Quan điểm của bà Harris và ông Trump về vấn đề Ukraine
- The Epoch Times
- •
Phó Tổng thống Kamala Harris và Cựu Tổng thống Donald Trump, hai đề cử viên cho vị trí tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, đã thể hiện quan điểm khác biệt rõ ràng về cách cuộc chiến Nga-Ukraine kết thúc, và liệu Hoa Kỳ có nên đàm phán với Nga hay không.
Cuộc đua vào Nhà Trắng thường mang sắc thái tương phản giữa hai đề cử viên, nhưng hiếm có lĩnh vực nào mà bà Harris và ông Trump lại có quan điểm khác biệt sâu sắc như vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong các buổi vận động tranh cử, bà Harris đã cố gắng khẳng định mình là người kế thừa các chính sách của chính quyền Biden, chẳng hạn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga cũng như cam kết cung cấp viện trợ an ninh cho Ukraine trong một thời gian không xác định.
Trong khi đó, ông Trump chỉ trích mạnh mẽ những chính sách này, cho rằng chúng có thể khiến Nga phát động chiến tranh với NATO. Ông Trump ám chỉ rằng ông có thể là một nhà trung gian hòa giải, đưa Nga trở lại bàn đàm phán để tái hội nhập với phương Tây một lần nữa.
Cả hai đề ứng viên đều không tiết lộ chi tiết cách họ sẽ khiến Moskva và Kiev đồng ý hòa đàm. Tuy nhiên, cả ông Trump và bà Harris đã đưa ra tầm nhìn cá nhân rõ ràng trong việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Ông Sam Kessler, một nhà phân tích địa chính trị tại công ty tư vấn rủi ro North Star Support Group, nói với tờ The Epoch Times rằng sự khác biệt quan điểm sâu sắc giữa bà Harris và ông Trump về vấn đề Ukraine xuất phát từ “hai triết lý chính sách đối ngoại hoàn toàn khác nhau”.
Ông Kessler nói, một mặt, là tư duy thời kỳ Chiến tranh Lạnh của chính quyền Biden-Harris, với mục tiêu khiến Nga suy yếu thông qua cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine. Mặt khác, ông Trump chọn cách tiếp cận thực dụng (realpolitik), dựa trên khả năng thực tế của Hoa Kỳ và tái định hình chính sách đối ngoại đối đầu với Trung Quốc.
Ông Kessler nói, hai triết lý chính sách đối ngoại này có thể tạo ra những chiến lược đối ngoại hoàn toàn khác nhau.
“Quan điểm của Phó Tổng thống Harris về Ukraine là tiếp tục viện trợ người Ukraine trong cuộc chiến chống lại người Nga”, ông Kessler nói.
“Quan điểm của cựu Tổng thống Trump là tập trung giải quyết xung đột [giữa Ukraine-Nga] trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát và cơ hội hàn gắn bang giao với người Nga không còn nữa”, ông Kessler nhận xét.
Chính quyền Harris sẽ là ‘phép thử sức bền’ hệ thống đồng mình quốc tế
Bà Harris đã nhiều lần tuyên bố rằng bà cam kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và nhấn mạnh vai trò của bà giúp thành lập mạng lưới hỗ trợ gồm 50 quốc gia, cung cấp khí tài cùng các viện trợ khác để Ukraine tiếp tục duy trì phòng thủ.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris giữ im lặng trước những yêu cầu bình luận, nhưng trước đây bà Harris đã nhận xét rằng ông Trump lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraine chẳng khác gì đầu hàng, và bà sẽ không ủng hộ một thỏa thuận đàm phán như vậy.
Vào cuối tháng Chín, trong cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bà Harris thẳng thắn bác bỏ bất kỳ đề xuất nào cho phép Ukraine nhượng đất cho Nga, gọi chúng là “nguy hiểm và không thể chấp nhận được”.
“Đây không phải là những đề xuất vì hòa bình. Ngược lại, đó là những đề xuất cho sự đầu hàng”, bà Harris nói.
Phản ánh tư duy thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà ông Kessler đã đề cập, bà Harris thẳng thắn tuyên bố Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine “vì đó là lợi ích chiến lược của chúng ta”.
