Phó TT Mỹ gặp đại diện các nhóm tôn giáo bị bức hại tại Trung Quốc
- Xuân Thành
- •
Đại diện của ba nhóm tôn giáo bị bức hại tại Trung Quốc gồm Công giáo, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người tu luyện Pháp Luân Công, cùng với những người ủng hộ tự do tôn giáo, hôm 5/8 đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại phòng khánh tiết của Phó Tổng thống, bên trong Tòa nhà Văn phòng Điều hành, ở thủ đô Washington D.C. Những người có mặt tại cuộc gặp đã thảo luận về cách chế độ Trung Quốc đàn áp tôn giáo và các biện pháp đối phó với cuộc đàn áp này.
Trong cuộc gặp mặt, ông Bob Fu, sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức nhân quyền Công giáo ChinaAid, đã nói về việc các nhà thờ Công giáo tại Trung Quốc bị chính quyền giám sát chặt chẽ.
Ông Omer Kanat, giám đốc Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, đã kể lại tình hình tại Tân Cương nơi mà Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung để tẩy não chính trị.
Theo tường thuật về cuộc gặp mặt do trang web ChinaAid đăng tải, ông Bob Fu đã yêu cầu chính quyền Trump hãy sử dụng “Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu” để chế tài các quan chức Trung Quốc quan trọng liên quan tới bức hại tôn giáo vì cách hành xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương, ông Chen Quanguio. Việc chế tài này theo Điều 3, Khoản 1 của Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, cho phép Mỹ thu hồi thị thực của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào liên quan tới tham nhũng nghiêm trọng hoặc “chịu trách nhiệm về tra tấn giết người phi pháp, hoặc các vi phạm nhân quyền thô bạo khác.”
Ông Jeff Chen, phó chủ tịch về vận động cho Pháp Luân Công của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Washington, đã nói về cuộc bức hại Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp – một môn tu luyện với các bài tập thiền định kết hợp với giáo huấn tâm linh đã bị chế độ Trung Quốc đàn áp từ tháng 7/1999.
Ông Chen cho biết ông đã nói với Phó Tổng thống Pence rằng “Cuộc bức này này vẫn còn nghiêm trọng. Trong 20 năm qua, chúng tôi xác định có hơn 4.000 người đã chết do bị tra tấn hoặc bị lạm dụng thể chất khác. Vì thông tin bị phong tỏa, nên con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần. Thu hoạch nội tạng cũng đã diễn ra được gần 20 năm. Số nạn nhân thực sự rất cao.”
Ông Chen nói với The Epoch Times rằng Phó Tổng thống Pence đã đáp lời một cách nghiêm túc. Ông Pence nói rằng: “Chúng tôi sẽ không quên các bạn [Pháp Luân Công]. Tôi hứa”.
Theo tường thuật của ChinaAid, ông Rusell Moore, chủ tịch của Ủy ban Tự do Đạo đức và Tôn giáo của giáo phái Tin Lành Southern Baptist Convention tại Mỹ, đã đề xuất rằng chính phủ Mỹ nên ép Trung Quốc gửi thư mời Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) và Đại sứ Mỹ về Tự do Tôn giáo Sam Brownback tới Trung Quốc. Ông Moore nói thêm rằng giới chức Mỹ nên được cấp quyền tiếp cận không hạn chế tới Tây Tạng và Tân Cương.
Trong khi đó, đồng chủ tịch của Hội nghị Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế Greg Mitchell đã đề nghị rằng chính phủ Mỹ hãy công khai yêu cầu chế độ Trung Quốc thả tự do cho các tù nhân lương tâm được nêu đích danh.
Ông David Curry, giám đốc điều hành của tổ chức Open Doors USA – một nhóm vận động cho tín đồ Công giáo bị bức hại, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa hãy liệt Trung Quốc là Quốc gia bị Đặc biệt Quan ngại trong báo cáo tự do tôn giáo hàng năm. Làm như vậy sẽ nhấn mạnh sự lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc và cho phép tổng thống Mỹ áp đặt một loạt các chế tài sâu rộng hơn đối với chế độ Trung Quốc.
Ông Randel Everett, chủ tịch của tổ chức nhân quyền Công giáo 21Wilberforce, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ủng hộ tự do internet và các công nghệ giúp công dân Trung Quốc vượt vạn lý tường lửa của chế độ này.
Trong khi đó, ông Yang Jianli, sáng lập của Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc – một nhóm ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc, đã báo cáo rằng nhiều tổ chức nhân quyền liên quan tới Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ ban hành các đạo luật cho phép chế tài các công ty của cả Mỹ và Trung Quốc đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát công nghệ cao.
Sau khi Phó Tổng thống Mike Pence rời cuộc họp trước, nhóm đại diện các tôn giáo bị bức hại tại Trung Quốc vẫn tiếp tục thảo luận về ý nghĩa của việc chấm dứt đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc.
Đại diện của Pháp Luân Công, ông Jeff Chen nói rằng không chỉ những người bị bức hại là nạn nhân mà tất cả người dân Trung Quốc đều là nạn nhân của đàn áp tôn giáo.
Ông Chen cho rằng nhằm bức hại Pháp Luân Công, hệ thống pháp luật của Trung Quốc đã bị bóp méo để kết án các học viên Pháp Luân Công. Trong khi, quyền tự do tôn giáo được ghi nhận chính thức trong hiến pháp Trung Quốc.
Ông Chen nói thêm rằng những quan chức Trung Quốc sẵn sàng thực hiện cuộc bức hại này đã được thăng chức, thúc đẩy tham nhũng. Kết quả là, xã hội Trung Quốc ngày càng tụt dốc về mặt đạo đức.
Cuộc gặp mặt tại văn phòng của Phó Tổng thống Pence lần này là sáng kiến mới nhất của chính quyền Trump để bảo vệ tự do tôn giáo. Tại Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do tôn giáo được tổ chức tại Washington D.C từ 16 tới 18/7 vừa qua, Đại sứ Mỹ về Tự do tôn giáo Brownback đã mô tả cuộc bức hại những người có đức tin này là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Một ủy ban đặc biệt cũng đã nhấn mạnh đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc.
Hôm 17/7, tại Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp một nhóm những người sống sót sau khi bị bức hại tôn giáo trên toàn cầu, trong đó gồm 4 nạn nhân đến từ Trung Quốc: Jewher Ilham, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ; Yuhua Zhang, người tu luyện Pháp Luân Công, Nyima Lhamo, tín đồ Phật giáo Tây Tạng; và Manping Ouyang, tín đồ Công giáo.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc đàn áp tôn giáo Dòng sự kiện Pháp Luân Công Mike Pence