Tình hình COVID-19: Nga đứng đầu về số ca tử vong mới; Việt Nam có số ca mắc mới cao thứ 3
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,54 triệu ca mắc COVID-19 mới và 4.267 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 415.425.116 ca, trong đó có khoảng 5.581.702 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 407.017 ca; Đức đứng thứ 2 với 284.050 ca; tiếp theo là Việt Nam (163.174 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 524 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ 506 ca và Hàn Quốc với 301 ca.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.374.595 người, trong đó có 996.697 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.005.914 ca nhiễm, bao gồm 516.381 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 29.573.112 ca bệnh và 656.798 ca tử vong.
WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Margaret Harris, tuyên bố đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, viện dẫn số ca mắc mới COVID-19 tăng trong dữ liệu thống kê hàng tuần mới nhất. Phát biểu ngày 18/3 tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, bà Harris khẳng định đại dịch “vẫn chưa kết thúc”, đồng thời cho rằng thế giới “chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch”.
Trước đó, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho rằng “giai đoạn cấp tính” của đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm 2022, song điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt mục tiêu bao phủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho 70% dân số của mỗi nước.
WHO cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới số ca mắc mới trên thế giới gia tăng, trong đó có sự lây lan của biến thể Omicron và dòng phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội và y tế.
Hàn Quốc nới lỏng giãn cách dù ca nhiễm đứng đầu thế giới
Ngày 18/3, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần tới, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp đặt ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các tiểu thương.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết hướng dẫn về giãn cách xã hội mới được điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/3 đến 3/4, đồng thời dự báo dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới. Bộ này khẳng định sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã làm giảm hiệu quả của chiến lược giãn cách xã hội, lưu ý việc điều chỉnh một phần các biện pháp phòng dịch giúp giảm bớt khó khăn cho việc kinh doanh của các tiểu thương và sự bất tiện của người dân.
Hàn Quốc đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 18/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 407.017 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 8.657.609 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 301 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 11.782 người, tỷ lệ tử vong là 0,14%. Trước đó một ngày, Hàn Quốc đã báo cáo số ca mắc mới kỷ lục 621.328 ca.
Brazil: Bang đông dân nhất cho phép bỏ khẩu trang trong không gian kín
Ngày 17/3, chính quyền Sao Paulo – bang đông dân và giàu có nhất Brazil, đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín như trường học, phòng tập thể dục và các cửa hàng. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona khi tham gia giao thông công cộng, cũng như khi đến bệnh viện hay các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác.
Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria cho biết quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức. Theo ông, sở dĩ Sao Paulo có thể đạt được bước tiến trên là nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, số ca nhập viện và tử vong do virus corona đã giảm nhanh chóng. Chính quyền bang cũng đã tham vấn Ủy ban Khoa học nhà nước về quyết định trên.
Sao Paulo, với khoảng 46 triệu dân, là bang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tại Brazil, với 5,1 triệu ca mắc, trong đó có 166.446 trường hợp tử vong.
Phan Anh (tổng hợp)
Từ khóa COVID-19 Bản tin COVID-19