Ông Trump: Nga đang giúp Bắc Hàn tránh chế tài; Bình Nhưỡng sắp có tên lửa đánh vào Mỹ
- Yên Sơn
- •
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm thứ Tư (17/1), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói rằng Nga đang giúp Bắc Hàn trốn tránh chế tài quốc tế và nhấn mạnh Bình Nhưỡng đang “mỗi ngày càng gần hơn” với khả năng phóng tên lửa tầm xa tới lục địa Hoa Kỳ.
Ông Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với ông Putin, nhưng bị cản trở bởi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Reuters cho biết họ đã phỏng vấn Tổng thống Trump tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng hôm thứ Tư (17/1) khoảng gần 1 giờ. Trong đó, ông Trump trả lời rất nhiều chủ đề, nhưng nổi bật là những thông tin liên quan đến Nga và vấn đề tên lửa, hạt nhân Bắc Hàn.
“Nga không giúp chúng ta về [vấn đề] Bắc Hàn chút nào cả. Những gì Trung Quốc đang giúp chúng ta, thì Nga lại [ở đằng sau bù đắp] cho Bắc Hàn. Nói cách khác, Nga đang bù đắp [cho Bắc Hàn] những gì Trung Quốc đang làm để [hạn chế Bình Nhưỡng]”, Reuters dẫn lời ông Trump.
Tổng thống Mỹ cho rằng Nga dường như đang lấp đầy khoảng trống về hỗ trợ Bắc Hàn mà Trung Quốc để lại.
Reuters trong tháng 12/2017, dẫn theo nguồn tin an ninh Tây Âu, cho biết các dầu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Bắc Hàn ít nhất ba lần trong những tháng cuối năm bằng cách chuyển các thùng dầu sang cho tàu hàng Bắc Hàn tại vùng biển quốc tế, vi phạm các chế tài quốc tế. Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận họ vi phạm chế tài áp đặt lên Bắc Hàn.
>>Nga cũng cung cấp dầu lậu cho Bắc Hàn?
Ông Trump lý giải nguyên nhân Nga đang cản trở Mỹ nỗ lực gây sức ép tối đa lên Bắc Hàn là do cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 suốt năm qua đã ngăn không cho ông có điều kiện cải thiện mối quan hệ Nga – Mỹ.
“Ông ấy có thể làm nhiều điều”, ông Trump nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Nhưng không may chúng tôi không có nhiều mối quan hệ hợp tác với Nga, và trong một chừng mực nào đó, nó đã dẫn tới việc Trung Quốc lấy đi điều gì [từ Bắc Hàn], Nga lại bù đắp vào. Vì vậy kết quả thực tế của [chế tài áp lên Bình Nhưỡng] là không tốt như vốn dĩ nó có thể đạt được”.
Ông Andrew Weiss, phó chủ tịch chương trình nghiên cứu tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với Reuters rằng Moscow không hẳn là không cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng với Washington. “Không đơn giản là trong trường hợp đó, [thực tế] nếu ông Trump không bị rằng buộc trong [điều phối] quan hệ với Nga, thì ông và ông Putin có thể hợp tác tuyệt vời với nhau để giải quyết khủng hoảng Bắc Hàn”, ông Weiss khẳng định.
Ngoài việc gọi thẳng tên Nga đang giúp đỡ Bắc Hàn, qua Reuters ông Trump cũng nhận định rằng chế độ Bình Nhưỡng đang dần dần nâng cao khả năng phóng tên lửa tới lãnh thổ Mỹ.
“Họ chưa có [khả năng đó] bây giờ, nhưng họ sắp [làm được]. Và họ mỗi ngày càng tiến gần hơn [tới khả năng đó”, ông Trump cảnh báo.
Sau vụ phóng tên lửa đạn đạo gần nhất vào cuối tháng 11/2017, phía Bắc Hàn đã tuyên bố rằng vụ thử đó đã đưa toàn bộ lục địa Hoa Kỳ vào tầm bắn của tên lửa Bắc Hàn. Một số chuyên gia quốc tế đã đồng ý với nhận định của Bắc Hàn dựa trên phân tích quỹ đạo bay của tên lửa và góc phóng mà Bình Nhưỡng thực hiện.
>>Bắc Hàn: “Toàn bộ đất Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi”
Về cách thức giải quyết khủng hoảng Bắc Hàn, ông Trump vẫn để ngỏ tất cả các lựa chọn.
Tổng thống Mỹ đã từ chối trả lời khi phóng viên Reuters hỏi liệu ông đã từng liên lạc với ông Kim chút xíu nào chưa. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi giữa ông Trump và tờ Nhật báo phố Wall, khi hãng tin này đã đăng phỏng vấn ông Trump nói rằng ông có lẽ đã có quan hệ tốt với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
“Tôi muốn ngồi xuống [bàn đàm phán], nhưng tôi không dám chắc rằng ngồi [đàm phán] sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Trump nói và lưu ý rằng các cuộc đàm phán với người Bắc Hàn do các tổng thống Mỹ tiền nhiệm thực hiện đều đã thất bại trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của chế độ nhà họ Kim.
Ông Trump nhấn mạnh với Reuters rằng ông hy vọng căng thẳng với Bình Nhưỡng có thể được giải quyết “theo cách thức hòa bình, nhưng rất có thể nó không thể [giải quyết như thế]”.
Tổng thống Mỹ không nói liệu Washingon có xem xét thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu, giới hạn vào Bình Nhưỡng hay không.
“Chúng ta đang chơi một trận poker rất rất khó khăn và [chắc chắn] bạn không muốn tiết lộ quân bài trên tay mình”, ông Trump nói.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Quan hệ Mỹ - Nga Donald Trump Vladimir Putin