Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các động thái đe dọa về mặt quân sự và chính trị, đồng thời nhấn mạnh rằng hòa bình là lựa chọn duy nhất và Bắc Kinh cần phải tôn trọng quyết định của người dân Đài Loan.

Lai Thanh Duc nham chuc
Tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức phát biểu tại lễ nhậm chức vào ngày 20/5/2024 tại Đài Bắc (Nguồn ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Trước đám đông quần chúng tại văn phòng Tổng thống ở trung tâm thành phố Đài Bắc, ông Lại lặp lại lời kêu gọi đàm phán với Trung Quốc, quốc gia vốn luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và cam kết không từ bỏ việc dùng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát.

Ông Lại phát biểu: “Tôi cũng muốn kêu gọi Trung Quốc dừng các đe dọa quân sự và chính trị đối với Đài Loan, và cùng Đài Loan chia sẻ trách nhiệm toàn cầu trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan cũng như khu vực xung quanh, để thế giới không phải lo sợ về việc bùng nổ chiến tranh. Chúng tôi cũng muốn tuyên bố điều này với thế giới: Đài Loan không nhượng bộ về mặt dân chủ và tự do. Hòa bình là lựa chọn duy nhất, và sự thịnh vượng là mục tiêu của chúng tôi [trong việc] giữ gìn hòa bình và ổn định lâu dài.”

Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức đối với tuyên bố này. Trước đó, Bắc Kinh vẫn liên tục gọi ông Lại là “phần tử ly khai” đang mạo hiểm gây chiến trong khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 1/2024.

Kể từ khi ông Lại thắng cử, Đài Loan đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc, bao gồm các hoạt động thường xuyên của lực lượng không quân và hải quân gần quốc đảo này.

Tân Tổng thống 64 tuổi của Đài Loan trước đây là Phó Tổng thống dưới thời người tiền nhiệm Thái Anh Văn. Ông Lại cho rằng mọi người cần phải thực tế về mối đe dọa từ Trung Quốc và Đài Loan phải thể hiện quyết tâm tự vệ.

“Hỡi người dân [Đài Loan], chúng ta có lý tưởng để theo đuổi hòa bình, nhưng chúng ta không được phép mơ mộng. Trước khi Trung Quốc từ bỏ việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm Đài Loan, người dân phải hiểu điều này: Ngay cả khi chúng ta chấp nhận mọi yêu cầu của Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền, tham vọng thôn tính Đài Loan của họ vẫn sẽ không biến mất”, trích lời ông Lại.

Tân Tổng thống đã nhận được tràng vỗ tay lớn sau khi nhắc lại rằng Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi chính thức của Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) “không lệ thuộc lẫn nhau”, đây cũng là quan điểm của người tiền nhiệm Thái Anh Văn.

Thứ Hai (20/5), trong báo cáo hàng ngày về các hoạt động quân sự của Trung Quốc 24 giờ trước đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 6 máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Đường trung tuyến trên Eo biển này trước đây được coi là ranh giới không chính thức giữa hai nước tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố rằng họ không công nhận. Theo bản đồ do Bộ Quốc phòng cung cấp, ít nhất một trong số các máy bay đã tiến đến vị trí cách thành phố cảng Keelung phía bắc Đài Loan 80 km.

Tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Lại có các cựu quan chức Mỹ do Tổng thống Joe Biden cử đến và các nhà lập pháp từ những quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Đức và Canada, cũng như lãnh đạo của một số trong 12 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, như Tổng thống Paraguay Santiago Pena.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chúc mừng ông Lại, khẳng định Hoa Kỳ mong muốn được cùng ông “thúc đẩy các lợi ích và giá trị chung của chúng ta, khắc sâu thêm mối quan hệ không chính thức lâu đời của chúng ta cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Sau bài phát biểu của tân Tổng thống, các máy bay chiến đấu của Đài Loan đã bay theo đội hình trên không phận Đài Bắc.

Vào cuối buổi lễ, ông Lại và Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm, người trước đây là Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, đã cùng người dân hát các ca khúc nhạc pop và khiêu vũ trên sân khấu với các nghệ sĩ biểu diễn khác.

Ông Lại đeo một chiếc cà vạt màu tím tượng trưng cho một loài bướm có nguồn gốc từ Đài Loan, và trên ve áo cài một chiếc ghim màu vàng hình hoa cải, một loại thực vật phổ biến trên các cánh đồng của hòn đào này.

Ông Lại đã tiếp nhận những con dấu tượng trưng cho quyền lực Tổng thống của mình từ Chủ tịch Quốc hội Đài Loan, trong đó có con dấu của Trung Hoa Dân Quốc và con dấu danh dự, cả hai đều được mang đến đây sau khi chính phủ Cộng hòa chạy sang Đài Loan vào năm 1949 trong cuộc nội chiến với phe cộng sản của Mao Trạch Đông.

Trước đó vào cuối ngày Chủ nhật (19/5), tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc nói rằng ông Lại có thể trở nên “ngày càng khiêu khích” sau khi nhậm chức.

“Vì vậy, về lâu dài, tình hình quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ không lạc quan”, trích dẫn Hoàn Cầu Thời Báo.

Những thách thức trong nước của ông Lại hiện cũng rất lớn khi Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của ông đã mất vị thế đa số trong nghị viện sau cuộc bầu cử tháng Giêng.

Hôm thứ Sáu (17/5), các nhà lập pháp Đài Loan đã đấm, xô đẩy và la hét vào mặt nhau trong một cuộc tranh cãi gay gắt về những cải cách quốc hội mà phe đối lập đang thúc đẩy. Có thể sẽ có nhiều cuộc tranh chấp hơn vào thứ Ba (21/5) trong các phiên thảo luận tiếp theo.