Triều Tiên lại thử tên lửa, chỉ trích Mỹ về các hành động “thù địch”
- Xuân Lan
- •
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Sáu (30/9) rằng Bình Nhưỡng đã bắn một tên lửa phòng không mới được phát triển. Đây là vụ phóng mới nhất trong loạt vụ thử vũ khí gần đây của Triều Tiên, khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ vẫn đang bế tắc.
Đây là vụ thử vũ khí được công bố thứ hai của Triều Tiên trong tuần này sau khi phóng một tên lửa siêu thanh hôm thứ Ba. Nước này cũng đã bắn tên lửa đạn đạo và một tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân trong những tuần gần đây.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy Triều Tiên đã và đang phát triển đều đặn các loại vũ khí ngày càng tinh vi, dấy lên quan ngại ngày càng lớn về việc nước này sẽ từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, đơn vị chuyên phát triển vũ khí quân sự, cho biết cuộc thử nghiệm nhằm xác nhận chức năng thực tế của bệ phóng tên lửa, radar, phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện và hiệu suất chiến đấu, theo hãng thông tấn KCNA.
Học viện cho biết thêm rằng tên lửa có các công nghệ quan trọng mới như điều khiển bánh lái đôi và động cơ bay xung lực kép.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như đã không tham dự cuộc thử nghiệm, thay vào đó là sự giám sát của Pak Jong Chon, một thành viên của Bộ chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân cầm quyền.
“Hiệu suất chiến đấu đáng nể của tên lửa phòng không kiểu mới với các tính năng phản ứng nhanh và độ chính xác dẫn đường của hệ thống điều khiển tên lửa cũng như khoảng cách bắn hạ các mục tiêu trên không đã được kiểm chứng đáng kể”, KCNA dẫn nguồn từ học viện.
Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng lập luận rằng các cuộc thử nghiệm vũ khí của họ nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ giống như những quốc gia khác vẫn làm, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ và Hàn Quốc có “tiêu chuẩn kép” và “chính sách thù địch” đối với nước này.
Hôm thứ Tư, ông Kim cho biết ông không có lý do gì để tấn công Hàn Quốc và sẵn sàng mở lại đường dây nóng liên Triều đã bị cắt vào tháng tới.
Tuy vậy, Kim đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden, nói rằng các mối đe dọa quân sự của Hoa Kỳ vẫn “hoàn toàn không thay đổi” và Mỹ đang sử dụng “những cách thức và phương pháp xảo quyệt hơn” đối với Triều Tiên trong khi bề ngoài là đề xuất đối thoại.
Chính quyền Biden cho biết họ không có ý định thù địch với Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị đàm phán để phá vỡ sự bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa.
Hôm thứ Năm, Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên, cho biết họ hy vọng việc khôi phục đường dây nóng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Mỹ nên tránh lặp lại những khẩu hiệu sáo rỗng mà nên thể hiện sự chân thành của mình bằng cách trình bày một kế hoạch khả thi và thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với các biện pháp trừng phạt liên quan.”
Tổng thống Joe Biden đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước rằng chính quyền của ông sẽ tìm kiếm “ngoại giao nghiêm túc và bền vững” để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên lịch họp kín khẩn cấp vào thứ Năm theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Anh và Pháp về các cuộc thử nghiệm gần đây của Triều Tiên.
Việc Triều Tiên tiếp cận Seoul diễn ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đang mong muốn có tiến triển trong chính sách xoa dịu Triều Tiên trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 5 tới, đề xuất một tuyên bố hòa bình mang tính biểu tượng trong bài phát biểu của ông ở Liên Hợp Quốc vào tuần trước.
Kwak Gil Sup, người đứng đầu One Korea Center, một trang web chuyên về các vấn đề Triều Tiên, viết trên Facebook: “Kim Jong Un có thể sẽ tiếp tục sử dụng Hàn Quốc để lèo lái chính quyền Biden theo hướng có lợi cho mình. Ông ta sẽ thực hiện nhiều nỗ lực thẳng thừng hơn để tách Hàn Quốc và Mỹ ra xa nhau. Đó là một chiến lược hết sức tinh vi nhằm tận dụng tốt nhất sự thiếu kiên nhẫn của chính phủ [Moon] trong việc đạt được sự tiến bộ trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong những tháng cuối tại nhiệm.”
Trong khi đó, em gái của Kim đã được bầu làm thành viên của Ủy ban Các vấn đề Nhà nước trong phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao vào tuần này, KCNA đưa tin.
Việc bổ nhiệm Kim Yo Jong, người hiện đã là quan chức cấp cao của đảng cầm quyền phụ trách các mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Seoul, là một dấu hiệu khác mà ông Kim đang củng cố quyền lực của gia đình mình trước những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng do đại dịch và các lệnh trừng phạt.
Trong bài phát biểu tại quốc hội hôm thứ Tư, Kim cho biết việc khôi phục vào đầu tháng 10 đường dây nóng xuyên biên giới sẽ hiện thực hóa mong muốn của người dân Hàn Quốc về một hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.
Ông Kim cũng lặp lại lời kêu gọi của em gái Kim Yo Jong yêu cầu Seoul từ bỏ “thái độ hai mặt” và “quan điểm thù địch” về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và các diễn biến khác.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Triều Tiên thử tên lửa liên lạc giữa hai miền Triều Tiên