Trump bị chỉ trích vì muốn thu hẹp chính phủ, nhưng nên biết Bill Clinton cũng làm điều tương tự
- Đăng Tâm
- •
Tổng thống Trump đang phải đối mặt với sức ép lớn từ báo chí và những người chỉ trích về kế hoạch cắt giảm ngân sách và thu hẹp bộ máy hành chính liên bang. Vấn đề là ở chỗ, những gì ông Trump muốn làm thực sự giống với chiến lược mà Tổng thống Bill Clinton theo đuổi trong những năm 1990. Khi đó những nỗ lực thu gọn chính phủ của Clinton lại nhận được khen ngợi.
Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng trong thông điệp liên bang: “Thời kỳ của những chính phủ kềnh càng đã chấm dứt”.
Một báo cáo chỉ ra rằng, kể từ năm đó về sau, Phó Tổng thống Al Gore đã thực hiện đóng cửa 2.000 văn phòng liên bang, cũng như 200 chương trình và cơ quan trong chính phủ, cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm công việc hành chính công.
Tua nhanh đến hiện tại, tức là sau đó 2 thập kỷ. Vào cuối tuần này, kế hoạch ngân sách của Trump sẽ được trình bày trước Quốc hội. Một bản kế hoạch đang được mô tả là gây sóng gió như “một trận quyết đấu cuối cùng tại DC”.
Tờ Washington Post dự đoán kế hoạch ngân sách của Trump sẽ làm “rung động tới vấn đề cốt lõi của chính phủ liên bang.”
Trong khi đó, một bài xã luận trên tạp chí Star Tribune thì lại nêu quan ngại của những người bảo thủ rằng kế hoạch ngân sách kể trên sẽ không cắt giảm các khoản phúc lợi (tác nhân lớn nhất gây ra các khoản nợ công) và cảnh báo việc ông Trump giảm viện trợ nước ngoài sẽ “tước mất của Bộ ngoại giao đòn bẩy lợi hại nhất và gây ra bất ổn lớn hơn trên thế giới.”
Và tất nhiên, công đoàn viên chức liên bang thì than trời về kế hoạch của Tổng thống, mặc dù họ mới chỉ đọc được các dự đoán trên báo chí.
David Cox, Chủ tịch Liên đoàn viên chức Liên bang Mỹ nói: “Nhiều cơ quan liên bang đang trong tầm ngắm phải cắt giảm ngân sách, nhưng thực tế họ đã bị cắt giảm đến tận xương do các chính sách thắt chặt trong thập kỷ này gây ra.”
CNN thì mô tả một cách hình tượng, về mặt kỹ thuật, ông Trump cũng đang tìm cách rút bớt dần dần quy mô chính phủ liên bang “từng đồng một”.
CNN nhận định thêm: “Việc tước bỏ quyền lực của chính phủ đến từ ác ảm sâu sắc của Nhà Trắng dưới thời Trump đối với các thể chế và cơ sở chính trị truyền thống”.
Trong khi giới chức chính quyền nói số liệu chi tiêu ngân sách vẫn bình thường, tờ Post lại thông tin rằng các chuyên gia tư vấn cân nhắc cắt giảm 6 tỷ đô la ngân sách dành cho Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị, giảm 20% nhân sự của Cục bảo vệ môi trường và cắt 18% ngân sách chi tiêu của Bộ Thương mại.
Những kỳ vọng về việc cắt giảm lớn là xác tín. Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng, Steve Bannon đã mô tả mục tiêu của họ là “tái cấu trúc hành chính công.”
Tuy nhiên, những dự đoán chính sách đi cùng với mục tiêu cải tổ chính phủ nêu trên lại giống đến mức đáng ngạc nhiên đối với những gì chính quyền Clinton từng mong đạt được bằng việc thỏa thuận với phe đối lập.
Trong đoạn mở đầu của bản báo cáo năm 1996 đăng trên tạp chí National Government Review, ứng viên tổng thống tương lai của Đảng Dân Chủ, Al Gore đã ca ngợi rằng: “Chính quyền Clinton – Gore đã khiến các cơ quan liên bang cắt giảm được gần một phần tư triệu việc làm.”
“Đây là sự cắt giảm chính phủ trên quy mô lớn nhất, nhanh chóng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó không đơn thuần chỉ là sự giảm bớt thời hậu chiến tranh lạnh; mọi ban ngành trừ Tòa án đều thu nhỏ lại.” Gore viết.
Ở những dòng kế tiếp, người ta thấy giọng văn của ông Gore giống một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa với đường lối bảo thủ, hơn là một Phó Tổng thống thuộc đảng Dân chủ:
“Tổng thống Clinton và tôi thực sự tự hào về việc đã làm cho chính phủ vận hành tốt hơn khi quy mô thì giảm xuống. Tất nhiên nó hoạt động chưa đủ tốt, quy mô cũng chưa đủ nhỏ, nhưng chúng tôi tin chắc rằng mọi thứ đã đi đúng hướng.”
Nếu có gì khác biệt với Trump, thì chính là ở chỗ chính quyền Clinon vung tay chi tiêu mạnh hơn mà thôi.
Về vấn đề giảm chi, chính quyền Trump cũng chủ trương các khoản chi tiêu không tùy tiện, bao gồm cả các khoản phúc lợi, sẽ không bị ảnh hưởng. Điều này cũng là khác so với những gì chính quyền Clinton đã triển khai.
Lúc đó, chính quyền Clinton đã lập được một thỏa thuận ngân sách với Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich 1997. Nội dung thỏa thuận là đã cắt giảm (hay đúng hơn là giảm tốc độ gia tăng) các khoản chi tiêu không trọng yếu đi 138 tỷ đô la trong khoảng thời gian 5 năm. Đồng thời cũng giảm chi 115 tỷ đô la chăm sóc y tế và 14 tỷ đô la trợ cấp y tế và cắt 40 tỷ đô la các khoản chi thường xuyên khác.
Ngoài ra, một khác biệt nữa là chính quyền Clinton cắt giảm đáng kể chi tiêu quân sự, trong khi đó chính quyền ông Trump đang đẩy mạnh chi tiêu quân sự tăng thêm 54 tỷ đô la.
Đăng Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump cải cách hành chính Bill Clinton