Mới đây, ABC News dẫn các nguồn tin tiết lộ chính quyền liên bang Mỹ tin rằng “Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết”, một tổ chức tư vấn bảo thủ có quan hệ mật thiết với ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, đã bị tin tặc (hacker) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công.

hacker trung quoc
(Ảnh minh họa: TY Lim/Shutterstock)

Ông Marc Lotter, giám đốc truyền thông của “Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết” (America First Policy Institute, AFPI), nói với ABC News trong một tuyên bố rằng cuộc tấn công vào tổ chức này bởi “các tác nhân nước ngoài thù địch” không có gì đáng ngạc nhiên, và AFPI được cho là một tổ chức chính sách chính liên minh với cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Marc Lotter viết trong tuyên bố: “Là nhóm chính sách hàng đầu của phong trào Nước Mỹ Trên hết (America First), không có gì đáng ngạc nhiên khi các tác nhân thù địch nước ngoài đang cố gắng xâm nhập vào CNTT của chúng tôi. Chiến lược, kỹ thuật và trình tự của đối phương tương tự như các hoạt động do quốc gia tài trợ mà chúng ta đã thấy trước đây, vì vậy chúng tôi có thể nhanh chóng khắc phục và ứng phó.”

Ông nói: “Giống như phong trào Nước Mỹ trên hết, AFPI sẽ không đi theo bước chân của Chính phủ, mà sẽ hợp tác với các chuyên gia mạng hàng đầu thế giới để hành động dựa trên tiến triển thương mại, nhằm nâng cao thêm mức độ an ninh vốn đã mạnh mẽ của chúng tôi.”

Trang tin chính trị Politico lần đầu tiên đưa tin về vụ tấn công mạng (hack) này.

AFPI là cơ quan tư vấn chính sách bao gồm hàng trăm quan chức từ chính quyền Trump, bao gồm cả chủ tịch hội đồng quản trị Linda McMahon, bà đã được bổ nhiệm làm đồng chủ tịch nhóm chuyển tiếp của Trump.

Ngay sau cáo buộc Iran tấn công chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã có báo cáo cho rằng AFPI đang là mục tiêu của các tác nhân nước ngoài.

Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một bản cáo trạng vào tháng trước, buộc tội 3 người Iran tham gia vào một cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp email của nhóm chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump.

Theo bản cáo trạng, các cá nhân này đã phạm một loạt tội, bao gồm tấn công mạng, cung cấp hỗ trợ thực chất cho tổ chức khủng bố nước ngoài, đánh cắp danh tính cũng như hỗ trợ và tiếp tay.

7 cuộc thăm dò ở các bang dao động: Ông Trump chiếm thế thượng phong trong các vấn đề Nga – Ukraine và Trung Đông

Theo các cuộc thăm dò mới nhất tại 7 bang dao động lớn do Wall Street Journal công bố hôm 12/10, cử tri nhìn chung tin rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump phù hợp hơn ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris để lãnh đạo nước Mỹ đi qua chiến tranh Nga-Ukraine và chiến tranh Trung Đông.

Kết quả cuộc bầu cử Mỹ sắp tới vào tháng 11 sẽ có tác động lớn đến hai cuộc xung đột này, bởi ông Trump và bà Harris có thể có những cách rất khác nhau để giải quyết những vấn đề này.

Cuộc thăm dò này cho thấy, về câu hỏi ai có khả năng giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine tốt nhất và giành được lợi thế lớn hơn, 50% cử tri ở các bang dao động được khảo sát đã bỏ phiếu cho ông Trump, dẫn trước so với 39% tỷ lệ chọn bà Kamala Harris

Về vấn đề xử lý cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas, 48% bỏ phiếu cho ông Trump, cao hơn 33% của bà Harris.

Ông Trump nhấn mạnh tình hình thế giới tương đối yên bình trong nhiệm kỳ của ông, đồng thời tuyên bố nếu thắng cử vào tháng 11, ông sẽ nhanh chóng giải quyết hai xung đột này. Trên thực tế, ông Trump là một trong số ít tổng thống Mỹ chưa phát động chiến tranh trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Trump đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine và phản đối viện trợ quân sự và tài chính bổ sung cho chính quyền Kiev. Ông cũng là người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chính quyền Biden đã cung cấp hơn 100 tỷ USD viện trợ và vũ khí cho Ukraine. Bà Harris đã nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ của bà đối với Ukraine và đã gặp ông Zelensky nhiều lần.

Cuộc thăm dò cho thấy trong cuộc chiến Israel – Hamas, 43% cử tri trung lập bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi chỉ có 26% ủng hộ bà Harris, số cử tri còn lại được khảo sát không bày tỏ ý kiến.

Cả bà Harris và ông Trump đều ủng hộ Israel trong cuộc chiến Israel – Hamas, nhưng họ áp dụng những cách tiếp cận khác nhau trước các cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông. Bà Harris ủng hộ việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel, nhưng bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn ở Dải Gaza và Liban, đồng thời chỉ trích cuộc chiến đã gây ra một số lượng lớn thương vong cho dân thường và tác động của nó đối với nhân loại.

Ông Trump không đề cập cụ thể đến cách ông sẽ xử lý cuộc chiến ở Trung Đông, mà chỉ kêu gọi Israel “hoàn thành những việc họ đã bắt đầu”.

Cuộc thăm dò của WSJ cho thấy, các vấn đề kinh tế vẫn được người tham gia khảo sát cân nhắc hàng đầu khi lựa chọn ứng viên tổng thống, tiếp theo là vấn đề nhập cư và an ninh biên giới. Cuộc thăm dò này đã khảo sát 2.100 cử tri trong khoảng thời gian từ 28/9 đến 8/10, về các vấn đề gây tranh cãi như cuộc chiến Israel – Hamas, Nga – Ukraine. Biên độ sai số là cộng hoặc trừ 2,1 điểm phần trăm.

Blinken: Đã thấy bằng chứng ĐCSTQ can thiệp bầu cử

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 26/4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết dù lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình hứa không can thiệp vào bầu cử ở Mỹ, nhưng Washington đã nhìn thấy bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng gây ảnh hưởng, thậm chí đã can thiệp.

Đây là những gì ông Blinken đã nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN sau khi kết thúc cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tích cực gây ảnh hưởng đến bầu cử ở Mỹ, đặc biệt là nhắm vào cử tri và ứng cử viên Mỹ.

Ngoài ra, Microsoft cũng đưa ra một báo cáo vào đầu năm nay, nói rằng ĐCSTQ có thể cố gắng sử dụng nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo (AI) ra để làm nhiễu loạn các cuộc bầu cử ở Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.  Công ty chỉ ra rằng ĐCSTQ đang sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo để cố gắng gây bất hòa trong cử tri, và khiến kết quả bầu cử Mỹ có lợi cho chính mình.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất do công ty tình báo Graphika công bố hôm 3/9 cho thấy, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, một hoạt động gây ảnh hưởng trên mạng xã hội liên quan đến ĐCSTQ mạo danh cử tri Mỹ, bôi nhọ các ứng cử viên, đồng thời phát tán những ngôn luận gây chia rẽ về các vấn đề xã hội nhạy cảm ở Mỹ.

Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào tháng 4/2024, ghi lại 4 tài khoản Spamouflage trên nền tảng X giả danh là những người ủng hộ ông Trump và ủng hộ phong trào “Làm Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” (MAGA).

Theo Reuters trích dẫn các chuyên gia, Spamouflage đã hoạt động ít nhất từ ​​​​năm 2017, nhưng hoạt động của nó đã tăng cường khi cuộc bầu cử đến gần. Nó tận dụng hàng ngàn tài khoản trên hơn 50 trang web, diễn đàn và nền tảng truyền thông xã hội.

Vào tháng 7 năm nay, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã công bố một báo cáo về can thiệp bầu cử, cho biết Bắc Kinh thận trọng hơn trong việc tiếp cận cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. “chúng tôi đang theo dõi những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến công chúng Mỹ một cách rộng rãi hơn,” báo cáo viết.