Thụy Sĩ không còn là “thiên đường giấu tiền” của người giàu thế giới
- Liên Thư Hoa
- •
Trước cuối năm 2021, Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ đã cơ bản hoàn thành việc chuyển thông tin khách hàng nước ngoài có liên quan đến hàng trăm nước hoặc khu vực. Hiện nay trung tâm tài chính nước ngoài lớn nhất thế giới là Thụy Sĩ đã từ bỏ hệ thống “bảo mật cực đoan” thông tin khách hàng ngân hàng đã được họ duy trì hàng trăm năm. Với chính sách mới này, Thụy Sỹ đã không còn là “tụ điểm” cho những khách hàng giàu có trên thế giới trốn thuế, không còn là nơi giấu tiền an toàn cho những kẻ khủng bố, tổ chức tội phạm, và thậm chí cả các quan chức của các chế độ độc tài mà đặc biệt là từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hàng trăm năm qua, Thụy Sĩ đã quản lý khoảng 1/3 nguồn tài sản tư nhân của thế giới nhờ vào hệ thống ngân hàng được bảo mật nghiêm ngặt và lập trường chính trị trung lập.
Cụ thể, khoảng 300 năm qua, hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ đã duy trì chính sách bảo mật nghiêm ngặt cho khách hàng, dù cho đến năm 1934 Thụy Sĩ mới chính thức lập pháp “Luật Ngân hàng” quy định các tổ chức tài chính Thụy Sĩ có thể từ chối bất kỳ cuộc điều tra và giám sát nào của chính phủ đối với tài khoản khách hàng, trừ khi có bằng chứng thuyết phục người gửi tiền là tội phạm, nếu không thông tin tài khoản sẽ luôn được bảo mật. Không chỉ thế, khách hàng cũng có thể chọn cách ẩn danh an toàn nhất trong giải quyết vấn đề tài chính.
Đồng thời, mức thuế ở Thụy Sĩ cũng thấp hơn so với Mỹ và hầu hết các nước châu Âu thực hiện chính sách thuế cao và phúc lợi cao. Chính vì vậy, những người giàu có trên khắp thế giới thích mở tài khoản bí mật trong các ngân hàng Thụy Sĩ, chuyển khối tài sản khổng lồ của họ sang Thụy Sĩ.
Những chính sách đó không chỉ khiến người giàu ở các nước có thể trốn thuế tại Thụy Sĩ mà còn tạo điều kiện bảo vệ cho các hoạt động tội phạm như rửa tiền, cũng cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho nguồn tài chính phi pháp của những nhóm khủng bố và quan chức chế độ độc tài. Do đó Thụy Sĩ đã luôn phải chịu sức ép từ nhiều nước phương Tây.
Mỹ và châu Âu không ngừng gây áp lực
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã sử dụng cuộc điều tra gian lận thuế của tập đoàn ngân hàng khổng lồ UBS của Thụy Sĩ để đẩy mạnh áp lực buộc nước này bàn giao danh sách 52.000 khách hàng Mỹ có tài khoản bí mật. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc UBS che giấu tới hàng tỷ USD tài sản chưa nộp thuế của những người Mỹ này.
Tháng 7/2008, các ngân hàng Thụy Sĩ (bao gồm cả UBS) lại bị Thượng viện Mỹ cáo buộc hỗ trợ những người Mỹ giàu có trốn thuế khoảng 18 tỷ USD thông qua các tài khoản nước ngoài, làm hàng năm Mỹ bị thất thu số tiền thuế không nhỏ.
Cuối cùng, để giải quyết dứt điểm hai cáo buộc của Mỹ đối với UBS và tránh sự sụp đổ của UBS vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính, Chính phủ Thụy Sĩ không chỉ đồng ý nộp phạt 780 triệu USD mà còn cho phép UBS bàn giao danh sách khoảng 280 người trốn thuế nghiêm trọng ở Mỹ. UBS cũng cam kết trong vòng một năm sẽ cung cấp thông tin về 4450 khách hàng của Mỹ. Với diễn biến này, Thụy Sĩ đã phần nào từ bỏ chính sách bảo mật nghiêm ngặt tồn tại trong nhiều thế kỷ của ngành ngân hàng nước này.
