Tân Tổng thống Pháp gặp Putin: Thẳng thắn trao đổi các vấn đề gai góc
- Tân Bình
- •
Hôm thứ Hai (29/5), Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã có cuộc gặp trực tiếp người đồng cấp Nga, Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã có những “trao đổi thắng thắn” trong cuộc gặp mặt đầu tiên kể từ sau khi ông Macron đắc cử tổng thống Pháp.
Theo BBC, cuộc hội đàm giữa Macron và Putin được tổ chức hôm thứ Hai (29/5) tại cung điện Versailles cổ kính gần Paris. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong gần 1 giờ đồng hồ về các vấn đề quan trọng cùng quan tâm như: vấn đề Syria, Ukraine, và đặc biệt là cáo buộc truyền thông Nga can dự vào bầu cử Pháp và một số vấn đề gai góc khác.
Cả hai nước đều coi chuyến thăm của ông Putin tới Pháp lần này là cơ hội để tái thiết lại mối quan hệ Pháp – Nga nhân dịp kỷ niệm 300 năm kể từ khi Nga Hoàng Peter đại đế tới thăm nước Pháp,
Trong vấn đề Syria, Pháp đang nằm trong liên minh hậu thuẫn cho người Arab Sunni và phiến quân người Kurd chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad – người được hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội Nga và Iran.
Tuy vậy, trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp hôm thứ Hai, hai nhà lãnh đạo đã nói vẫn có nhiều cơ hội để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề Syria.
Ông Macron nói ông muốn Pháp “đẩy mạnh mối quan hệ với Nga” trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Ông nói rằng ông ủng hộ một “quá trình chuyển đổi dân chủ” mà có thể “duy trì nhà nước Syria”.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp nói thêm rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ là “lằn ranh đỏ” khiến Paris “phản ứng tức thì” để ngăn chặn thảm họa.
Ukraine cũng là trọng tâm trong trao đổi giữa ông Macron và Putin. Pháp luôn phản đối mạnh mẽ kề từ khi Nga quyết định can thiệp vào Ukraine. Paris cùng các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này sáp nhập lãnh thổ Crimea vào Nga năm 2014.
Tổng thống Putin nhân cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp đã kêu gọi phương Tây nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này vì cho rằng nó không giúp tạo ra sự ổn định ở Đông Âu.
Theo BBC, tuy chưa có sự đồng thuận về vấn đề này, nhưng ít nhiều hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý khôi phục lại các nhóm làm việc chung và đàm phán lại với Đức.
Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng nói rằng ông và Tổng thống Putin đã thảo luận về cáo buộc bức hại người đồng tính ở Cộng hoà Chechnya thuộc Nga và ông Putin đã hứa “các biện pháp nhằm tìm ra toàn bộ sự thật về các hoạt động của chính quyền địa phương”.
Ông Macron nói rằng sẽ vẫn giữ “cảnh giác” về vấn đề này.
Trọng tâm và thu hút sự chú ý của báo giới trong cuộc gặp Macron-Putin chính là các lùm xùm xung quanh cáo buộc truyền thông Nga can dự vào bầu cử Pháp.
Reuters cho biết trong cuộc họp báo chung, ông Macron đã nêu thẳng tên các hãng tin do chính phủ Nga tài trợ và cáo buộc các hãng này tìm cách gây tác động xấu tới chiến dịch tranh cử của ông.
Đứng bên cạnh ông Putin, Tổng thống Macron lặp lại cáo buộc: “Trong chiến dịch tranh cử, hãng tin Russia Today (RT) và Sputnik là những cơ quan truyền thông gây ảnh hưởng, nhiều lần lan truyền tin tức không đúng về cá nhân tôi và chiến dịch của tôi”.
Ông nói: “Họ cư xử như những nhân tố ảnh hưởng, cơ quan tuyên truyền và phát đi những lời gian dối”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp vừa qua, đỉnh điểm vào ngày 7/5, những người điều hành chiến dịch của Macron đã khiến điện Kremlin nổi giận khi tuyên bố mạng lưới, các cơ sở dữ liệu và địa điểm của chiến dịch của mình đã bị tấn công từ địa phương bên trong nước Nga.
Sau đó, phe Macron đã cấm các nhà báo từ hai hãng tin của nga nêu trên không được tác nghiệp tại trụ sở chính của chiến dịch Macron. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khi đó đã tố cáo hành động này là “kỳ thị … phân biệt đối xử trắng trợn”.
Cả điện Kremlin và hãng tin RT đều đã bác bỏ cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông Putin không phản ứng gì trước bình luận của ông Macron về truyền thông Nga, nhưng khi có nhà báo hỏi về việc Moscow có đứng sau hậu thuẫn tin tặc tấn công mạng vào chiến dịch của ông Macron, ông Putin nói rằng những cáo buộc đó không dựa trên sự thật.
Khi trả lời về việc bản thân ông ủng hộ bà Marine Le Pen, Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng đón nhận bất kỳ ứng viên nào [đắc cử tổng thống Pháp], Nếu bà Le Pen yêu cầu gặp chúng tôi, tại sao chúng tôi lại phải từ chối bà ấy? … bà ấy luôn công khai nói rằng muốn phát triển quan hệ với đất nước chúng tôi. Thật lạ nếu chúng tôi không đón nhận điều đó”.
Sau cuộc gặp với ông Macron, Tổng thống Putin đã đi thăm một nhà thờ Chính thống giáo Nga (Orthodox) mới mở ở Paris, nơi ông đã không thể tham dự lễ khánh thành vào tháng 10/2016 do khi đó có những khúc mắc với Tổng thống Pháp Hollande về vấn đề Syria.
Tân Bình (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Vladimir Putin Emmanuel Macron