Ông Kessler nhận định rằng một chính quyền Tổng thống Harris mới, với chính sách đối ngoại giống như của Tổng thống Biden, có thể sẽ tiếp tục leo thang xung đột trong khu vực, dù trực tiếp hay gián tiếp, nếu thấy rằng cuộc xung đột sẽ khiến Nga suy yếu.
“Nhiệm kỳ tổng thống của [bà] Harris có thể sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí đẩy [cuộc chiến] đến mức có thể xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn và khiến Hoa Kỳ và NATO đối đầu trực diện [với Nga]”, ông Kessler nói.
Một điểm mấu chốt có thể khiến căng thẳng leo thang là liệu Ukraine có nên được phép sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga hay không.
Ông Zelensky đã nói rằng Nga phải bị “ép buộc tiến tới hòa bình” và do đó đã cố gắng tìm cách sử dụng các vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga “nhằm ép Putin ngồi vào bàn đàm phán” cũng như tạo thêm đòn bẩy cho Ukraine trong quá trình hòa đàm.
Cho đến nay, Nhà Trắng trong những tuyên bố công khai vẫn kiên quyết từ chối những yêu cầu đó, đồng thời cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Hoa Kỳ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã cố gắng thuyết phục chính quyền Biden-Harris cho phép sử dụng vũ khí tầm xa thông qua “kế hoạch chiến thắng“, được trình bày tại Nhà Trắng vào tháng trước.
Trong khi đó, Moskva cảnh báo rằng một động thái như vậy sẽ không chỉ được coi là sự leo thang căng thẳng từ phía Ukraine, mà còn là từ phía Hoa Kỳ.
Phát biểu trước các phóng viên vào cuối tháng Chín, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân.
Một trong những đề xuất thay đổi đó là cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một cường quốc hạt nhân khác hỗ trợ hành động xâm lược chống lại Nga, ngay cả khi quốc gia đó không trực tiếp tham chiến.
Ông Putin nói rằng ông có thể ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân nhằm đáp trả một cuộc tấn công ồ ạt sử dụng “máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh và các phương tiện khác” nếu được hỗ trợ hoặc cung cấp bởi một cường quốc hạt nhân.
Nói cách khác, nếu Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa và Ukraine sử dụng những tên lửa đó để tấn công Nga, thì các nhà lãnh đạo Nga sẽ coi Hoa Kỳ là mục tiêu chính đáng cho một cuộc đối chiến hạt nhân.
Ông Kessler nói rằng chính quyền Harris có thể sẽ đóng vai trò là “phép thử sức bền” của hệ thống đồng minh quốc tế, khi các giao thức an ninh giữa các đồng minh trên toàn cầu bị thử thách trước những biến động lớn, và tài nguyên của Hoa Kỳ sẽ bị phân tán thêm nữa khi đối phó với Nga.
Ông Kessler nói: “Những rủi ro từ việc Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Ukraine có thể gây ra sự bất ổn lớn hơn trong hệ thống [đồng minh] quốc tế, bao gồm một loạt những tác động rộng lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các vấn đề liên quan đến vận chuyển, an ninh chuỗi cung ứng hoặc khả năng tiếp cận và sản xuất”.
Ông Trump tìm cách thỏa hiệp với Nga
Chính mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới của Nga, là yếu tố quyết định định hình cách tiếp cận của ông Trump đối với chiến tranh Nga-Ukraine.
Phát biểu trong cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên giữa ông Trump và bà Harris vào tháng Chín, ông Trump chỉ trích chính quyền Biden coi thường kho vũ khí hạt nhân của Nga và bà Harris dường như không lo lắng đến khả năng Nga phát động chiến tranh hạt nhân với Hoa Kỳ.
“Ông ta [Putin] sở hữu vũ khí hạt nhân. Không ai quan tâm đến điều đó. Và cuối cùng, có lẽ ông ta sẽ sử dụng chúng. [Đất nước] chúng ta sẽ kết thúc trong một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, và đó sẽ là một cuộc chiến không giống bất kỳ cuộc chiến nào khác vì [sự tàn phá] của vũ khí hạt nhân, sức mạnh của vũ khí”, ông Trump nói.
Vì lý do đó, việc ông Trump tỏ ý sẵn lòng đàm phán với Nga là điểm nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của ông. Ông Trump cam kết cố gắng khiến ông Putin và ông Zelensky hòa đàm kết thúc chiến tranh, ngay cả trước khi ông tuyên thệ nhậm chức.
“Nếu tôi thắng cử, khi tôi là tổng thống đắc cử, điều [đầu tiên] tôi sẽ làm là tôi sẽ nói chuyện với bên này [Zelensky], tôi sẽ nói chuyện với bên kia [Putin]. Tôi sẽ khiến cả hai ngồi lại với nhau”, ông Trump nói.
Một nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump đã gửi một bình luận đến cho tờ The Epoch Times nói rằng ông Trump “là người duy nhất có thể khiến cuộc chiến [Nga-Ukraine] kết thúc” vì ông là tổng thống duy nhất tìm cách khiến cả hai bên hòa đàm kết thúc cuộc chiến.
“Nó [Cuộc chiến Nga-Ukraine] lẽ ra không nên bắt đầu ngay từ đầu. [Chính quyền] Harris và Biden không biết phải làm gì hay làm thế nào để kết thúc nó”, ông Trump nói.
Một vấn đề khác định hình cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc chiến Nga-Ukraine là ông lo ngại rằng những nỗ lực khiến Nga suy yếu đang làm lãng phí tài nguyên của Hoa Kỳ, những tài nguyên lẽ ra có thể được dành cho cuộc đối đầu đang ngày càng trở nên căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Alex Gray, cựu chánh văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời chính quyền Trump từ năm 2019 đến 2021, nói rằng ông Trump tin tưởng Hoa Kỳ cần nhanh chóng kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraine để tập trung bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia lớn hơn của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Tổng thống Trump hiểu rằng cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine không có lợi cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và đang làm sao lãng khả năng đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu. Chỉ có sức mạnh của Hoa Kỳ mới bảo đảm giải quyết xung đột ở Ukraine theo các điều kiện phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”, ông Gray nói với The Epoch Times.
Vì lý do đó, ông Gray nói rằng các chính sách đối ngoại của ông Trump tập trung tăng cường khả năng răn đe của Hoa Kỳ cũng như đạt được sự thống trị về năng lượng nhằm duy trì trật tự toàn cầu thay vì dựa vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm khiến các cường quốc đối thủ suy yếu.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể sẽ không dễ dàng thoát khỏi cuộc chiến ở Ukraine sau khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Kessler giải thích rằng mối liên kết chặt chẽ giữa các cuộc xung đột trên toàn cầu, đặc biệt là bang giao khăng khít giữa Nga, Trung Quốc và Iran, có thể khiến quá trình đàm phán về tương lai của Ukraine trở nên phức tạp hơn nhiều.
“Các cuộc đàm phán có thể sẽ ít xoay quanh tình trạng chiến tranh [tại Ukraine] và nghiêng về việc tạo ra một tiêu chuẩn quan hệ ngoại giao mới bền vững hơn. Nhiệm kỳ tổng thống [thứ hai] của ông Trump có thể vẫn phải tiếp tục viện trợ chiến tranh [cho Ukraine], vì tại thời điểm hiện tại, có thể sẽ khó tìm thấy một giải pháp hòa bình nhanh chóng—nếu có—trong tương lai gần”, ông Kessler nói.
Một yếu tố quan trọng quyết định khả năng đạt được hòa bình tại khu vực Đông Âu là liệu Nga có thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc cũng như xu hướng ủng hộ chủ nghĩa Á-Âu (Eurasianism) thay vì tái hòa nhập với châu Âu hay không.
“Putin có thể sẵn lòng tìm kiếm một giải pháp hòa bình dài hạn với phương Tây nếu có cơ hội, nhưng ông ta đang ở trong tình thế mà ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chơi ở cả hai phía của ván cờ địa chính trị”, ông Kessler nói.
Andrew Thornebrooke/ The Epoch Times