Nhưng Mỹ cũng không vì vậy mà ngừng gây sức ép với Thụy Sĩ. Tháng 3/2010, Mỹ đã thông qua “Đạo luật Tuân thủ thuế của Tài khoản nước ngoài” (FATCA) để theo dõi việc trốn thuế ở nước ngoài, yêu cầu các ngân hàng nước ngoài tại Mỹ cũng phải báo cáo với cơ quan thuế Mỹ thông tin tài sản của khách hàng Mỹ trong ngân hàng của họ.
Tại cuộc họp thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng 5/2014, các nước thành viên OECD (gồm Thụy Sĩ, Mỹ, châu Âu) cùng 47 nước bao gồm cả Trung Quốc, đã dựa trên FATCA để ký một thỏa thuận chung theo tiêu chuẩn mới về trao đổi tự động thông tin thuế toàn cầu: Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (Common Reporting Standard), Ngân hàng Thụy Sĩ sẽ từng bước trao đổi thông tin về khách hàng của mình với các nước tham gia thỏa thuận chung.
Luật liên quan đến “Đạo luật trao đổi thông tin tự động” của Thụy Sĩ có hiệu lực từ đầu năm 2017, và đến nay Thụy Sĩ đã chính thức từ bỏ hệ thống bảo mật ngân hàng đã được tuân thủ suốt 300 năm qua.
Theo tiêu chuẩn này, năm 2018 Thụy Sĩ đã khởi xướng việc tự động trao đổi các thủ tục thông tin thuế, qua đó bắt đầu trao đổi thông tin ngân hàng và thuế với 38 quốc gia và khu vực bao gồm Mỹ và châu Âu. Tháng 9/2018, Thụy Sĩ lần đầu trao đổi thông tin khách hàng với các cơ quan thuế ở các nước liên quan của 2 triệu tài khoản ngân hàng; nhưng chỉ bắt đầu vào năm 2019 mới khởi động quá trình trao đổi thông tin tự động với 23 nước và khu vực bao gồm Trung Quốc, Nga và UAE.
Kể từ ngày 11/10/2021, Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ đã cung cấp thông tin tài chính về khoảng 3,3 triệu tài khoản ngân hàng cho các nước thành viên tham gia hiệp ước.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã không ngừng gây áp lực lên Thụy Sĩ – một nước không thuộc EU: vào tháng 12/2017 đã đưa Thụy Sĩ vào “danh sách xám” các nước không hợp tác. Các nước hoặc khu vực trong danh sách này đều từng cam kết tuân thủ quy tắc thuế quốc tế, nhưng chưa thực hiện đầy đủ.
Cho đến tháng 10/2019, khi các nhà chức trách Thụy Sĩ hứa và bắt đầu hợp tác với hàng trăm nước và khu vực để trao đổi dữ liệu thuế của họ khi đó EU mới loại Thụy Sĩ khỏi danh sách xám.
Tài sản của tỷ phú Trung Quốc tăng gấp 9 lần trong 10 năm
Ở Trung Quốc, mặc dù không có gì bí mật trong vấn đề giới quyền quý của ĐCSTQ giấu một lượng tài sản khổng lồ tại các trung tâm tài chính nước ngoài như Thụy Sĩ, nhưng số tài sản cụ thể ở nước ngoài của họ vẫn là bí mật hàng đầu.
Báo cáo tỷ phú hàng năm do UBS và PricewaterhouseCoopers (PwC) đồng công bố vào tháng 10/2020 cho thấy, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc đã tăng lên 415, nhiều hơn 90 người so với con số 325 vào năm 2018.
Đồng thời, tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc cũng tăng từ 962,4 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,7 nghìn tỷ USD, như vậy chỉ trong hai năm tổng tài sản của họ tăng thêm 718,5 tỷ USD, tức tăng 75%.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi và tổng tài sản tăng hơn 3 lần; trong khi cùng thời kỳ tài sản của các tỷ phú Trung Quốc tăng gần 9 lần.
