Khủng hoảng nhân khẩu học: Xu hướng YOLO của Hàn Quốc
- Đông Thần Vũ
- •
Khi Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn việc tỷ lệ sinh giảm mạnh, chính quyền Seoul hiện đang cố gắng thuyết phục nhiều người thuộc thế hệ YOLO (Bạn chỉ sống một lần) ở độ tuổi 20 và 30 rằng làm cha mẹ là một khoản đầu tư tốt hơn so với quần áo thời trang hoặc ăn uống tại nhà hàng sang trọng.
Ngày 27/8, Reuters đưa tin, sau nhiều năm áp dụng các biện pháp khuyến khích vẫn không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng dân số, Hàn Quốc tiếp tục tự phá kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2023.
Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, có kế hoạch thành lập một cơ quan chính phủ mới, nhằm giải quyết cụ thể thách thức của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Đối với ca sĩ Park Yeon, người sáng tạo nội dung thời trang 28 tuổi, các lựa chọn chi tiêu chủ yếu ảnh hưởng bởi sở thích thời trang và du lịch, khiến ngân sách dành cho hôn nhân và sinh con của cô ngày càng trở nên eo hẹp.
“Tôi theo đuổi chủ nghĩa YOLO (bạn chỉ sống một lần)”, cô Park nói tại một lễ hội thời trang tiết kiệm ở khu vực thời trang cao cấp Seongsu-dong của Seoul.
“Tôi không còn đủ tiền để tiết kiệm mỗi tháng sau khi làm những việc để tự thưởng cho bản thân. Có thể sẽ kết hôn vào một thời điểm nào đó nhưng hạnh phúc ngay hiện tại còn quan trọng hơn.”
Đối với Park Yeon, việc có con là một điều mà cô có thể cân nhắc nếu sự nghiệp của mình thành công.
“Hiện tại, tận hưởng cuộc sống và làm công việc mơ ước của mình là những ưu tiên hàng đầu của tôi”, cô cho biết.
Các nhà xã hội học cho biết, người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30, được coi là Thế hệ Y và Z, ưu tiên lối sống cá nhân, nghĩa là họ chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm trung bình ít hơn so với những người cùng lứa tuổi ở các quốc gia khác. Những hiện tượng này không có lợi cho tỷ lệ sinh của dân số nước này.
Về xu hướng YOLO trong giới trẻ Hàn Quốc, ông Jung Jae-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Phụ nữ Seoul, cho biết: “Họ đang săn lùng địa vị. Thói quen chi tiêu cao cho thấy, những người trẻ tuổi đang làm việc để tạo dựng biểu tượng thành công trực tuyến, thay vì tập trung vào các mục tiêu khác là ổn định cuộc sống và sinh con.”
Trong 3 năm qua, Hàn Quốc đã thất bại trong việc hạn chế chi tiêu tiêu dùng của giới trẻ, mặc dù nước này đã thực hiện tăng lãi suất đáng kể.
Dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy, trong quý đầu năm nay, tỷ lệ tiết kiệm của thanh niên ở độ tuổi 30 đã giảm từ 29,4% của 5 năm trước xuống còn 28,5%. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm của tất cả các nhóm tuổi khác đều tăng trong cùng thời kỳ.
Đồng thời, người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 là nhóm người tiêu dùng lớn nhất tại các cửa hàng bách hóa và khách sạn hàng đầu. Trong 3 năm qua, chi tiêu đi du lịch của họ đã tăng từ 33,3% lên 40,1%.
Theo dữ liệu của Hyundai Card, trong 3 năm qua tính đến tháng 5 năm nay, tỷ lệ tiền mà người tiêu dùng Hàn Quốc ở độ tuổi 20 chi tại các cửa hàng bách hóa cao cấp đã tăng gần gấp đôi, lên 12%. Ngược lại, tất cả các nhóm tuổi khác đều có tỷ trọng chi tiêu giảm.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, chỉ riêng năm ngoái, doanh thu tại các nhà hàng buffet đắt đỏ của Hàn Quốc đã tăng 30,3%. Doanh thu tại các nhà hàng thức ăn nhanh cũng tăng 10,5%. Doanh thu toàn ngành ăn uống Hàn Quốc tăng 9%.
Để so sánh, báo cáo của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho thấy, do áp lực chi phí sinh hoạt, trong quý 1 năm nay, chi tiêu của thanh niên từ 25 đến 29 tuổi ở Úc đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo nghiên cứu kinh tế của Morgan Stanley năm ngoái cho thấy, sở thích độc đáo của người Hàn Quốc đã đưa họ trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bình quân đầu người lớn nhất đối với các thương hiệu xa xỉ trên thế giới, và là điểm đến ưa thích của các thương hiệu xa xỉ lớn nhất.
Chanel, Celine và Dior đều đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhóm nhạc K-pop hướng đến giới trẻ như Blackpink và NewJeans, làm đại sứ thương hiệu toàn cầu của họ.
Tháng 5 năm nay, công ty nghiên cứu PMI Co.5 đã công bố một báo cáo khảo sát cho thấy, đến nay, khó khăn kinh tế là lý do lớn nhất khiến người Hàn Quốc không muốn sinh con. Khoảng 46% trong số 1.800 người được hỏi đổ lỗi cho sự không chắc chắn trong công việc, hoặc chi phí giáo dục cao khiến họ quyết định không sinh con.
Năm 2021, một cuộc khảo sát trên 17 quốc gia phát triển do Trung tâm nghiên cứu Pew ở Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, khi trả lời câu hỏi làm thế nào để cuộc sống trở nên có ý nghĩa, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất coi hạnh phúc vật chất là yếu tố hàng đầu. Ở các nước phát triển khác, gia đình hay sức khỏe là những yếu tố hàng đầu.
Từ khóa Hàn Quốc Giới trẻ Hàn Quốc YOLO