Tình hình COVID-19: Mỹ hoãn phê chuẩn vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 12/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,8 triệu ca mắc COVID-19 mới và 7.100 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 364.831.362 ca, trong đó có khoảng 5.378.320 người thiệt mạng.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (203.766 ca), Đức (151.871 ca) và Brazil (134.228 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (816 ca), Nga (729 ca) và Mỹ (617 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất với trên 79,2 triệu ca, trong đó trên 942.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,6 triệu ca mắc và trên 508.000 ca tử vong; Brazil với trên 27,4 triệu ca mắc và trên 638.000 ca tử vong.
Mỹ hoãn phê chuẩn vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi
Quyết định của Mỹ cấp phép sử dụng vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sẽ phải trì hoãn ít nhất 2 tháng sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố cần thêm các dữ liệu thử nghiệm để đưa ra khuyến nghị chính thức.
Trong tuyên bố ngày 11/2, FDA cho biết cơ quan này đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer/BioNTech đã gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép, tuy nhiên cơ quan này khẳng định cần thêm nhiều dữ liệu đánh giá hơn trước khi có quyết định.
Theo kế hoạch trước đó, FDA dự định trong tuần tới sẽ đưa ra ra khuyến nghị sử dụng loại vắc-xin trên cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi và Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2. FDA trước đó đã yêu cầu Pfizer đẩy nhanh quá trình xin cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ nhỏ này do biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhiễm mới, đặc biệt ở trẻ em.
Đầu tháng 2, Pfizer/BioNTech đã xúc tiến quy trình cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ theo yêu cầu của FDA. Tuy nhiên, hãng dược phẩm này không công khai dữ liệu đánh giá về hiệu quả của vắc-xin họ đối với nhóm đối tượng này.
Việc Pfizer/BioNTech đẩy nhanh việc xin cấp phép là khá bất ngờ bởi hồi tháng 12/2021, hai công ty dược phẩm này ra thông báo cho biết hiệu quả thử nghiệm không được như mong muốn và hãng sẽ điều chỉnh các cuộc thử nghiệm với mũi 3. Trong tuyên bố ngày 11/2, Pfizer/BioNTech cho biết đến đầu tháng 4, hãng mới có được dữ liệu đánh giá từ thử nghiệm mũi 3 này.
Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA trấn an các bậc phụ huynh về sự chậm trễ này, nhấn mạnh cơ quan này cần thêm thời gian để đưa ra quyết định vì muốn đảm bảo vắc-xin phải đạt mọi tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả khi được cấp phép sử dụng.
Na Uy dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19
Ngày 12/2, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo nước này hủy bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì đại dịch COVID-19 còn lại. Trước đó, quốc gia Bắc Âu này đã dỡ bỏ một số biện pháp kiềm chế dịch bệnh kể từ ngày 1/2 vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Jonas Gahr Stoere cho rằng đại dịch COVID-19 hiện không còn là mối đe dọa y tế lớn đối với Na Uy nữa vì nhiều thông tin đến nay cho thấy biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn và vắc-xin có hiệu quả bảo vệ trước dịch bệnh.
Quy định mới sẽ có hiệu lực từ 9h GMT ngày 12/2. Theo đó, người dân Na Uy không còn phải giữ khoảng cách ít nhất 1m nữa và cũng không cần đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người. Các câu lạc bộ ban đêm và cơ sở giải trí khác có thể nối lại hoạt động hết công suất. Hơn nữa, những người nhiễm virus cũng không phải thực hiện tự cách ly, thay vào đó họ được khuyến nghị ở nhà 4 ngày. Hành khách đến Na Uy không cần phải đăng ký trước và chính phủ nước này cũng loại bỏ quy định trước đó về việc phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với một số nhóm hành khách như những người chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, Na Uy vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế đối với quần đảo Svalbard ở Bắc cực. Theo đó, hành khách đến Svalbard, nơi dịch vụ y tế hạn chế, vẫn cần phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước và sau khi đến, trong khi những chuyến bay thuê bao quốc tế đến quần đảo này vẫn chưa được thực hiện.
Hồi tháng 12/2021, Na Uy đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.
Bỉ hạ mức cảnh báo phòng dịch
Ủy ban quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 (CODECO) đã nhóm họp dưới sự điều hành của Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo.
Căn cứ vào những chỉ số về dịch bệnh như số lượng bệnh nhân nhập viện, số ca điều trị tích cực, CODECO đã quyết định hạ mức cảnh báo dịch từ màu đỏ xuống màu cam. Theo đó, kể từ ngày 18/2, một số biện pháp nới lỏng sẽ được áp dụng: lĩnh vực nhà hàng sẽ không bị bắt buộc 6 người/bàn như trước cũng như quy định giờ đóng cửa. Việc đứng uống tại quầy bar cũng được cho phép. Vũ trường và quán bar đêm được phép hoạt động trở lại.
Căn cứ vào tình hình trong các trường học khi số lượng học sinh và giáo viên vắng mặt do mắc COVID-19 đã giảm rất nhiều, CODECO cho phép học sinh dưới 12 tuổi không phải đeo khẩu trang ở trường.
Liên quan đến người lao động, làm việc từ xa không bắt buộc nhưng vẫn được khuyến nghị. Các hoạt động thể thao trong nhà được phép đón tiếp từ 100-200 khán giả, trong khi các hoạt động ngoài trời không bị giới hạn về số lượng người tham gia cũng như công chúng tham dự. Các cửa hàng không bị giới hạn lượng khách vào mua sắm.
Tuy nhiên, Thủ tướng De Croo nhấn mạnh chứng chỉ xanh về COVID-19 (CST) sẽ vẫn được yêu cầu để được vào các nhà hàng, quán bar, tham dự các chương trình biểu diễn và sự kiện. Việc đeo khẩu trang sẽ vẫn là bắt buộc đối với nhân viên. Theo Bộ trưởng Y tế, Frank Vandenbroucke, CODECO sẽ xem xét vào tháng 3 liệu các biện pháp này có thể được dỡ bỏ hay không.
Theo giới chức Bỉ, virus coronas vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, mọi người luôn phải cảnh giác đối phó với những yếu tố mới. Các biện pháp phòng dịch vẫn phải được tuân thủ.
Bỉ nới lỏng các biện pháp nhằm chuẩn bị cho kỳ nghỉ carnaval hằng năm, sẽ bắt đầu từ cuối tháng này.
Đại dịch COVID-19 đã gây tử vong cho 30.000 người ở Bỉ kể từ khi bắt đầu bùng phát hai năm trước.
Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy
Ngày 12/2, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 54.941 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.294.205 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh biến thể Omicron của virus corona.
Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này cũng ghi nhận 33 người không qua khỏi vì dịch bệnh, đưa tổng số ca tử vong lên 7.045 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm mới có thể lên đến 170.000 ca/ngày vào cuối tháng này dù vẫn còn quá sớm để dự báo liệu đó có phải là đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hay không. Thậm chí, Viện Khoa học toán học quốc gia Hàn Quốc, còn cho rằng số ca mắc mới trong một ngày ở nước này có thể lên đến 360.000 ca vào đầu tháng 3 tới.
Trung Quốc phê duyệt có điều kiện đối với thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer
Giới chức y tế Trung Quốc ngày 12/2 cho biết nước này đã phê duyệt có điều kiện đối với Paxlovid, loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất, để điều trị cho các bệnh nhân là người trưởng thành mắc COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình, nhưng có nguy cơ trở nặng.
Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho biết giới chuyên gia vẫn đang triển khai thêm các nghiên cứu về loại thuốc này, trước khi Paxlovid có thể được phê duyệt hoàn toàn.
Paxlovid đã được cấp phép sử dụng tại một số quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ và Israel, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép các quốc gia thành viên sử dụng Paxlovid ngay cả trước khi loại thuốc này chính thức được phê duyệt là một trong những phương pháp điều trị khẩn cấp trước sự lây lan của biến thể Omicron.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Bản tin COVID-19 COVID_19