Philippines cáo buộc thị trưởng gốc TQ rửa tiền, lừa đảo điện tử lan rộng ra quốc tế
- Hà Gia Hạnh
- •
Quách Hoa Bình (Alice Guo, Guo Huaping), cựu Thị trưởng thành phố Bamban, tỉnh Tarlac ở Philippines, bị nghi ngờ lừa đảo và các vụ án thuộc ngành công nghiệp đen khác liên quan tiếp tục được phơi bày. Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI), với sự hỗ trợ của nhiều nước, đã tăng tốc “thu lưới”, chị họ bị bắt của Quách Hoa Bình là Quách Hy Lạp (Shiela Leal Guo) được xác nhận là công dân Trung Quốc. Vụ án Quách Hoa Bình chỉ là một phần của mạng lưới tội phạm quốc tế lớn. Lừa đảo điện tử của người Trung Quốc đã lan sang phương Tây, và sự lây lan của nó đáng báo động.
Poster quảng cáo của cựu Thị trưởng Quách Hoa Bình trên đường phố Bamban, tỉnh Tarlac, Philippines hôm 19/7/2024. (Ảnh: Jam Sta Rosa/AFP qua Getty Images)
Quách Hy Lạp và đồng phạm Cassandra Vương đã bị bắt ở Indonesia và được đưa về Philippines để điều tra hôm 22/8. Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) xác định thông qua phân tích so sánh dấu vân tay rằng Quách Hy Lạp và công dân Trung Quốc Trương Mật Nhi (Zhang Mier) là cùng một người. Hộ chiếu Trung Quốc của Trương Mật Nhi cũng bị tịch thu.
Trương Mật Nhi không phải là em gái của Quách Hoa Bình như một số phương tiện truyền thông đã nói trước đây, mà là chị họ.
Vào ngày 27/8, Trương Mật Nhi đã tham dự một phiên điều trần gồm nhiều cơ quan tại Thượng viện Philippines. Cô thừa nhận mình sinh ra ở Trung Quốc và được đưa đến Philippines vào năm 2001. Trên giấy khai sinh của Philippines đăng ký năm 2005, cha mẹ trên giấy khai sinh không phải là cha mẹ ruột; Lâm Văn Nghệ (Lin Wenyi), người được gọi là mẹ ruột của Quách Hoa Bình, chính là “dì” của Trương Mật Nhi. Mật Nhi nói cô không biết Quách Hoa Bình và cha cô có liên quan đến bất kỳ hoạt động kinh doanh cờ bạc trực tuyến nào.
Mật Nhi cho biết cô, Quách Hoa Bình và em trai Quách Hưởng Điền (Wesley Guo) đã rời Philippines trên nhiều con tàu vào đầu tháng 7 và đi đến Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngày 21/8, Quách Hoa Bình rời đảo Batam ở Indonesia trước tiên. Mật Nhi không biết Quách Hoa Bình hiện giờ ở đâu. Cô và Quách Hưởng Điền dự định quay lại Singapore trước rồi mới đến Hồng Kông, nhưng về sau họ lại tách ra.
Mật Nhi cũng tiết lộ một thông tin bất ngờ rằng Quách Hoa Bình và Quách Hưởng Điền không phải là chị em ruột thịt.
Sở Di trú Philippines cho biết, sau khi tất cả các vụ án hình sự đang chờ xử lý đối với Trương Mật Nhi được giải quyết và mọi trách nhiệm khác được hoàn thành, cô sẽ bị trục xuất vì không được chào đón và vì khai báo sai sự thật để có được quốc tịch Philippines. Cô bị phát hiện mang hộ chiếu Trung Quốc còn hiệu lực và có tên thật là Trương Mật Nhi (Zhang Mier).
Hôm 30/8, Cục Điều tra Quốc gia Philippines, Ủy ban Chống rửa tiền và Ủy ban Chống Tội phạm có Tổ chức của Tổng thống, đã đệ trình 87 cáo buộc rửa tiền đối với cựu Thị trưởng bị cách chức Quách Hoa Bình và 35 người khác lên Bộ Tư pháp, cáo buộc cô liên quan đến tài sản trị giá khoảng 7 tỷ PHP từ các công viên lừa đảo ở Trung Luzon.
Cáo trạng nêu rõ: “Các bị cáo, thông qua các âm mưu cá nhân và tập thể, đã giao dịch rõ ràng tài sản hoặc công cụ tiền tệ đại diện cho số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp, các hoạt động này liên quan đến buôn người, vi phạm quy định về chứng khoán, và các giao dịch/lừa đảo bất hợp pháp”.
Ông Matthew David, Giám đốc điều hành của Ủy ban Chống Rửa tiền Philippines, cho biết trong một tuyên bố rằng việc truy tố là một phần trong cam kết của ủy ban nhằm “chống tội phạm tài chính và duy trì tính toàn vẹn của hệ thống tài chính Philippines”. Ông David cho biết: “Ủy ban Chống Rửa tiền Philippines vẫn cam kết đảm bảo rằng hệ thống tài chính không bị các nhóm tội phạm lợi dụng”.
Thứ trưởng Tư pháp Philippines Hermogenes Andres cho biết, Chính phủ Philippines đã yêu cầu Interpol đưa ra thông báo màu xanh, yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo sự hiện diện của cô Quách Hoa Bình. Ông nói thêm rằng một khi các cáo buộc được đưa ra tòa, Chính phủ Philippines sẽ đưa ra thông báo đỏ.
Ông Andres cho biết, các cáo buộc bổ sung có thể được đưa ra trong tương lai như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra. Bản cáo trạng nêu rõ Quách Hoa Bình là người đăng ký và là chủ tịch của các công ty BAOFU, QJJ và QSEED, khi đó cô là Thị trưởng thành phố Bangban, tỉnh Tarlac.
Quách Hoa Bình mắc kẹt ở Jakarta, cố gắng tiến vào Tam giác vàng
Hôm 27/8, Giám đốc Sở Di trú Philippines Norman Tansingco tiết lộ với Ủy ban Thượng viện rằng cô Quách Hoa Bình, Thị trưởng bị bãi nhiệm của Bamban, hiện được cho là đang ở Jakarta, Indonesia.
Theo ông Norman Tansingco, Quách Hoa Bình đã chuyển từ Batam đến Jakarta, một động thái đã bị Cục Di trú Indonesia theo dõi. Philippines đã gửi yêu cầu dẫn độ tới chính quyền Indonesia và hai bên đang phối hợp chặt chẽ.
Ông Norman Tansingco cũng đề cập rằng em trai của Quách Hoa Bình là Quách Hưởng Điền đã rời đảo Batam đến Hồng Kông, Trung Quốc bằng phà vào ngày 20/8. Hiện Cục quản lý xuất nhập cảnh Philippines đã gửi yêu cầu lên Cục quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông xác nhận việc nhập cảnh vào Hồng Kông.
Ông Winston Casio, người phát ngôn của Ủy ban Chống tội phạm có tổ chức (PAOCC) của Tổng thống Philippines, trước đó cho biết khu vực “Tam giác vàng” ở Đông Nam Á có thể là điểm đến cuối cùng của Quách Hoa Bình.
Tam giác vàng là khu vực hình tam giác nằm ở biên giới Thái Lan, Myanmar và Lào ở Đông Nam Á. Hiện nay ở khu vực tam giác này khắp nơi đều có các chuỗi công ty lừa đảo điện tử. Một khi Quách Hoa Bình đến Tam giác vàng, sẽ rất khó để bắt giữ cô ta.
Ông Casio cho biết, hiện tại ông cảm thấy Tam giác vàng là nơi mà Quách Hoa Bình có thể đến nhất, bởi vì gia đình Quách có hoạt động kinh doanh liên quan đến cờ bạc ở Campuchia, và băng nhóm của họ là một phần của xã hội đen ở Tam giác vàng. Họ là một phần của một tổ chức tội phạm quy mô lớn.
Quách Hoa Bình phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự vì bị liên quan đến hoạt động của một ‘trung tâm đánh bạc bất hợp pháp ở nước ngoài’ (POGO) tại thành phố Bamban.
Hiện PAOCC đang nộp đơn lên Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để đưa ra thông báo xanh đối với Quách Hoa Bình nhằm tăng cường giám sát cô.
Vụ án Quách Hoa Bình gây chấn động cả chính phủ lẫn dư luận. Người ta phát hiện ra, thế lực của nhóm lừa đảo Trung Quốc đã xâm nhập vào các cơ quan Chính phủ Philippines, và dùng quyền lực của mình để mở đường cho các ngành công nghiệp đen. Sau khi bị sa thải và điều tra, Quách Hoa Bình đã đào thoát khỏi tầm mắt của mọi người.
Ông Cassio cho biết, có thể có hàng trăm công ty cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp và hơn 40 trung tâm lừa đảo được cấp phép hoạt động dưới sự giám sát của các quan chức chính phủ, và Quách Hoa Bình chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Quách Hoa Bình dính líu tới mạng lưới tội phạm quốc tế
Cơ quan chức năng Philippines cũng phát hiện Quách Hoa Bình có liên quan đến băng nhóm tội phạm đa quốc gia.
Ông Cassio cho biết, người đặt phòng khách sạn cho Quách Hoa Bình và những người trong nhóm của cô là công dân Singapore Trương Kiệt (Zhang Jie), cựu chủ tịch của công ty cờ bạc trực tuyến Lucky South 99 có trụ sở tại Porac, Pampanga. Trương Kiệt hiện cũng đang bị Chính phủ Philippines truy nã.
Lucky South 99 là ‘một trung tâm đánh bạc bất hợp pháp ở nước ngoài’ (POGO) được cấp phép, bí mật tham gia vào các hoạt động tội phạm bất hợp pháp. Cơ sở cờ bạc trực tuyến của nó đã bị đột kích vào tháng 6 năm nay và hơn 150 người nước ngoài từ Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Myanmar đã được giải cứu, một số trong đó là nạn nhân của các vụ bắt cóc và tra tấn. Cuộc khám xét cho thấy, ông chủ người Trung Quốc của công ty bị tình nghi thực hiện các hoạt động tội phạm bao gồm bắt cóc, tra tấn và buôn bán tình dục. Bên cạnh đó cũng tìm thấy một số lượng lớn quân phục của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đồng phục cảnh sát có logo cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ.
Lucky South 99 là tài sản chính của Khu nghỉ dưỡng Thai Royal Court, còn được gọi là “Công viên số 3” của Khu Cảng tự do và Đặc khu kinh tế Clark (Clark Freeport and Special Economic Zone). “Công viên số 3” khiến người Trung Quốc ở Philippines khiếp sợ vì thường xuyên xảy ra các tội ác như bắt cóc, tra tấn, giết người.
Một số người Trung Quốc quen biết với các nạn nhân cho biết trên diễn đàn rằng công viên số 3 thực chất là nguồn gốc của các vụ bắt cóc tràn lan ở Philippines, 70% số vụ bắt cóc ở Philippines đều liên quan đến công viên số 3. Có quá nhiều người Trung Quốc bị bắt cóc tống tiền rồi bán cho Công viên số 3, nơi này là chiếc ô bảo vệ cho những kẻ bắt cóc này. Một khi kẻ bắt cóc đến được Clark, đó là lãnh thổ của chúng. Ngay cả khi bạn gọi cảnh sát cũng vô dụng. Nhiều người chỉ biết ở Công viên số 3 đen tối như thế nào, chứ không biết chuỗi công nghiệp đen tối xung quanh Công viên số 3 đáng sợ đến thế nào. Công viên số 3 bị xóa sổ thì đúng là niềm vui của mọi người.
Sau khi Công viên số 3 bị điều tra, cảnh sát trưởng vùng Porac và cấp trên của ông, cảnh sát trưởng tỉnh Pampanga, đã bị cách chức để điều tra.
Katherine Cassandra Vương, người bị giam giữ cùng với Trương Mật Nhi, là cổ đông của Công ty Lucky South 99 và là người đại diện công việc hàng ngày của công ty. Với tư cách là thành viên ban quản lý, cô sẽ phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng hơn Trương Mật Nhi.
Người phát ngôn Văn phòng Thông tin Công cộng Cảnh sát Quốc gia Philippines Fajardo từng nói: “Đã tìm thấy bằng chứng cho thấy người sáng lập Lucky South 99 có liên quan đến các hoạt động phi pháp của Khu phức hợp Baofu (Baofu Compound / Baofu LandDevelopment Inc).”
Bộ Tư pháp Philippines cũng tuyên bố rằng Cassandra Vương và Trương Mật Nhi đã làm việc cùng nhau, để thiết lập mối liên hệ giữa khu vực Porac và POGO ở thành phố Bamban.
Điều này có nghĩa là công ty cờ bạc Tổ hợp Công nghệ Tôn Nguyên (Zun Yuan Technology Incorporated) của Quách Hoa Bình ở Khu phức hợp Baofu và Lucky South 99 ở Khu Cảng tự do và Đặc khu kinh tế Clark, là những nhóm tội phạm có liên quan chặt chẽ với nhau.
Đối tác nước ngoài của Quách Hoa Bình không chỉ giới hạn ở Cassandra Vương và Trương Kiệt. Các đối tác đầu tư của cô tại Khu phức hợp Baofu là Lâm Bảo Anh (Lin Baoying) và Trương Thụy Kim (Zhang Ruijin), cũng là những nhân vật chính của vụ án rửa tiền lớn ở Singapore. Họ đã bị tòa án Singapore kết tội và kết án trong năm nay, được ra tù vào ngày 15/6 và bị trục xuất sang Campuchia, bị cấm vĩnh viễn vào Singapore.
Theo một lượng lớn thông tin đã được tiết lộ, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo điện tử bao gồm lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư, lừa đảo tiền điện tử, lừa đảo mạo danh, v.v. Các thủ đoạn này được gọi là “giết lợn”, tức trước tiên vỗ béo, sau đó là làm thịt. Những người thực hiện lừa đảo thường là nạn nhân của nạn buôn bán người, bắt cóc và tra tấn.
Lừa đảo điện tử lan rộng quốc tế, khó ngăn chặn người Trung Quốc lừa đảo
Người Trung Quốc lừa người Trung Quốc không chỉ có ở Philippines, mà Lào, Campuchia, Myanmar tại Đông Nam Á đều là nơi tập trung của các nhóm lừa đảo điện tử Trung Quốc. Khi nhiều quốc gia tăng cường trấn áp các nhóm lừa đảo cờ bạc, sau đại dịch năm 2020, các nhà điều hành cờ bạc trực tuyến Trung Quốc đã tràn từ Philippines đến những nơi có quy định nới lỏng cờ bạc như Trung Đông.
Có những dấu hiệu cho thấy, các vụ lừa đảo trực tuyến của người Trung Quốc cũng đang xâm nhập vào phương Tây từ châu Á. Nhiều người rơi vào bẫy tuyển dụng điện tử khi nộp đơn xin việc tại các “công ty công nghệ” và trở thành một phần của chiêu trò lừa đảo “giết lợn”.
Theo điều tra của BBC, vào cuối năm 2021, gần 100 người Trung Quốc từ Philippines đến Đảo Man để làm việc cho công ty thương mại Internet có tên Manx Internet Commerce (MIC), lừa đảo các nạn nhân Trung Quốc hàng triệu đô la Mỹ.
Lương Lăng Phi (Liang Lingfei, tên tiếng Anh Bill Morgan), quốc tịch Trung Quốc mang hộ chiếu Nicaragua, là chủ sở hữu duy nhất của MIC và các công ty liên quan khác. Thuế cờ bạc ở Đảo Man rất thấp. Ngoài MIC, Bill Morgan còn có một công ty cờ bạc trực tuyến lớn hơn là King Gaming, hoạt động tại Philippines và Đảo Man. Vào tháng 7 năm nay, giấy phép kinh doanh cờ bạc của hai công ty đã bị Cơ quan giám sát cờ bạc (GSC) của hòn đảo thu hồi.
6 thành viên của công ty đã bị bắt sau khi trở về Trung Quốc và bị kết tội lừa đảo vào cuối năm 2023. Tòa án huyện Vũ Trắc của tỉnh Hà Nam tuyên bố trong phán quyết rằng các thành viên của nhóm lừa đảo rất giỏi sử dụng chiêu thức “đĩa giết lợn”.
Một chuyên gia của Liên Hợp Quốc về tội phạm có tổ chức cho biết: “Đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi thấy một công ty lừa đảo như vậy được thành lập ở một quốc gia phương Tây”.
Hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo kiểu “giết lợn” đang lan rộng khắp thế giới. Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn đang phải hứng chịu nạn lừa đảo cờ bạc ngay cả khi họ chưa phát hiện ra. Nếu tìm kiếm bằng từ khóa, bạn sẽ thấy rất nhiều trường hợp người Mỹ bị lừa kiểu “giết lợn” và hầu hết nạn nhân đều là người Hoa.
Các công cụ được những kẻ lừa đảo sử dụng để tìm con mồi bao gồm WeChat, tin nhắn văn bản, WhatsApp, Facebook, LinkedIn và nhiều phần mềm giao tiếp hoặc xã hội khác nhau như Bumble và Tinder, thậm chí còn khiến người lao động cổ trắng ở Thung lũng Silicon sập bẫy.
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận chính trị cư trú tại Mỹ, cho rằng sự xuất hiện không ngừng của các vụ lừa đảo điện tử Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho thế giới và nguyên nhân sâu xa là hậu quả tiêu cực từ sự cai trị của ĐCSTQ đối với Trung Quốc.
Dưới sự chuyên chế của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, người dân không có niềm tin đạo đức và đều muốn làm giàu chỉ sau một đêm, gian lận là chuyện thường tình, nhiều người quyền lực và doanh nhân giàu có làm mọi cách để kiếm tiền. Những kẻ tham gia bán sữa độc, gạo nhiễm độc, vắc-xin giả, dầu thải, v.v., những kẻ tham gia thu hoạch nội tạng trái phép hoặc mua bán nội tạng, họ thực sự có thể tham gia vào hoạt động lừa đảo viễn thông, lòng người càng trở nên ác độc hơn; lợi nhuận khổng lồ nên các công viên lừa đảo của người Trung Quốc dẫn đầu thế giới và gây hại cho toàn thế giới.
Từ khóa Rửa tiền lừa đảo qua điện thoại Cờ bạc trực tuyến việc nhẹ lương cao lừa đảo trực tuyến Người Trung Quốc Philippines