Kế hoạch muốn cắt giảm đi 2.000 tỷ USD? The Economist đã nhìn ra gần 5.000 tỷ USD có thể cắt. Cho nên, vấn đề là nằm ở quyết tâm của nhóm ông Trump, và đặc biệt là ở chỗ họ giành được bao nhiêu ủng hộ từ các thành viên Đảng Cộng hòa về việc này.

241115DOGE
DOGE, Bộ Hiệu quả Chính phủ, dự kiến sẽ được chính thức thành lập khi Donald Trump tái nhập Tòa Bạch Ốc 20/1/2025, do các đại gia Elon Musk và Vivek Ramaswamy đồng quản lý (ảnh lấy từ mạng xã hội)

Kể từ hôm Thứ Tư, khi Elon Musk và Vivek Ramaswamy tỏ ý quyết tâm chấn chỉnh chính phủ Mỹ trong thông báo rằng Bộ Hiệu quả Chính phủ DOGE của họ muốn thuê các “nhà cách mạng chính phủ nhỏ có IQ siêu cao”, thì có không ít những tiếng nói chế giễu, theo The Economist chỉ ra.

Nào là nếu Donald Trump đặt chỉ tiêu cắt 2.000 tỷ USD, thế thì nhiều chức năng cơ bản của của chính phủ chẳng phải sẽ tê liệt? Kinh tế sẽ bị suy thoái? Hơn nữa, ông Trump chỉ cho thời hạn 2 năm để DOGE ra được phương án để hoàn thành việc này. Còn nữa, DOGE kỳ thực là một cơ cấu tư vấn cho ông Trump chứ không phải là một ban ngành chức năng như cái tên của nó, mà thậm chí chính cái tên của nó kỳ thực là lấy cảm hứng từ một trò đùa về tiền điện tử.

Tuy nhiên, theo The Economist chỉ ra, sẽ là một sai lầm lớn nếu coi thường sứ mệnh này của DOGE. Có 2 lý do. Thứ nhất, nền tài chính Mỹ đang đi vào một quỹ đạo không bền vững. Nợ quốc gia đang tiến tới 100% GDP, lớn hơn 35% so với năm 2007. Thâm hụt liên bang ở mức 6% GDP —điều này có liên quan tới chiến tranh và kinh tế suy thoái— chắc chắn sẽ khiến các khoản nợ tăng hơn nữa và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Mỹ. Thứ hai, The Economist tin rằng tình hình không phải vô vọng, khi vẫn còn nhiều cách, về lý thuyết, để các nhà làm chính sách kinh tế Mỹ có thể đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo này.

Tờ báo cho hay trong các nhân viên của họ tuy không có nhà cách mạng chính phủ nhỏ nào nộp đơn xin việc tại DOGE, theo những gì mà tờ báo biết, nhưng mà, tờ báo sẵn sàng chỉ ra một số khoản cắt giảm khả thi, như là các gợi ý cho DOGE.

The Economist chia các khoản này làm 4 mục: (1) các chi tiêu thông thường; (2) quy định nghiêm ngặt hơn khi duyệt các phân bổ; (3) điều chỉnh tiêu chí trong chính sách y tế; và (4) cải cách thuế.

Chi tiêu của chính quyền liên bang dường như là khoản được nhìn tới đầu tiên, nhưng mà, The Economist phân tích rằng, nếu nhìn kỹ vào 6.800 tỷ USD mà chính phủ liên bang chi tiêu trong năm tài chính vừa qua, thì nếu trừ đi các khoản mà không cách nào cắt giảm —lãi suất tính từ nợ đã có, lương hưu, và bảo hiểm y tế— thì chỉ còn 25% số đó mà thôi (tức là 1.800 tỷ USD) Mà một nửa trong số đó được đưa sang bên quốc phòng, điều mà ông Trump sẽ không chịu cắt hoặc là cắt không được, vậy là chỉ còn 900 tỷ USD. Đó là các chi tiêu hàng năm để chính quyền liên bang vận tác: chi phí đi lại, giáo dục, khoa học, chăm sóc và bảo dưỡng các công trình như vườn hoa, củng cố bộ máy thực thi pháp luật, v.v. Cho nên, cuối cùng cũng không có nhiều chỗ mà DOGE có thể cắt.

Tuy nhiên, The Economist vẫn cho rằng cặp đôi Musk & Ramaswamy vẫn cần phải chú trọng vào khoản này. Dù sao thì chi tiêu của chính phủ liên bang đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2019, sau cú hích của đại dịch Covid.

Một phương án mà DOGE có thể đưa ra, theo The Economist gợi ý, đó là thiết lập các quy định khắt khe hơn cho việc phân bổ trong tương lai, chẳng hạn định ra hạn mức tăng trưởng là không quá 2% (theo mức lạm phát) cho đến năm 2035; thế thì riêng khoản đó sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD trong 10 năm tới nếu so với dự báo chi tiêu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Có lẽ đây sẽ là một khởi điểm tốt cho DOGE.

