Tổng thống Volodymyr Zelenskyy phàn nàn rằng các vấn đề của Ukraine đã bị cuốn vào chính trị nội bộ của Mỹ và điều này gây nguy hiểm cho khả năng chống lại Nga của Ukraine. Ông Zelensky giải thích trên truyền hình quốc gia hôm thứ Bảy (6/4) rằng ở giai đoạn này, Ukraine sẽ đồng ý với bất kỳ hình thức hỗ trợ nào từ Washington, ngay cả dưới hình thức cho vay.

Zelensky 1
Tổng thống Zelensky lúc rời cuộc họp gây tranh cãi với các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại Điện Capitol vào ngày 21/9. (Nguồn ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ông Zelensky bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev vốn đang trong tình trạng lấp lửng trong nhiều tháng trị giá hàng chục tỷ USD.

Mô tả sự hỗ trợ được chờ đợi từ lâu là rất quan trọng, ông Zelensky cho biết ông tin rằng “Ukraine có thể nhận được một cuộc bỏ phiếu tích cực từ Quốc hội Hoa Kỳ”.

“Thật không may, chúng ta bị phụ thuộc vào thực tế đây là quá trình bầu cử… Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine nay đã trở thành một vấn đề chính trị nội bộ Hoa Kỳ,” ông Zelensky phàn nàn, đồng thời trách móc các nhà lập pháp Hoa Kỳ về điều mà ông gọi là “cách tiếp cận thiếu chín chắn” đối với xung đột và an ninh toàn cầu nói chung

Tổng thống Ukraine cũng ra dấu hiệu rằng Kiev sẽ chấp nhận hỗ trợ từ Mỹ dưới hình thức cho vay. “Mọi người biết đấy, một thượng nghị sĩ gần đây đã đến và hỏi: các bạn có đồng ý vay tiền không? Thẳng thắn mà nói: chúng tôi sẽ đồng ý với bất kỳ lựa chọn nào”, ông cho biết thêm rằng số phận của Ukraine đang ở thế bấp bênh.

Ông Zelensky đề cập đến Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người đã tới Kiev vào tháng trước để thúc đẩy ý tưởng cho vay do ông Donald Trump đưa ra lần đầu tiên. Vào thời điểm đó, ông Graham tuyên bố đã trực tiếp nói chuyện với ông Zelensky, “không phải là không công bằng khi Mỹ yêu cầu Ukraine hoặc các đồng minh: Trả tiền cho chúng tôi nhé, nếu các bạn có thể.”

Sau đó, Politico đưa tin rằng trong khi Ukraine sẵn sàng xem xét đề xuất này, một số quan chức Ukraine lại thấy nó “có phần xúc phạm”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nhiều tháng đã thúc giục Quốc hội phê duyệt gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối biện pháp này, yêu cầu nỗ lực nhiều hơn để tăng cường an ninh ở biên giới Mexico.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson hồi đầu tháng Tư đã ra tín hiệu rằng gói này có thể sớm được đưa ra biểu quyết với “một số đổi mới quan trọng”, bao gồm đề xuất gia hạn khoản vay cho Ukraine, cũng như tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga bị đóng băng và chuyển chúng cho Kiev. Nga đã mô tả việc này là “hành vi trộm cắp” và cảnh báo sẽ trả đũa nếu số tiền đóng băng bị tịch thu.

Thanh Tâm, theo RT