Safeguard Defenders tiết lộ dữ liệu ĐCSTQ kết án oan sai học viên Pháp Luân Công
- Bình Minh
- •
Nhân kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đã công bố một báo cáo, tiết lộ dữ liệu về việc giam giữ và kết án các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc từ năm 2008 – 2020.
Dữ liệu cho thấy, hơn 20 năm sau khi lần đầu tiên Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) kết án các học viên Pháp Luân Công, họ vẫn tiếp tục bắt giữ và kết án tù dài hạn với lý do “tổ chức tà giáo” theo Điều 300 của Bộ luật Hình sự.
Trong thời kỳ này, trung bình mức kết án theo Điều 300 là hơn 5 năm, cao hơn gấp đôi mức án trung bình 2,3 năm vì tội “gây gổ và gây rối”, tội danh thường được sử dụng nhất để bức hại những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.
Ngày 25/4/1999, gần 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tổ chức thỉnh nguyện tại Bắc Kinh, kêu gọi chính phủ công nhận tư cách pháp lý của môn này.
Ngày 22/7 cùng năm, ĐCSTQ tuyên bố xác định Hiệp hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp và tổ chức Pháp Luân Công của hiệp hội này là các tổ chức bất hợp pháp và quyết định cấm họ.
Vào thời điểm đó, ước tính có hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ có khả năng tổ chức các cuộc thỉnh nguyện quy mô lớn, khiến ĐCSTQ khiếp sợ và thúc đẩy một cuộc đàn áp sâu rộng.
Báo cáo cho biết, có bằng chứng cho thấy, nhiều học viên Pháp Luân Công đã chết trong khi bị giam giữ. Thậm chí một số học viên còn bị thu hoạch nội tạng. Nhiều học viên bị bức hại bên ngoài hệ thống tư pháp, bị đưa đến các trại lao động hoặc bệnh viện tâm thần.
Đầu năm 2024, Safeguard Defenders đã thu thập dữ liệu về các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Trung Quốc từ năm 2008 – 2020 thông qua 3 cơ sở dữ liệu, bao gồm kho dữ liệu của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, “Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề Trung Quốc” (CECC) và tổ chức phi chính phủ Trung Quốc “Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc” (CHRD)
Safeguard Defenders đã thu thập được khoảng 1.400 trường hợp trong số hơn 10.000 vụ án, ghi lại tên, giới tính, địa điểm, tội danh và thời hạn thụ án của các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm.
Dữ liệu này sử dụng ngày giam giữ làm tiêu chí, nên các vụ án bao gồm một số dữ liệu xét xử từ năm 2021 và 2022, trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập Cận Bình và trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Báo cáo cho biết, hầu hết các vụ việc liên quan đến Điều 300 đều liên quan đến các học viên Pháp Luân Công. Điều 300 cũng đã được sử dụng để hình sự hóa hàng chục tôn giáo bị cấm khác, như Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Đôi khi, các học viên Pháp Luân Công cũng bị buộc tội về các tội khác, như tội phạm kinh tế và hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Báo cáo chỉ ra rằng từ lâu, Điều 293 “gây gổ và gây rối” đã được sử dụng để bỏ tù các nhà hoạt động và người khiếu kiện. Bộ luật hình sự này quy định mức án tối đa là 5 năm đối với tội phạm Điều 293 (10 năm đối với người tái phạm).
Điều luật này nhằm trừng phạt những người gây rối trật tự công cộng. Nhưng trong những năm gần đây, nó lại được sử dụng ngày càng thường xuyên hơn, nhằm trấn áp những người đăng lên mạng những nội dung mà ĐCSTQ không thích.
Năm 2023, ngay cả Tòa án Tối cao Trung Quốc cũng cho biết, lời buộc tội này có thể được “áp dụng chung”.
Điều 105 là một cáo buộc nghiêm trọng hơn, được sử dụng để trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền liên quan đến hành vi lật đổ quyền lực nhà nước và kích động lật đổ quyền lực nhà nước.
Mức án cho các vụ lật đổ nghiêm trọng có thể dao động từ 10 năm đến chung thân. Mức án tối thiểu cho các vụ nổi loạn nghiêm trọng là 5 năm.
Ngày 25/6, “Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công” (H.R. 4132) do Dân biểu Scott Perry (Đảng Cộng hòa, Pennsylvania) đề xuất, cùng 18 dân biểu khác đồng bảo trợ, đã được bỏ phiếu miệng thông qua tại toàn Hạ viện liên bang Mỹ.
Đây là dự luật đầu tiên của Mỹ nhằm giải quyết việc Bắc Kinh đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công được Hạ viện thông qua.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Pháp Luân Công