Nhận xét mới nhất của ông Trump đã gây sốc cho NATO. Hôm thứ Bảy (10/2), ông Trump nói rằng nếu các đồng minh của Mỹ trong NATO không đầu tư đủ vào quốc phòng của họ, tiếp tục không đáp ứng yêu cầu của ông Trump về việc chia sẻ chi tiêu quân sự công bằng hơn giữa các nước thì ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các nước này.

Jens Stoltenberg r shutterstock 2140232371
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh chụp ngày 23/4/2022. (Nguồn: Gints Ivuskans / Shutterstock)

Đã từ lâu ông Trump luôn tỏ ra cay đắng về vai trò quá lớn của Mỹ trong NATO, tin rằng sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược đã ảnh hưởng đến tiền của người nộp thuế Mỹ. Nhiều người trong Đảng Cộng hòa đồng ý và do đó đã ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cung cấp gói viện trợ quân sự mới khoảng 61 tỷ USD cho Ukraine.

Hôm thứ Bảy, tại một cuộc mít tinh ở Nam Carolina, ông Trump đã chia sẻ một câu chuyện: Một nhà lãnh đạo nước ngoài đã hỏi ông rằng, nếu nước này không tuân thủ các nghĩa vụ của NATO thì liệu có được nước Mỹ bảo vệ khi bị Nga tấn công không (xem Ghi chú). Ông Trump trả lời: “Tôi đã nói [nếu] ông không trả tiền, thì ông là đã lơ là nhiệm vụ… Không, tôi sẽ không bảo vệ ông. Thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều quái quỷ gì họ muốn. Ông phải trả các khoản hóa đơn của ông”.

Tuyên bố được đưa ra này lập tức bị các bên đối thủ lên án. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo vấn đề ông Trump mời Tổng thống Nga Putin tấn công NATO cho thấy ông Trump sẽ “làm mọi thứ theo mong muốn cá nhân” nếu châu Âu không đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, “điều này khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro về an ninh”. Ông tuyên bố rằng NATO nên là bức tường thành của tự do chống lại các chế độ độc tài, chứ không phải vấn đề ai phải chịu tổn thất.

Nhà lập pháp Norbert Röttgen của Đức là cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, chia sẻ trên tài khoản Facebook của mình rằng, “Châu Âu có thể sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc [tăng cường đầu tư quốc phòng ] tự bảo vệ mình”…

Về vấn đề này, tác giả chuyên mục của The Guardian là Simon Jenkins của cho rằng, dù ông Trump có thể nói bừa khi mời Putin gây chiến, nhưng quan điểm của ông Trump về NATO có thể đúng.

Từ góc độ thực dụng, việc NATO vào đầu thế kỷ này dung nạp các nước Baltic và Ba Lan là một hành động khiêu khích trắng trợn… Giờ đây tình trạng đã thành vấn đề và phải tìm ra lối thoát.

Ông Jenkins lưu ý rằng châu Âu cần một tầm nhìn về hòa bình, dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ. NATO phải đóng vai trò là một tổ chức đảm bảo hòa bình chứ không phải thúc đẩy các cuộc chiến tranh bất tận. Nếu họ vẫn có ý định chiến đấu mãi mãi ở Ukraine thì ý định lâu dài của họ vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, những nghi ngờ của ông Trump là có cơ sở.

Ông nói thêm rằng trong trường hợp này, ông Trump – và không chỉ có ông Trump – có quyền hỏi cuộc chiến Nga – Ukraine có liên quan gì đến Mỹ. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu châu Âu có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục hay không.

Thật khó tin liệu ông Trump có thực sự giải tán NATO nếu tái đắc cử [Tổng thống Mỹ] hay không. Nhưng có cơ sở để cho rằng như vậy khi cân nhắc việc Mỹ nghiêng về Thái Bình Dương trong bối cảnh ý thức đoàn kết chính trị ngày càng suy giảm của châu Âu. Đã có những thông tin rằng, ông ấy đã đe dọa riêng tư sẽ làm như vậy.

Vào tháng 10 năm ngoái, khi tình hình ở Gaza tiếp tục leo thang và vụ xả súng hàng loạt ở bang Maine gây chấn động nước Mỹ, ông Trump đã nói trong một cuộc họp riêng trong chiến dịch tranh cử rằng, nếu đắc cử thành công, ông Trump không chỉ thúc đẩy quá trình rút khỏi NATO, thậm chí “xem xét giá trị sự tồn tại của tư cách thành viên Liên Hợp Quốc”.

Theo một số nguồn tin tiết lộ tình hình cho truyền thông Mỹ, ông Trump cho biết ông không muốn nhìn thấy một nội các chứa đầy “những người đam mê NATO” trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, sẽ chọn thêm những thành viên cứng rắn với NATO.

Nhưng ở một góc nhìn khác, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, người ủng hộ ông Trump với tư cách là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói với CNN rằng ông Trump chỉ “kể một câu chuyện” về quá khứ, “cách nói của ông khác với các chính trị gia truyền thống”. Nhưng trên thực tế, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, “quân đội Mỹ đã đóng quân khắp châu Âu”.

Ghi chú: NATO hiện có 31 nước thành viên, chủ yếu là các nước châu Âu, cộng thêm Mỹ và Canada. Điều 5 của Liên minh NATO quy định vấn đề phòng thủ tập thể, tức là một cuộc tấn công vào bất kỳ nước thành viên nào sẽ bị coi là tấn công vào tất cả các thành viên.