Tham vọng xưng bá trên biển của ĐCSTQ gây đảo lộn truyền thống cảnh sát biển thế giới
- Thiên Thanh
- •
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ mất 10 năm để xây dựng hạm đội bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, can thiệp mạnh mẽ vào vùng xám giữa thực thi pháp luật biển và sức mạnh hải quân. Để kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược của châu Á, Bắc Kinh không chỉ gây đảo lộn truyền thống cảnh sát biển 200 năm của thế giới, mà còn châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang giành bá quyền ở châu Á.
Nhìn lại khái quát động thái xưng bá trên biển của Trung Quốc
Tổng hợp các nguồn tin truyền thông ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cho thấy, theo hồ sơ dữ liệu hàng hải, gần quần đảo tranh chấp Senkaku của Nhật Bản (ĐCSTQ gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài), từ ngày 30/3 – 2/4 năm nay, ĐCSTQ đã huy động một hạm đội tàu bảo vệ bờ biển tuần tra trong 80 giờ 36 phút – phá kỷ lục thời gian lưu trú lâu nhất của ĐCSTQ.
Để phản đối cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy, từ ngày 8/4 các tàu tuần tra lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ đã tập trung gần Đài Loan để chặn và khám xét các tàu Đài Loan.
Ngày 10/4, vòng thương lượng 15 của Cơ chế tham vấn cấp cao Trung Quốc – Nhật Bản về các vấn đề hàng hải đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Tại cuộc gặp, chính quyền ĐCSTQ yêu cầu Nhật Bản ngừng vi phạm chủ quyền lãnh thổ và không can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Phía Nhật Bản bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về các hoạt động quân sự ngày càng thường xuyên của ĐCSTQ xung quanh Nhật Bản, bao gồm các hoạt động chung Trung – Nga, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Ngày 23/4, một tàu tuần tra lớn của lực lượng bảo vệ bờ biển ĐCSTQ đã hành động vũ lực, lao cắt vào luồng đường an toàn tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, làm dấy lên tranh cãi.
Ngày 28/4, Nhật Bản thông báo nội các nước này đã thông qua chính sách hàng hải trong 5 năm tới. Để đối phó với hành vi ngày càng hung hăng của ĐCSTQ ở vùng biển xung quanh Nhật Bản, chính phủ nước này đã nhấn mạnh đến việc tăng cường an ninh hàng hải, bao gồm nâng cấp trang thiết bị của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (Cảnh sát biển) và tăng cường hợp tác của cơ quan này với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải. Nếu Nhật Bản gặp phải một cuộc tấn công vũ trang, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ Quốc phòng có thể chỉ đạo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thực hiện các hoạt động hỗ trợ hậu cần.
Ngày 25/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết trong thông cáo của chính phủ, rằng Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, yêu cầu tàu nghiên cứu khoa học “Xiangyanghong 10”, một số tàu cảnh sát biển, tàu cá Trung Quốc phải rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam.
Tạp chí chính trị và ngoại giao National Interest của Mỹ đưa tin, nếu tính theo số lượng tàu thì Hải đoàn Cảnh sát biển thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang của ĐCSTQ là lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới.
Vào ngày 22/1/2021, cuộc họp thứ 25 của Ban Thường vụ Quốc hội (Nhân đại) khóa 13 của ĐCSTQ đã thông qua “Luật Cảnh sát Biển”, quy định rằng lực lượng cảnh sát biển thuộc Lực lượng Cảnh sát vũ trang ĐCSTQ, có thể sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài ở những vùng biển như Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tranh giành bá chủ: ĐCSTQ đảo lộn truyền thống cảnh sát biển thế giới
Tờ New York Times của Mỹ đưa tin, ĐCSTQ đã dành 10 năm để xây dựng hạm đội bảo vệ bờ biển được quân sự hóa cao độ, đã đảo lộn truyền thống 200 năm của cảnh sát biển thế giới, theo đó nhiệm vụ ứng phó buôn lậu hoặc tìm kiếm cứu nạn hàng hải ngày càng ít mà thay vào là gia tăng thôn tính tại các vùng biển tranh chấp quốc tế. Vì lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ có hạm đội được trang bị pháo hải quân 76mm và tên lửa chống hạm, thậm chí lớn hơn cả tàu khu trục của Hải quân Mỹ.
Hiện ĐCSTQ có khoảng 150 tàu tuần duyên cỡ lớn trên 1.000 tấn. Nhiều tàu của Cảnh sát biển ĐCSTQ vốn là tàu khu trục của Hải quân, chúng được trang bị sân bay trực thăng, vòi rồng mạnh và súng cùng cỡ với xe tăng M1 Abrams, cho phép tàu hành trình trong thời gian dài. Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cho thấy 85 tàu tuần duyên của Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình chống hạm.
So sánh: Nhật Bản có khoảng 70 tàu tuần duyên cỡ lớn trên 1.000 tấn, Mỹ có 60 tàu, còn hầu hết các nước châu Á chỉ có vài tàu tuần tra cỡ lớn như vậy.
Các hành động khác nhau của Bắc Kinh khiến lực lượng bảo vệ bờ biển của họ ngày càng giống Hải quân, không chỉ can thiệp vào địa chính trị của các nước châu Á, còn cố gắng kiểm soát các tuyến đường thủy quốc tế quan trọng bằng lực lượng quân sự hùng mạnh, làm gia tăng căng thẳng. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh đang can thiệp quá mạnh vào vùng xám giữa thực thi pháp luật biển [chống tội phạm] và sức mạnh hải quân [bảo vệ chủ quyền], điều này đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước Thái Bình Dương đang đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ, ngày càng nhiều nước bắt đầu phải dùng cảnh sát biển để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Đặc biệt, eo biển Đài Loan và các vùng biển xung quanh được cộng đồng quốc tế coi là nơi có khả năng xảy ra chiến tranh do yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ. Với sự leo thang can thiệp và đối đầu của cảnh sát biển Trung Quốc, cảnh sát biển của các nước khác ngày càng chú ý nhiều hơn đến việc hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và quân đội, khiến mọi sự cố xung đột nào leo thang đều có thể dẫn đến xung đột vũ trang hoặc thậm chí chiến tranh giữa các nước lớn.
Từ khóa eo biển Đài Loan Dòng sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc biển Đông Cảnh sát biển