Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã giới thiệu một dự luật nhằm ngăn chặn chính quyền cộng sản Trung Quốc giành được ảnh hưởng ở Ukraine dưới chiêu bài tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.

TNS Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio phát biểu trên sân khấu trong ngày thứ hai của Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa tại Fiserv Forum, Milwaukee, Wisconsin hôm 16 tháng 7 năm 2024. (Nguồn ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Trong một thông báo giới thiệu dự luật hôm 31/7, TNS Rubio cảnh báo: “Sẽ là hành vi sai lầm nếu cho phép kẻ thù lớn nhất của chúng ta tham gia vào các nỗ lực tái thiết Ukraine theo bất kỳ cách nào. Việc trở thành nạn nhân trong âm mưu lợi dụng người khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải chịu ơn Bắc Kinh. Cả Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của chúng ta phải chống lại mối đe dọa này.”

Nếu dự luật này được ký thành luật, ngoại trưởng Mỹ sẽ được yêu cầu đàm phán với chính phủ Ukraine để thiết lập một cơ chế xem xét đầu tư vào Ukraine, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Dự luật cũng thiết lập một điều khoản hỗ trợ để giúp Ukraine thực hiện cơ chế đầu tư này, chẳng hạn như cung cấp cho Ukraine chương trình đào tạo, thiết bị và tư vấn từ Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã tích cực giúp đỡ Moscow kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Sự hỗ trợ này bao gồm cung cấp các bộ phận và công nghệ quan trọng hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tăng cường mua năng lượng của Nga, cung cấp huyết mạch kinh tế cho Moscow trong bối cảnh Nga đang chịu các lệnh trừng phạt toàn cầu.

Một điểm trong kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc chiến Nga-Ukraine do ĐCSTQ đề xuất là “thúc đẩy tái thiết sau xung đột”. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ và tham gia vào nỗ lực tái thiết này.

Đầu năm nay, hai năm sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine bùng nổ, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu, và Liên Hợp Quốc đã ước tính rằng tổng chi phí cho các nỗ lực tái thiết và phục hồi của Ukraine sẽ là 486 tỷ đô la trong 10 năm tới.

Trong cùng ngày, TNS Rubio đã giới thiệu một gói gồm ba dự luật. Đầu tiên là dự luật “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”, một phiên bản của Thượng viện đồng hành với dự luật đã được Hạ viện thông qua, nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm đối với nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Thứ hai là dự luật “Đạo luật Ngăn chặn ĐCSTQ”, nhằm trừng phạt các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân của họ vì “hành vi gây hấn, đàn áp, và vi phạm nhân quyền”. Cuối cùng là dự luật cấm tài trợ tiền của người nộp thuế Mỹ cho vị trí “Báo cáo viên đặc biệt về các biện pháp cưỡng ép đơn phương đối với việc hưởng thụ nhân quyền” của Liên Hợp Quốc.

Một thông báo của văn phòng TNS Rubio giải thích: “Vai trò hiện tại này [báo cáo viên đặc biệt] đã được sử dụng để vận động cho việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, bất chấp các biện pháp trừng phạt này được áp dụng là do [Trung Quốc] vi phạm nhân quyền.

Các thượng nghị sĩ nêu lên mối quan ngại

Năm ngoái, TNS Rubio cùng với các đồng nghiệp của mình trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã gửi một lá thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để bày tỏ mối quan ngại khi chính quyền Biden hoan nghênh sự tham gia của ĐCSTQ vào các nỗ lực ngoại giao nhằm hòa giải cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Vào thời điểm đó, các thượng nghị sĩ này đã cảnh báo: “Vai trò của Trung Quốc ở Ukraine sẽ làm suy yếu đáng kể lợi ích của Hoa Kỳ, tương lai của Ukraine ở châu Âu, và an ninh chung của châu Âu đồng thời sẽ dọn đường cho sự tham gia đáng kể của Trung Quốc vào việc tái thiết Ukraine.

Các thượng nghị sĩ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng việc cho phép ĐCSTQ đóng vai trò trong giải pháp ngoại giao ở Ukraine sẽ tạo tiền lệ cho sự tham gia của ĐCSTQ vào các vấn đề an ninh của châu Âu trong tương lai, có khả năng làm suy yếu lợi ích an ninh mà Washington và các đồng minh đã xây dựng trong nhiều thập kỷ. Động thái này cũng giúp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tự khẳng định mình là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm đối với các quốc gia châu Âu và đối với các nước có quan điểm trung lập về những nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Họ cũng cảnh báo rằng ĐCSTQ đã xem Ukraine là một nguồn cung công nghệ và chuyên môn quân sự quan trọng bởi vì Kyiv “thừa hưởng khoảng 1/3  cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên Xô và 15% các cơ sở nghiên cứu và phát triển quân sự của Liên Xô” sau khi Liên Xô sụp đổ. Vì vậy, nếu được phép tham gia vào giải pháp hòa bình ngoại giao của Ukraine, Trung Quốc sẽ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược này.

Ngoài ra, bức thư của các thượng nghị sĩ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện còn nêu lên mối quan ngại rằng ảnh hưởng đáng kể của ĐCSTQ “trong thời hậu chiến ở Ukraine cũng sẽ cung cấp cho họ những cơ hội tuyệt vời để thu thập thông tin tình báo về năng lực quân sự của Ukraine và năng lực quân sự do nước ngoài cung cấp, cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Ukraine. Những rủi ro này rất nghiêm trọng.

Sau đó, các thượng nghị sĩ kêu gọi chính phủ liên bang “từ bỏ quan điểm cho rằng động thái này có thể gây chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh”. Họ kêu gọi Washington, cùng với các đối tác ở châu Âu và ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,  lên kế hoạch trước cho việc tái thiết Ukraine để ngăn chặn ĐCSTQ theo đuổi các lợi ích đơn phương của mình.

Hôm 30/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kyiv không muốn Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải.

Phát biểu với các phóng viên tại phòng tập thể dục của một trường học ở thị trấn Rivne nằm ở phía tây của Ukraine, Tổng thống Zelensky lưu ý: “Nếu Trung Quốc muốn, họ có thể buộc Nga ngừng cuộc chiến này.”

Ông tiếp tục: “Tôi muốn họ gây áp lực lên Nga để chấm dứt cuộc chiến này.”

Ông giải thích: “Giống như Hoa Kỳ đang gây áp lực, giống như Liên minh châu Âu đang gây áp lực. Một quốc gia càng có nhiều ảnh hưởng, thì áp lực của họ lên Nga sẽ càng lớn.”