TQ triệu hồi Đại sứ tại Litva: Mỹ và EU ủng hộ Litva
Mới đây, Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã triệu hồi đại sứ của họ tại Litva để phản đối việc Litva và Đài Loan thành lập văn phòng đại diện của nhau. Sau đó Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bày tỏ ủng hộ Litva. Các chính trị gia Litva cũng đã phản ứng. Tại Đài Loan, Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền đã kêu gọi đồng lòng ủng hộ Litva, không cúi đầu trước thái độ bắt nạt của ĐCSTQ.
Vào tháng Bảy, Đài Loan tuyên bố thành lập văn phòng đại diện tại Litva với tên gọi “Đài Loan”, động thái này đã khiến ĐCSTQ tức giận. Để trả đũa, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ quyết định triệu hồi Đại sứ tại Litva vào ngày 10/8 và yêu cầu Chính phủ Litva cũng triệu hồi Đại sứ tại Trung Quốc về nước.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Litva đã ra tuyên bố bày tỏ cảm thấy đáng tiếc, đồng thời nhắc lại Litva quyết tâm theo đuổi mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Đài Loan, giống như với EU và nhiều nước trên thế giới.
Ngày 10/8 Tổng thống Gitanas Nausėda của Litva nói với tờ Tin tức Baltic (BNS) rằng mối quan hệ giữa Litva và Trung Quốc nên dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau”, nếu không cuộc đối thoại sẽ trở thành thông điệp đơn phương xuyên suốt, đây là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế. Ông Nauseda nhấn mạnh, với tư cách là quốc gia có chủ quyền và độc lập, “Litva dựa trên cở sở không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, có thể tự quyết định phát triển quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa với bất cứ quốc gia hoặc khu vực nào”.
Dân biểu Litva kiêm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Đài Loan là Matas Maldeikis cũng thẳng thắn chỉ ra những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc luôn triệu hồi các đại sứ ở nước ngoài bất cứ khi nào họ khó chịu, nhưng họ thường lặng lẽ trở lại sau khoảng nửa năm, lần nào cũng như vậy. Ông cũng chia sẻ cảm kích về áp lực của Trung Quốc đối với Litva, điều này khiến Litva nhận thức rõ ràng hơn về những quốc gia nào nên hợp tác. Ông nhận định: “Một hệ thống kinh tế dân chủ và hùng mạnh như Đài Loan là rất tốt cho tương lai của chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao”.
Cùng ngày, Mỹ và EU cũng bày tỏ ủng hộ đối với Litva.
Người phát ngôn EU đã đưa ra một tuyên bố “cảm thấy đáng tiếc” về hành động của Trung Quốc, sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Người phát ngôn nói rằng quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Litva, một thành viên của EU, chắc chắn đã ảnh hưởng đến mối quan hệ chung giữa EU và Trung Quốc.
Người phát ngôn EU cũng nêu rõ, EU cũng có Văn phòng Kinh tế và Thương mại châu Âu tại Đài Bắc, EU không cho rằng việc mở văn phòng đại diện tại Đài Loan hay việc Đài Loan mở văn phòng đại diện tại các nước EU là vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm đó: “Chúng tôi sát cánh với đồng minh NATO là Litva và lên án hành động trả đũa gần đây của Trung Quốc… Tất cả các quốc gia có thể tự xác định đường lối của chính sách ‘một Trung Quốc’, không thể bị ép buộc từ bên ngoài, Mỹ cũng đang làm vậy”.
Tại Đài Loan, các quan chức cũng bày tỏ ủng hộ Litva.
Hãng thông tấn Trung ương (CNA) đưa tin, người phát ngôn Hsieh Pei-fen của DPP hôm 11/9 cho biết, DPP hoàn toàn ủng hộ Litva, quốc gia có chung quan niệm về tự do và dân chủ với Đài Loan, và sẽ không bao giờ cúi đầu trước sự bắt nạt của ĐCSTQ. Bà Hsieh Pei-fen nói rằng Đài Loan là một quốc gia dân chủ, DPP hy vọng đông đảo các giới tại Đài Loan đều ủng hộ Litva, hy vọng đảng đối lập lớn nhất là Quốc dân đảng cũng có thể công khai khẳng định bước đột phá ngoại giao của Đài Loan và Litva, bày tỏ rõ ràng với Bắc Kinh rằng kiểu bắt nạt của Trung Quốc trong việc cố gắng bịt miệng các nền dân chủ sẽ chỉ gây phản tác dụng. Khi những người bạn ủng hộ Đài Loan trên trường quốc tế bị Trung Quốc đe dọa, bất kể đảng phái nào của Đài Loan cũng nên thể hiện quyết tâm hỗ trợ.
Nhà lập pháp Đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party) là Jang Chyi-lu cho biết, ngoài lần này thì trong quá khứ cũng đã nhiều lần Chính phủ Trung Quốc triệu hồi đại sứ vì vấn đề Đài Loan. “Theo logic này, phải chăng nếu các nước trên thế giới đều có quan hệ thân thiện với Đài Loan thì Chính phủ Trung Quốc sẽ triệu hồi các đại sứ của họ trên khắp thế giới?”. Ông Jang Chyi-lu tin rằng Đài Loan sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ, điều quan trọng nhất là Đài Loan luôn đóng vai trò là “mặt trời nhỏ ấm áp trên quốc tế”, hỗ trợ tất cả các nước trong chính trị, kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Với những đóng góp quốc tế của mình, Đài Loan sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận và ghi nhận. Nhà lập pháp này kêu gọi Trung Quốc học hỏi từ Đài Loan, chỉ bằng cách tương tác với cộng đồng quốc tế và người dân Đài Loan một cách “tử tế và nồng hậu” thì mới có thể tạo hòa hợp quốc tế và duy trì hòa bình xuyên eo biển một cách hiệu quả.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan là Joanne Ou cũng nói rằng Litva là người bạn thân thiện với các giá trị tương tự Đài Loan, ý chí kiên định của Litva trong bảo vệ tự tôn và tự do là đáng ngưỡng mộ, hy vọng qua nỗ lực chung của hai bên sẽ củng cố tình hữu nghị giữa hai nước để đóng góp cho hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, để sức mạnh tích cực của lương thiện không ngừng lan tỏa.
Trên Twitter, đại diện của Đài Loan trú tại Mỹ là bà Hsiao Bi-khim đã phản bác lại ông Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thuộc ĐCSTQ rằng: “Đất nước nhỏ bé kiêu hãnh (Litva) này là một đất nước yêu tự do, họ chỉ làm những gì các nước EU khác đã làm: mở văn phòng tại Đài Loan”; “Đúng vậy, một quốc gia nhỏ mà can đảm và có nguyên tắc thì luôn được tôn trọng hơn bất cứ gã khổng lồ ác bá nào”.
Minh Tư, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan Litva Dòng sự kiện Đại sứ Trung Quốc