Tài sản giấu ở nước ngoài của giới quyền quý ĐCSTQ phải tính bằng nhiều nghìn tỷ USD
Rốt cuộc số tài sản của giới quyền quý ĐCSTQ đã chuyển ra nước ngoài là bao nhiêu? Điều này hiện vẫn còn bí ẩn. Nhưng theo số liệu được cựu nhân viên CIA của Mỹ là Edward Snowden tiết lộ vào năm 2013 khi anh này lẩn trốn ở Hồng Kông, vào thời điểm đó số tiền giới quyền quý ĐCSTQ giấu ở nước ngoài đã lên tới 4,8 nghìn tỷ USD.
Ông Giang Trạch Dân lên lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ từ năm 1989, nhưng thực tế đã thao túng nền kinh tế Trung Quốc trong gần 30 năm. Con trai cả của ông ta là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) đã kiểm soát ngành công nghệ cao của Trung Quốc trong hơn 20 năm, đồng thời cũng kiểm soát các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thượng Hải. Vài năm sau khi ông Giang Trạch Dân nắm quyền, Giang đã gây dựng được “vương quốc viễn thông” khổng lồ do gia đình Giang kiểm soát, đồng thời còn phụ trách lĩnh vực công nghiệp năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, qua đó vơ vét được nguồn tài sản khổng lồ.
Nhiều vụ án tham nhũng lớn được điều tra và xử lý tại Trung Quốc trong những năm gần đây, như vụ bất động sản Chu Chính Nghị (Zhou Zhengyi), vụ CEO của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) Lưu Kim Bảo (Liu Jinbao), vụ bảo hiểm xã hội Thượng Hải của Vương Duy Công (Wang Weigong), và vụ án tài chính lớn nhất Trung Quốc của ngân hàng Merchants tại Thượng Hải… đều liên quan đến Giang Miên Hằng. Những vụ án này đều vì tham nhũng, hối lộ, thôn tính tài sản nhà nước với “con số thiên văn”.
Con trai thứ hai của ông Giang Trạch Dân là Giang Miên Khang dù chức vụ công khai chỉ là thanh tra của Ban Quản lý Giao thông và Xây dựng thành phố Thượng Hải, nhưng ông ta lại có quyền lực cực lớn. Ông ta chịu trách nhiệm điều phối chung về đất đai, phá dỡ, quy hoạch và xây dựng trên khắp Thượng Hải, đồng thời thu được rất nhiều lợi ích trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản trong các ngành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc.
Một báo cáo của Reuters vào tháng 4/2014 cho thấy, Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu trai của ông Giang Trạch Dân, đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ ở thị trường cổ phần tư nhân mới nổi lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã sử dụng các đặc quyền để thao túng các lĩnh vực có nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Theo báo cáo, sau khi Giang Chí Thành thành lập Boyu Capital vào năm 2010, ông ta đã dẫn đầu trong việc huy động 7,1 tỷ USD cho ‘gã khổng lồ’ Internet Trung Quốc Alibaba, cho phép mua lại 40% cổ phần của Yahoo trong Alibaba và thu được lợi nhuận 5,6% trên vốn chủ sở hữu, chỉ dựa theo giá trị thị trường của Alibaba vào thời điểm đó là 38 tỷ USD thì ông ta đã kiếm được 2,1 tỷ USD; ngoài ra còn hai khoản đầu tư của Boyu Capital vào hệ thống cửa hàng miễn thuế Sunrise Duty Fre và tổ chức dịch vụ tài chính Cinda thuộc sở hữu nhà nước đã mang về cho ông ta hàng trăm triệu USD.
Theo một thông tin trên Open Magazine của Hồng Kông, tháng 12/2002, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Thụy Sĩ đã tìm thấy một khoản tiền hơn 2 tỷ USD không rõ chủ nhân. Ông Lưu Kim Bảo (Liu Jinbao), người bị bắt giam vào năm 2005 và từng là chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) chi nhánh Thượng Hải, thú nhận trong tù rằng để tránh bị liên lụy, số tiền này đã được ông Giang Trạch Dân chuyển vào ngay trước Đại hội 16 của ĐCSTQ để lưu lại đường lui cho mình.
Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Ngân hàng Thụy Sĩ UBS