Vấn đề chi tiêu cho phúc lợi xã hội và chương trình Medicare là nhất định phải cải tổ, theo The Economist, vì chúng cộng lại nuốt chửng 1/3 của ngân sách chính phủ. Ông Trump cũng đã lên tiếng rằng ông sẽ tiến hành chấn chính việc này trong quá trình vận động tranh cử.

Mỹ, cũng giống các quốc gia giàu có khác, đang phải đối mặt với việc tuổi thọ người dân tăng dần, cho nên gánh nặng phúc lợi này cũng theo đó mà tăng lên. Cho nên, có phương án là điều chỉnh chế độ hưởng phúc lợi, tăng dần độ tuổi qua các năm.

The Economist chỉ ra rằng cách làm này là có thể phải chịu các tiếng nói phản đối mạnh mẽ, ví như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tấm gương, nhưng mà, tờ báo miêu tả rằng ông Trump là có kinh nghiệm dày dặn đón nhận các áp lực như vậy. Cách này tuy không hề dễ dàng, nhưng chỉ cần dùng bàn tay sắt là có thể khả thi.

Theo The Economist tính toán, nếu tăng độ tuổi hưởng Medicare từ 65 lên 67 trong 2 năm tới, thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 50 tỷ USD, và nếu tăng tuổi hưởng toàn bộ chế độ phúc lợi xã hội (trong đó có lương hưu) từ 67 lên 70, thì cũng tiết kiệm được 50 tỷ USD hàng năm. Nếu mà tính trong khoảng 10 năm tới (tới 2035) thì là tiết kiệm được 1.000 tỷ USD so với dự kế hoạch chi tiêu ban đầu.

Hiện nay cách chi của chính phủ liên bang cho các khoản phúc lợi cho người Mỹ thu nhập thấp là không có giới hạn, theo nghĩa là, theo một tỷ lệ cố định, khoảng 2/3. Phần còn lại là do các bang tự chi. Theo The Economist thì DOGE có thể đặt thêm giới hạn trần cho khoản chi mà chính phủ liên bang phải trả, và ước tình rằng có thể tiết kiệm được 900 tỷ USD trong 10 năm tới.

Tờ báo cho rằng chương trình Medicare hiện nay có nhiều sơ hở, làm xuất hiện những thủ đoạn lắt léo dẫn tới các khoản chi lãng phí. Đề cập đến MedPAC, một ủy ban độc lập của Quốc hội được thành lập để giải quyết vấn đề này, The Economist cho rằng ủy ban quả thực đã có nhiều đề nghị hợp lý, mà theo tờ báo, nếu thực thi sẽ tiết kiệm được 550 tỷ USD cho 10 năm tới.

Nếu ông Trump theo đuổi các nỗ lực của chính quyền Biden đang làm để mặc cả giảm giá thuốc men, thế thì sẽ có được thêm 200 tỷ USD nữa.

Cải cách thuế, nếu ông Trump quyết tâm làm, thì sẽ thêm một khoản nữa, theo nhận định của The Economist. Nhưng mà, như tờ báo chỉ ra, theo các tuyên bố sẽ cắt và cắt nhiều loại thuế khi vận động tranh cử, và cũng là theo phong cách của cá nhân ông Trump, thì ông Trump sẽ không muốn ban hành bất kỳ chính sách nào khiến thuế của người Mỹ phải tăng thêm.

Tuy nhiên, tin tốt là, theo cách miêu tả của The Economist, chính quyền Biden hiện nay đang có các chính sách dẫn đến thu nhập cho chính phủ liên bang từ thuế sẽ tăng lên.

Chính quyền Biden có chính sách giảm việc khấu trừ thuế qua các bảo hiểm y tế, như vậy, nếu ông Trump không loại bỏ việc này, thì sẽ thêm được 500 tỷ USD trong 10 năm tới cho ngân sách liên bang. Một số khoản thuế liên quan tới Covid-19, đến tận bây giờ vẫn đang hữu hiệu, và nếu nó vẫn được giữ, thì sẽ sẽ thêm 80 tỷ USD nữa.

Ngoài ra, hiện đại hóa và cải tổ bộ máy của chính bản thân cơ quan thuế vụ IRS, loại trừ các sai lầm trong quá trình tính thu thuế. Nếu ông Trump tiếp tục chính sách mà đã được ông Biden duyệt về việc này, thì sẽ thêm một khoản 850 tỷ USD cho 10 năm tới.

Tóm lại, tính sơ sơ thì The Economist đã chỉ ra 4.500 tỷ USD cho 10 năm tới rồi. Nếu còn tiếp tục tính toán chi li hơn nữa, thì hẳn sẽ có thể đạt tới con số 5.000 tỷ USD.

Đương nhiên, trong các khoản nói trên thì có thể thực hiện phần nào, và thực hiện như thế nào, đó mới là điều gây đau đầu nhất. Nhà Trắng cũng không thể đơn phương làm được những việc này. Ít nhất còn cần có được sự phối hợp của Quốc hội lưỡng viện.

Đây là khảo nghiệm lớn đối với DOGE, và đối với ông Trump, tờ báo The Economist kết luận, cái khó đích thực là ở chỗ họ nhận được bao nhiêu ủng hộ từ các thành viên của Đảng Cộng hòa.

Nhật Tân