gia đình đang gặp khó khăn trong đại dịch virus corona.

Bộ Nông nghiệp nói trong một tuyên bố: “USDA thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng về chi phí nhà ở gần như chưa từng có tiền lệ”.

Lệnh hành pháp gia hạn việc tạm dừng trả nợ khoản vay sinh viên

Bộ Giáo dục Mỹ sẽ gia hạn việc tạm dừng các khoản trả nợ và các khoản thu liên quan vay sinh viên liên bang cho đến cuối tháng 9/2021, căn cứ theo một lệnh hành pháp ông Biden ký. Tỷ lệ lãi suất đối với các khoản nợ sinh viên như vậy cũng sẽ duy trì ở mức 0%.

Ông Biden đã cam kết sẽ hủy bỏ khoản nợ sinh viên 10.000 USD/ người. Trong khi, những nhà hoạt động cánh tả cấp tiến đã vận động ông Biden hủy bỏ khoản nợ sinh viên lên đến 50.000 USD/ người.
Lệnh hành pháp tái gia nhập Hiệp định Biến đổi Khí hâu Paris

Ông Biden đã ký sắc lệnh đưa nước Mỹ quay lại Hiệp định Biến đổi Khí hậu Paris mà ông Trump trước đó đã rút lui.

Hiệp định này đặt ra mục tiêu các quốc gia giới hạn mức phát thải khí carbon để “giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức dưới” 2 độ C. Hiệp định này cũng yêu cầu Mỹ phải chi trả hàng trăm triệu USD mỗi năm để giúp các nước khác thực thi chương trình chống biến đổi khí hậu.

Lệnh hành pháp rút lại giấy phép xây dựng đường ống Keystone XL và tạm dừng cho thuê khai tác khí đốt tại Bắc Cực

Được khởi công vào năm 2008, Keystone XL là một hệ thống đường ống vận chuyển dầu thô kéo dài từ các mỏ dầu ở tỉnh Alberta (Canada) đến các nhà máy lọc dầu ở nhiều tiểu bang khác nhau tại Mỹ khu vịnh Mexico, dự kiến có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu mỗi ngày, trên gần 2.000 km. Dự án này đã bị chậm lại do các vấn đề pháp lý ở Hoa Kỳ, cũng như phải chịu sự phản đối và chỉ trích gay gắt của các nhà môi trường.

Việc thu hồi giấy phép của dự án Đường ống dẫn dầu Keystone XL có thể khiến 42.100 lao động trên khắp nước Mỹ mất việc làm.

Tuyên bố của Tổng thống về cắt tiền chi cho xây tường biên giới

Ông Biden đã ký tuyên bố tổng thống vào hôm thứ Năm (21/1), chấm dứt cấp tiền cho xây tường biên giới phía nam.

Động thái này đã thu hồi lại tuyên bố của tổng thống Mỹ về tình trạng khẩn cấp tại biên giới phía nam, vốn giúp đẩy nhanh việc xây dựng bức tường biên giới giáp với Mexico.

Tổng thống Trump đã từng cảnh báo rằng việc chấm dứt các chính sách của ông và gia tăng các biện pháp khuyến khích nhập cư sẽ dẫn đến “làn sóng nhập cư bất hợp pháp, làn sóng mà bạn chưa từng thấy trước đây” và hiện nó đã có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ.

Và dường như không phải chờ đợi lâu để thấy điều đó, đoàn caravan di cư đầu tiên trong năm 2021 đã diễn ra chưa đầy một tuần trước Lễ nhậm chức của chính quyền mới. Hàng nghìn người di cư Honduras, bao gồm các gia đình và nhiều trẻ em, đã đến Guatemala hôm thứ Sáu.

Người phát ngôn của cơ quan nhập cư Guatemala, Alejandra Mena, ước tính rằng có khoảng 6.500 người Honduras đang tiến về phía bắc, với 3.000 đến 3.500 người trong số họ đã ở trong lãnh thổ Guatemala. Một sĩ quan cảnh sát Honduras nói với truyền hình địa phương rằng “hơn hoặc ít hơn 5.000 người” đã đi qua một trạm kiểm soát dọc theo đường cao tốc khi họ xếp thành một đoàn lữ hành.

Chỉ thị củng cố chương trình DACA

Ông Biden đã ký chỉ thị gửi các bộ tư pháp và an ninh nội địa phải củng cố chương trình DACA thời ông Obama.

Chỉ thị này cho phép chính phủ Mỹ chấp nhận các đơn xin cấp mới trong chương trình DACA (chương trình Hành động hoãn lại việc trục xuất đối với những người đến Mỹ từ tuổi thơ ấu) và ra lệnh cho hai bộ này phải “thực hiện tất cả những hành động [cần thiết]… phù hơp với luật hiện hành, nhằm duy trì và củng cố DACA”.

Lệnh hành pháp chấm dứt lệnh cấm di trú của TT Trump

Ông Biden đã ký sắc lệnh kết thúc lệnh di trú của chính quyền Trump, trong đó cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người dân của 13 nước có đa số dân Hồi giáo và các nước có nguy cơ đặt ra đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Lệnh hành pháp mới của ông Biden đã chấm dứt lệnh cấm đi lại này, qua đó cho phép công dân nước ngoài từ 13 quốc gia (Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Venezuela, Triều Tiên, Nigeria, Myanmar, Eritrea, Sudan, Tanzania và Kyrgyzstan) sẽ lại bắt đầu được nhập cư vào Mỹ. Lệnh này cũng hướng dẫn Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu tiến hành cấp thị thực cho công dân từ các quốc gia đó.

Lệnh hành pháp quy định phải tính những người nhập cư không có giấy tờ vào thống kê dân số Mỹ
Ông Biden đã ký lệnh hành pháp cho phép những người nhập cư vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ sẽ được tính vào bảng điều tra dân số Mỹ 10 năm một lần.

