Trump chỉ trích Trung Quốc sau vụ Bắc Hàn phóng tên lửa xuyên lục địa
- Xuân Thành
- •
Sau khi Bắc Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM) thành công vào hôm thứ Ba (3/7), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên tiếng phê bình Trung Quốc đang tăng cường hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng.
Trong tweet đăng vào sáng thứ Tư (5/7), Tổng thống Trump nói rằng: “Thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tăng trưởng gần 40% trong quý I. Trung Quốc hợp tác với chúng ta như thế đấy – nhưng chúng ta cũng đã buộc phải thử [hợp tác với họ]!”
Trade between China and North Korea grew almost 40% in the first quarter. So much for China working with us – but we had to give it a try!
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) July 5, 2017
Trước khi đăng tweet phản ảnh mức độ thương mại Trung – Triều tăng cao trong quý I, ông Trump đã nhắc lại về các hoạt động thương mại không có lợi cho Mỹ, dường như nhắm tới Trung Quốc: “Hoa Kỳ đã tiến hành một số Thỏa thuận Thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Tại sao chúng ta nên tiếp tục các giao dịch với các nước không giúp chúng ta?”
The United States made some of the worst Trade Deals in world history.Why should we continue these deals with countries that do not help us?
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) July 5, 2017
Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc gặp Trump – Tập tại Florida, Hoa Kỳ hồi đầu tháng Tư, Tổng thống Trump mới nhắc lại vấn đề thương mại với Trung Quốc.
Từ trước khi Bắc Triều Tiên thử thành công ICBM, các chuyên gia quốc tế đã nhận định rằng “tuần trăng mật” giữa Donald Trump và Tập Cận Bình đã kết thúc. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi Bình Nhưỡng đã phóng được tên lửa có thể vươn xa tới tiểu bang Alaska và ông Trump đã thẳng thừng chỉ trích hoạt động thương mại Trung – Triều đang tăng rất cao.
“Tuần trăng mật” đã qua và tương lai u ám của quan hệ Trum – Tập
Phía Hoa Kỳ thể hiện rõ sự thất vọng khi Trung Quốc không nỗ lực nhiều hơn để gây sức ép lên Bắc Triều Tiên. Trong khi, Bắc Kinh lại tỏ ra rất tức giận trước các động thái gần đây của Nhà Trắng, trong đó có việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên một ngân hàng Trung Quốc đang có hoạt động kinh doanh “bất hợp pháp” với Bình Nhưỡng, và đồng ý thỏa thuận bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng liệt Trung Quốc là một trong 23 nước có nạn buôn người và cưỡng bức lao động tồi tệ nhất thế giới. Quân đội Mỹ hôm 2/7 cũng đã cử một tàu chiến tuần tra biển Đông áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép.
Theo một cách nào đó, mâu thuẫn này không mới và cũng không đáng ngạc nhiên. Các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đây cũng nhận các phản đối tương tự từ Bắc Kinh. Trung Quốc vốn được phía Mỹ đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những biến động hỗn loạn ở Bắc Triều Tiên. Nhưng khi Bắc Kinh không thể tiến xa hơn trong việc kiềm chế đồng minh của mình và chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của chế độ Kim Jong-un đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn và Washington buộc phải có những lựa chọn khác để đảm bảo an ninh tối đa cho chính mình và đồng minh.
Ông Trump đã từng nói trước khi có cuộc gặp với ông Tập hồi tháng Tư rằng: “Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Hàn, và Trung Quốc hoặc là sẽ quyết định giúp chúng ta về Bắc Hàn, hoặc là không. Nếu họ giúp, thì đó là điều tốt cho họ, và nếu họ không, thì điều đó chẳng tốt cho ai cả.”
Với tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, trước mắt Tổng thống Trump có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và công ty Trung Quốc có quan hệ với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên một số chuyên gia Châu Á nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường áp lực thương mại lên chế độ Kim Jong-un nếu Hoa Kỳ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán đề giải quyết khủng hoảng Triều Tiên theo đề xuất của Bắc Kinh.
Cả Trung Quốc và Nga đang kêu gọi các bên tránh tăng thêm căng thẳng và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.
Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin đã gặp nhau tại Moscow hôm thứ Ba (4/7) và cùng đồng thuận rằng: “các bên đối đầu [trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên] nên bắt đầu đàm phán”.
Tổng thống Putin tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Moscow hôm thứ Ba (4/7)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay: “Nga và Trung rất rõ ràng rằng bất kỳ nỗ lực nào để biện minh cho việc sử dụng vũ lực bằng cách đề cập tới các nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc là không thể chấp nhận và sẽ dẫn đến các hậu quả không lường trước được ở khu vực này, nơi có biên giới với cả Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc”.
Ông Lavrov còn nói thêm rằng: “Cố gắng bóp nghẹt Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế cũng không thể chấp nhận được”.
Với Hoa Kỳ sau khi Bắc Hàn thử thành công ICBM có khả năng vươn tới Alaska, thì vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã có sự thay đổi lớn trên thực tế.
Lãnh thổ Mỹ cuối cùng đã nằm trong tầm ngắm của chế độ Kim Jong-un. Và lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đã phải chấp nhận rằng Bắc Triều Tiên đặt ra mối nguy hiểm “thực tế và hiện hữu” không chỉ với các đồng minh quan trọng của Đông Nam Á mà còn đối với chính Hoa Kỳ.
Ngay sau khi Bắc Hàn thử ICBM, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhắc lại rằng: “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”.
Vì vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, chính quyền Trump đã phải nhượng bộ Trung Quốc về thương mại trong nhiều tháng nay và hoàn toàn có thể cũng vì lý do này Washington sẽ mạnh tay hơn với Trung Quốc để buộc nước này phải có các bước đi hiệu quả hơn trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Tên lửa Tập Cận Bình Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung Vladimir Putin Bắc Triều Tiên