Thượng viện Ireland thông qua nghị quyết lên án ĐCSTQ diệt chủng
- Tuyết Mai
- •
Thượng viện Ireland đã thông qua một nghị quyết vào ngày 9/2, nhận định Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Thế vận hội Mùa đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 4 đến ngày 20 tháng này. Trước thành tích nhân quyền tồi tệ của ĐCSTQ, ngày càng có nhiều tiếng nói đặt câu hỏi về nỗ lực “tẩy trắng” của Bắc Kinh bằng cách đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tượng trưng cho hòa bình và hữu nghị. Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông vào ngày 4 có sự tham gia của một vận động viên trượt tuyết băng đồng người Duy Ngô Nhĩ với tư cách là người cầm đuốc cuối cùng, cũng đã bị lên án là động thái chính trị. Mục đích là chuyển dịch sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với hành vi xâm hại nhân quyền người Tân Cương.
Vào ngày 9/2, Thượng viện Ireland đã thảo luận về kiến nghị “Thượng viện Ireland chú ý đến và chấp nhận phán quyết của Tòa án đặc biệt Duy Ngô Nhĩ được công bố vào ngày 9/12/2021”. Dự thảo nghị quyết này được đưa ra bởi Thượng nghị sĩ Michael McDowell, ông từng là Bộ trưởng Tư pháp và Phó thủ tướng.
Ông Thomas Byrne, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người dự thính và đặt câu hỏi, đã đại diện chính phủ đề nghị nên điều chỉnh từ ngữ của kiến nghị để nhẹ nhàng và uyển chuyển hơn, bao gồm cả việc xóa các từ như “chấp nhận phán quyết”. Sau khi tranh luận căng thẳng, Thượng viện cuối cùng đã thông qua nghị quyết ban đầu.
Điều đáng chú ý là ông Michael McDowell đã đề cập đến Đài Loan nhiều lần trong bài phát biểu kết thúc vào ngày 9/2, sử dụng cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ để giải thích lý do tại sao chính phủ và người dân Đài Loan kiên quyết từ chối việc sáp nhập với ĐCSTQ, đồng thời kêu gọi chính phủ và quốc hội tích cực giao lưu với Đài Loan và đại diện Đài Bắc tại Ireland.
Tòa án Duy Ngô Nhĩ xuất hiện trong tranh luận của Thượng viện Ireland được thành lập ở London vào năm 2020, là một “tòa án nhân dân” độc lập được thiết kế để xem xét bằng chứng liên quan đến việc ĐCSTQ xâm phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và đánh giá xem các vi phạm có cấu thành tội diệt chủng theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc hay không.
Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Tòa án đặc biệt Duy Ngô Nhĩ vào ngày 9/12 năm ngoái đã phán quyết Chính phủ Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trước đó vào năm 2018, ngài Geoffrey Nice cũng dẫn đầu một Tòa án nhân dân độc lập điều tra về tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Đến tháng 6/2019, tòa công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này. Nạn nhân là người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, và một số Kitô hữu không cầu nguyện tại nhà thờ nhà nước.
Ngày 4/2/2022 vừa qua, bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tín ngưỡng thuộc viện Hudson, đã có một bài viết trên tờ National Review, cho rằng chế độ cộng sản Trung Quốc không chỉ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Thông qua việc tổng hợp lịch sử cũng như các thông tin mới nhất về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà Nina Shea đưa ra kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện tội ác diệt chủng nhóm người này trong hơn 2 thập kỷ. (Xem bài: National Review: ĐCSTQ đã diệt chủng người tập Pháp Luân Công)
Theo CNA
Tuyết Mai
Xem thêm:
- Động cơ phía sau việc ĐCSTQ chọn VĐV Duy Ngô Nhĩ làm người cầm đuốc Olympic
- Tòa án Độc lập phán quyết TQ phạm tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương
Mời xem video:
Từ khóa Duy Ngô Nhĩ Tội diệt chủng tòa án độc lập Dòng sự kiện Tân Cương Ireland