Trước đó, ông Trump đã nỗ lực để loại bỏ những người nhập cư bất hợp pháp này ra khỏi các thống kê điều tra dân số Mỹ.

Lệnh hành pháp thu hồi các chính sách nhập cư cứng rắn của TT Trump

Ông Biden đã ký sắc lệnh thu hồi một sắc lệnh của chính quyền Trump, trong đó thúc đẩy các nỗ lực quy mô lớn nhằm truy tìm và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Lệnh hành pháp thúc đẩy công bằng chủng tộc

Ông Biden sẽ ra lệnh cho chính quyền của ông thiết lập các chính sách toàn diện nhằm thúc đẩy công bằng chủng tộc trên khắp nước Mỹ.

Ông Biden đã sử dụng một lệnh hành pháp để ra lệnh cho Hội đồng Chính sách Nội địa “điều phối các nỗ lực nhằm gắn các quy tắc, chính sách và các cách tiếp cận công bằng [chủng tộc] vào tất cả các Cơ quan Liên bang”.

Sắc lệnh này cũng xóa bỏ Ủy ban 1776 do TT Trump thành lập nhằm mục đích gìn giữ sự chính xác của lịch sử và truyền thống Mỹ.

Lệnh hành pháp cấm phân biệt đối xử dựa vào xác định giới tính hoặc khuynh hướng tính dục

Ông Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu cơ quan chính phủ phải ban hành nhiều chính sách và quy định để ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử dựa vào xác định giới tính hoặc khuynh hướng tính dục.

Các cơ quan liên bang sau đó sẽ được trao quyền, cùng với tham vấn tổng chưởng lý, để thực thi mọi chính sách mà sẽ gia tăng nỗ lực nêu trên trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền mới hoặc hủy bỏ bất kỳ quy định nào mà họ tin sẽ cho phép phân biệt đối xử.

“Mọi người nên được đối xử với sự tôn trọng và phẩm giá và nên được sống không sợ hãi, cho dù họ là ai và họ yêu ai”, theo lệnh hành pháp của ông Biden.

Lệnh hành pháp yêu cầu những người được bổ nhiệm giữ chức vụ trong chính phủ Mỹ phải ký cam kết đạo đức

Ông Biden ký lệnh hành pháp yêu cầu tất cả những người được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ trong chính quyền của ông phải ký vào một bản cam kết đạo đức.

Bản cam kết quy định cấm nhận quà của những người vận động hành lang có đăng ký và cấm tham gia vận động hành lang 2 năm sau khi rời chức vụ chính phủ và cấm vận động hành lang cho tất cả các chính phủ nước ngoài.

NGÀY HAI

Lệnh hành pháp bắt buộc đeo khẩu trang trên nhiều phương tiên giao thông

Ông Biden đã ký lệnh hành pháp yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm tại sân bay, trên máy bay và trên tàu. Lệnh này là tiếp sau của lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ quan liên bang.

Các hãng hàng không lớn của Mỹ và các công ty vận tải như Amtrak (vận tải tàu hỏa) hiện đã yêu cầu hành khách buộc phải đeo khẩu trang khi lên máy bay và lên tàu.

Lệnh hành pháp thúc đẩy tiếp cận chữa trị COVID-19

Ông Biden ký sắc lệnh chỉ đạo Bộ Y tế và Dân sinh phải ủng hộ việc nghiên cứu “các biện pháp chữa trị hứa hẹn nhất đối với COVID-19 và các mối đe dọa sức khỏe công cộng gây hậu quả cao trong tương lai”.

Lệnh hành pháp này cũng ra lệnh cho chính quyền phải “cung cấp sự hỗ trợ tăng cường trọng điểm đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe quan trọng và dài hạn”.

Lệnh hành pháp đảm bảo củng cố chuỗi cung ứng quốc gia

Ông Biden đã ra lệnh các cơ quan chính phủ phải “đánh giá khả năng sẵn sàng sử dụng của các vật tư y tế quan trọng, các biện pháp chữa trị, và các nguồn cung cần thiết để chiến đấu với COVID-19” và gửi cho ông báo cáo về vấn đề này.

Lệnh hành pháp này cũng trao quyền cho các cơ quan chính phủ “được thực thi hành động phù hợp, sử dụng tất cả các quyền lực hợp pháp sẵn có, trong đó có Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, để hoàn thành” tất cả các thiếu hụt mà họ phát hiện ra.

Lệnh hành pháp hướng dẫn các chính quyền bang và địa phương về cách mở lại trường học

Bộ Giáo dục Mỹ được lệnh làm việc với Bộ Y tế và Dân sinh để cung cấp “hướng dẫn dựa trên bằng chứng nhằm hỗ trợ các Tiểu bang và các trường tiểu học, trung học trong việc đưa ra quyết định liệu có mở lại hay tiếp tiếp mở các lớp học trực tiếp và cách thức làm việc đó; và việc thực hiện học trực tiếp một cách an toàn”.

Lệnh hành pháp tăng cường bảo vệ công nhân tại nơi làm việc

Bộ Lao động được chỉ đạo phải ban hành hướng dẫn mới đối với các chủ lao động về cách thức tăng cường an toàn nơi làm việc trong thời đại dịch virus corona.

Bộ Lao động cũng được lệnh phải xác định xem liệu có phải thực thi bất kỳ tiêu chuẩn mới tạm thời nào liên quan tới đeo khẩu trang hay không và Bộ này phải ban hành những tiêu chuẩn mới đó trước ngày 15/3 nếu họ thấy cần thiết.

Xuân Thành (Theo The Hill)

Xem thêm: