Tại sao nam thanh niên Hàn Quốc quay lưng lại với Moon Jae-in?
- Ngân Hà
- •
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Gallup Korea vào tuần thứ ba của tháng 4 cho thấy tỷ lệ chấp thuận của người dân đối với ông Moon ở mức thấp kỷ lục 30%, với 62% người được hỏi không đồng ý với chính quyền của ông (31% vì chính sách nhà ở, 9% vì về kinh tế và các vấn đề sinh hoạt, và 8% vì việc xử lý đại dịch virus corona).
Giống như nhiều thanh niên Hàn Quốc đã bỏ phiếu cho Moon Jae-in cách đây 4 năm, Koo Jae-hoon đặt hy vọng vào cam kết xây dựng một xã hội công bằng hơn của nhà lãnh đạo theo đường lối cấp tiến.
Nhưng khi Koo một lần nữa có cơ hội bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul vào đầu tháng này, chuyên gia tài chính 30 tuổi đã không còn muốn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ của đương kim tổng thống, mà ủng hộ ứng cử viên đối lập phe bảo thủ, Oh Se-hoon.
Koo nằm trong số vô số những người trẻ tuổi Hàn Quốc cảm thấy thất vọng trước sự cấp tiến của ông Moon trong bối cảnh hàng loạt vụ bê bối tham nhũng và thất bại trong chính sách đang diễn ra, bao gồm các quy định thế chấp chặt chẽ hơn được đưa ra nhằm hạ nhiệt giá bất động sản, nhưng trên thực tế chỉ khiến quyền sở hữu nhà vượt quá tầm với.
“Năm ngoái, tôi đã lao vào tìm kiếm một ngôi nhà, thậm chí trước khi xác nhận địa điểm tổ chức đám cưới của mình vì tiền thuê nhà và giá nhà tăng vọt,” anh Koo nói. “Tôi cảm thấy khó vay vốn vì các nhân viên ngân hàng mà tôi gặp không nắm bắt được tất cả các thông tin cập nhật về các chính sách liên quan đến nhà ở và do dự cho tôi vay.”
Nhiều nam giới trẻ tuổi tại Hàn Quốc đã quay lưng lại với đảng cầm quyền kể từ cuộc bầu cử của ông Moon vào năm 2017.
Gần 73% cử tri nam giới ở độ tuổi thanh thiếu niên và độ tuổi 20 đã bỏ phiếu cho ông Oh, người đại diện của Đảng Quyền lực Nhân dân trong cuộc chạy đua thị trưởng ở Seoul vào ngày 7/4, theo các cuộc thăm dò ý kiến.
Con số này đã vượt qua tỷ lệ ủng hộ 70% đối với ông Oh trong nhóm nam giới từ 60 tuổi trở lên. Đây là nhóm nhân khẩu học đã sống qua quá trình khôi phục và công nghiệp hóa sau chiến tranh của Hàn Quốc trong những năm 1960 và 1970 và được biết đến với quan điểm chính trị bảo thủ.
Koo, người không đồng ý với các hạn chế tín dụng mới khi chúng giới hạn “những người trẻ bình thường hầu như không có tài sản”, cho biết nam thanh niên bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này nhiều hơn so với nữ giới.
Anh nói: “Phong tục cưới hỏi thông thường ở Hàn Quốc vẫn yêu cầu chú rể mua nhà và cô dâu sắm sửa các đồ đạc và vật dụng trong nhà, dẫn đến gánh nặng kinh tế nhiều hơn cho nam giới”.
Cuộc bầu cử ở Seoul là một thất bại tồi tệ đối với đảng cầm quyền của ông Moon: Ông Oh được 57,5% phiếu bầu và ông Park Young-sun của Đảng Dân chủ (thuộc đảng của ông Moon) chỉ được 39,2%.
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Gallup Korea vào tuần thứ ba của tháng 4 cho thấy tỷ lệ chấp thuận của người dân đối với ông Moon ở mức thấp kỷ lục 30%, với 62% người được hỏi không đồng ý với chính quyền của ông (31% vì chính sách nhà ở, 9% vì về kinh tế và các vấn đề sinh hoạt, và 8% vì việc xử lý đại dịch virus corona).
Trong bốn năm qua, giá trung bình của một căn hộ rộng 890 mét vuông ở Seoul đã tăng từ 660 triệu won lên 1,19 tỷ won (593.000 USD lên 1,07 triệu USD), theo tổ chức dân sự tiến bộ Liên minh Công dân vì Công lý Kinh tế – 36 gấp lần mức lương trung bình hàng năm ở thủ đô của Hàn Quốc.
Một yếu tố khác dường như ảnh hưởng đến cảm tình bỏ phiếu của nam giới trẻ Hàn Quốc là các chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới mà đảng của ông Moon đã đưa ra hoặc thảo luận.
Vào tháng Giêng, truyền thông địa phương đưa tin Bộ Kinh tế và Tài chính đã chỉ thị cho các công ty nhà nước và các tổ chức chính phủ không còn xem xét nghĩa vụ quân sự – điều mà nam giới Hàn Quốc phải trải qua ít nhất hai năm – khi thăng chức cho nhân viên.
Sau đó, vào tháng 2, một đề xuất giới hạn số lượng nam giới trong cơ quan lập pháp quốc gia ở mức 60% đã được đưa ra bởi 11 thành viên đảng cầm quyền và một chính trị gia độc lập. Khoảng 81% số ghế trong Quốc hội Hàn Quốc hiện do nam giới chiếm giữ.
Jin Seok-won, một người ủng hộ Đảng Dân chủ 29 tuổi, cho biết: “Những chính sách này khiến nhiều người nam thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20 giận dữ”.
Ông cho biết hầu hết nam thanh niên phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong môi trường khắc nghiệt trong 2 năm, nhưng điều này không bắt buộc với nữ giới. Vì vậy, nếu hạn ngạch nữ dân biểu được tăng lên, nam giới sẽ cảm thấy bị xa lánh.
“Tôi nghĩ rằng các thế hệ trẻ cảm thấy vô vọng,” Lee Jong-hoon, 36 tuổi, người đã bỏ phiếu cho ông Oh trong cuộc bầu cử nói. “Chính phủ [của ông Moon] đã thất bại trong hầu hết các chính sách: các cử chỉ hòa giải với Triều Tiên không thực sự giúp ích cho mức sống của chúng tôi, các chính sách về giới không thu hút được sự ủng hộ từ nam giới và khó có nhà ở hơn bao giờ hết.”
Sự xa lánh của nam thanh niên với đảng của ông Moon có vẻ rõ ràng hơn so với nữ giới. Trong cuộc bầu cử ở Seoul, 44% phụ nữ ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi đã chọn Đảng Dân chủ, trong khi 40,9% bỏ phiếu cho ông Oh.
Park Sun-mi, một luật sư 28 tuổi, cho biết sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của phụ nữ trẻ đối với đảng cầm quyền có thể phản ánh kỳ vọng của họ về việc đảng này sẽ đưa ra các chính sách thân thiện hơn với phụ nữ, bất chấp những cáo buộc quấy rối tình dục được đưa ra nhằm vào cựu thị trưởng Seoul, một thành viên Đảng Dân chủ.
Cô nói: “Hàn Quốc vẫn là một xã hội do nam giới thống trị. Ngay cả trong công ty luật của tôi, tôi thường cảm thấy rằng mình được coi là thư ký của một đồng nghiệp luật sư nam.”
Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2022. Mặc dù những nam thanh niên dường như đang từ bỏ sự ủng hộ cho đảng cầm quyền của ông Moon, chiến thắng cho phe đối lập vẫn chưa được đảm bảo.
Bong Young-shik, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Yonsei cho biết: “Còn quá sớm để dự đoán đảng hoặc chính trị gia nào có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. “Yếu tố thay đổi cuộc chơi có thể đến vào tháng 11, khi chính phủ có kế hoạch đạt được miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19.”
Ngân Hà (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Moon Jae In chính trị Hàn Quốc