‘Tôi là một người da đen trẻ tuổi và tôi ủng hộ Donald Trump’
- ĐỨC TRÍ
- •
Khi 14 tuổi bạn có thể làm gì? Ngoài ăn ngủ chơi như bạn bè đồng trang lứa, cậu bé CJ Pearson, 14 tuổi, còn thu hút được nhiều sự chú ý của công luận khi cất tiếng nói và hành động trong nỗ lực định hình tương lai cho thế hệ của cậu và người Mỹ nói chung.
Dưới đây là bản dịch bài viết của Pearson được báo Time đăng lại, trong đó cậu bé da đen giải thích lý do tại sao cậu chọn ủng hộ ứng viên Donald Trump, một người thường bị đối thủ chỉ trích là ‘phân biệt chủng tộc’:
“Tương lai và sự ổn định của nước Mỹ quan trọng hơn nhiều cái tôi cá nhân và đảng phái”
Trong vòng 15 tháng qua, tôi đã lần lượt thay đổi ủng hộ dành cho 4 ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ là Rand Paul, Ted Cruz, Bernie Sanders và bây giờ là doanh nhân, tỷ phú, đề cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump. Là một thiếu niên 14 tuổi, tôi có lẽ sẽ không đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng tôi hết sức quan tâm tới kết quả của cuộc bầu cử này.
Một số người chế giễu việc tôi ủng hộ nhiều ứng viên với nhiều tư tưởng chính trị khác nhau. Trong một bài blog cá nhân tháng 12 năm ngoái, người dẫn một kênh radio theo phe bảo thủ Erick Erickson đã phê phán rằng tôi đang cố gắng thu hút sự chú ý một cách thảm hại. Ông ta nghi ngờ khả năng hiểu biết của tôi và khuyên tôi nên “ngậm miệng lại và sống cho tốt đi”. Phản ứng như thế này cho thấy rõ một điều: rất nhiều người thuộc lớp “bảo thủ” không có một tý ty hiểu biết gì về triết lý chính trị của thế hệ chúng tôi.
Tôi tin rằng tương lai của nước Mỹ là một vấn đề chính trị cao hơn đảng phái. Tôi cũng hy vọng trong 10 đến 20 năm tới, vấn đề tranh cãi đảng phái liên miên sẽ trở thành một ký ức xa xôi.
Cuộc chuyển biến đã bắt đầu. Theo một nghiên cứu năm 2014 của tổ chức Pew Research, 50% những người thế hệ trẻ Millenials nhận định họ là những người độc lập (không đảng phái) chính trị. Trong khi đó hồi năm 2004, con số này chỉ là 38%. Rất nhiều người trong thế hệ của tôi đơn giản là ủng hộ cá nhân – bất chấp đảng phái chính trị của ông/bà ấy là gì – người mà chúng tôi tin tưởng vào khả năng và năng lực lãnh đạo.
Tương lai và sự ổn định của nước Mỹ quan trọng hơn nhiều cái tôi cá nhân và đảng phái.
Đây là lý do tôi quyết định ủng hộ ông Trump, và tôi chân thành tin tưởng rằng số đông người trẻ cũng sẽ nhanh chóng gia nhập cùng tôi.
Sự độc lập ăn sâu vào trái tim và linh hồn của thế hệ người Mỹ trẻ tuổi là nền tảng giải thích tại sao vị tỷ phú này lại thu hút chúng tôi như vậy. Vấn đề của chúng tôi – thanh thiếu niên Hoa Kỳ – lớn hơn nhiều sự chú ý vào ứng dụng Snapchat và những biểu tượng cảm xúc emoji. Đây là một sự thật không thể phủ nhận mà bà Hillary Clinton có vẻ không hiểu được. Trong những tuần kế tiếp, khi ông Trump công bố chi tiết đề xuất chính sách để giải quyết những vấn đề đang ăn mòn thế hệ trẻ Hoa Kỳ, thì có lẽ bà Clinton vẫn loanh quanh làm những việc mà ba ta giỏi nhất – lợi dụng cho tới khi mặt bà ta chuyển sang màu xanh.
Khi mà 8 năm qua nghe có vẻ xa xôi đối với một số người, thì những vết thương – tràn đầy thất vọng và đau đớn – gây ra bởi chính sách của Tổng thống Obama vẫn chưa khép miệng.
Là một người Mỹ da đen trẻ tuổi, tôi đã chứng kiến cộng đồng của mình trượt dốc và khốn khổ như thế nào do tác động tai hoạ của nghị trình chính trị mà ông Obama thực hiện. Tôi vì thế không cho phép khả năng xảy ra một nhiệm kỳ tổng thống Clinton để kéo dài thêm sự đau khổ này. 8 năm sau những lời hứa hẹn tràn trề về hy vọng và đổi thay, 2 trong 5 đứa trẻ Mỹ da đen sống trong nghèo khổ. So với người Mỹ da trắng, người Mỹ gốc Phi ít có khả năng sở hữu được một ngôi nhà và nhiều khả năng thất nghiệp hơn.
Chính sách của chính quyền Obama gần như không làm được gì để giúp những người dân da màu, vậy mà bà Clinton chưa bao giờ ngần ngại ủng hộ những chính sách này trong mỗi lần ra mặt. Trong một bài phát biểu gần đây tại thành phố Detroit, ông Trump đã thẳng thắn nói: “Nếu mục tiêu của Hillary Clinton là gây ra đau thương cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi thì bà ta không thể nào làm công việc này tốt hơn được nữa”.
Thông điệp của ông Trump trước người Mỹ da màu rất đơn giản: “Các bạn còn gì để mất?”.
Trong con mắt lạc quan của một người còn ít tuổi như tôi, sau 8 năm dưới chính quyền Obama, chúng tôi chẳng còn mấy để mất. Tương lai không thể tồi tệ hơn hiện tại này, và chỉ có một mục tiêu: làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại cho tất cả người Mỹ.
Đức Trí
Từ khóa bầu cử tổng thống Mỹ Donald Trump Barack Obama