Thượng viện New York thông qua Nghị quyết kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới
- Minh Ngọc
- •
Thượng viện bang New York đã thông qua nghị quyết kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 23 vào ngày 13/5, một sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 để tôn vinh nhiều năm cống hiến của Pháp Luân Đại Pháp trong việc duy trì các giá trị phổ quát.
Ngày 26/4, hơn hai tuần trước ngày lễ, Thượng viện New York đã nhất trí thông qua nghị quyết số 2278, đánh giá cao hiệu quả của môn tu luyện này trong việc cải thiện sức khỏe cũng như các nguyên tắc cốt lõi của pháp môn.
Nghị quyết nêu rõ: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp cố gắng sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của họ, và từ đó trải nghiệm những lợi ích sức khỏe đáng kể.”
Nghị quyết ban đầu do 11 thượng nghị sĩ giới thiệu này đã ghi nhận, môn tu luyện trao quyền cho các cá nhân để “bỏ những thói quen xấu và nghiện ngập”, giúp các gia đình hòa thuận trở lại.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý cốt lõi Chân -Thiện – Nhẫn, cùng năm bài tập chậm rãi nhẹ nhàng. Vai trò độc đáo của môn tu luyện trong việc thúc đẩy sức khỏe và nâng cao đạo đức đã giúp pháp môn này cũng như Nhà sáng lập là Ông Lý Hồng Chí nổi danh khắp toàn cầu.
Ngày 13/5 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới và cũng là sinh nhật của ông Lý. Vào ngày này năm 1992, ông Lý đã chính thức truyền môn tu luyện này ra cho công chúng tại thành phố quê hương ngài ở Trường Xuân, vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trong 30 tháng tiếp theo, ông đã trực tiếp tổ chức các lớp giảng Pháp 9 ngày, để giảng cho mọi người về môn tu luyện ở hàng chục thành phố của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến năm 2003, ông Lý đã bốn lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình do những đóng góp nổi bật của mình đối với hạnh phúc của cá nhân và xã hội.
Hàng triệu người theo học Pháp Luân Công, cũng như nhiều người ủng hộ ông, đã bày tỏ lòng cảm ân và kính trọng gọi ông là Sư phụ Lý.
Ngoài ra, các nghiên cứu y học đã chứng thực vai trò của Pháp Luân Đại Pháp trong việc chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe.
Năm 2020, Trường Đại học Y khoa Washington ở St. Louis đã phát hành một nghiên cứu kết luận rằng, những người theo học Pháp Luân Công có “điểm số sức khỏe được ghi nhận cao hơn mức bình thường của dân số và giảm số lần khám bệnh ngoại trú so với trước khi tu luyện”.
Năm 2016, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu thuần tập, quan sát những người sống sót sau ung thư giai đoạn cuối tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Nghiên cứu chỉ ra, “ngoài việc giúp thuyên giảm các triệu chứng một cách rõ rệt, môn tu luyện Pháp Luân Công còn giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sống sót lâu hơn đáng kể”.
Bị cấm ở quốc gia khởi nguồn trong khi được vinh danh ở nhiều quốc gia khác
Theo các thống kê chính thức của Trung Quốc, Pháp Luân Công đã nhanh chóng phổ biến ở Trung Quốc trong những năm đầu tiên, với số người theo học lên tới con số 70- 100 triệu vào năm 1999. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại coi sự phổ biến này là một mối đe dọa, từ đó khởi động chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm “xóa sổ” môn tu luyện này.
Từ ngày 20/07/1999, chính quyền Trung Quốc đã sách nhiễu, bắt bớ, tẩy não và xét xử tùy tiện hàng loạt đối với các học viên Pháp Luân Công. Hàng triệu người đã bị đưa vào các trại lao động và nhà tù mà không theo quy trình xét xử tư pháp. Trong các cơ sở giam giữ, các học viên thường xuyên bị ngược đãi và tra tấn. Cuộc đàn áp nhằm vào nhóm tín ngưỡng này vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc hiện nay.
Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc, môn tu luyện ôn hòa này đã được công nhận, ủng hộ và đồng tình trong suốt 23 năm qua. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nhóm tín ngưỡng và Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp đã giành được nhiều huy chương hoặc thư công nhận từ các chính phủ, các cơ quan quốc tế cùng các nhóm vận động, trong đó có Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Freedom House. Pháp Luân Đại Pháp đã hồng truyền tại hơn 110 quốc gia và khu vực. Cuốn sách chính Chuyển Pháp Luân của pháp môn cũng đã được dịch ra 47 ngôn ngữ.
Vào mỗi dịp lễ kỷ niệm 13/5, cả Pháp Luân Đại Pháp và Nhà sáng lập là Sư phụ Lý Hồng Chí đều nhận được hàng loạt tin nhắn chúc mừng gửi đến từ các học viên cùng gia đình, bạn bè của họ, từ các quan chức chính phủ, các thượng nghị sĩ, các luật sư nhân quyền và những người có thiện chí khác.
Từ khóa Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới