Trung Quốc điều động máy bay do thám tối tân KJ-500 tới Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Tờ Defense News (Mỹ) hôm thứ Sáu 12/5, qua các ảnh vệ tinh, cho biết Trung Quốc vừa cho triển khai máy bay điều khiển và cảnh báo sớm không phận thế hệ mới nhất tới Biển Đông.
Biển Đông được nhận định là vùng biển gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới. Cả Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đang tranh giành ảnh hưởng trên vùng biển chiến lược quan trọng này. Giờ đây, Trung Quốc đang tiến hành các bước tiếp theo để gia tăng sự hiện diện của mình bằng việc triển khai máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát không lưu tại căn cứ không quân Gia Lại Thạch (Jialaishi), trên đảo Hải Nam – hòn đảo cực Nam của Trung Quốc, hướng ra Biển Đông. Động thái mới nhất này của Bắc Kinh khiến cho các nước nhỏ trong khu vực vốn đã luôn quan ngại Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ của họ, càng thêm lo lắng hơn.
Hơn thế nữa, ở thời điểm hiện tại lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông đang có thay đổi lớn so với các tuyên bố trước đó, chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump đang sít lại gần hơn với Trung Quốc vì lúc này Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và ngày càng hiếu chiến hơn.
Các bức ảnh vệ tinh chụp hôm 24/3 mà Defense News có được qua thiết bị Digital Globe cho thấy trên căn cứ Jialaishi có xuất hiện một vài chiếc KJ-500 và một máy bay KJ-200; có cả những máy bay giống Y-8J hoặc Y-8X. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay KJ-500 tại đảo Hải Nam.
KJ-500 là loại máy bay do thám được trang bị “một đĩa radar lưng gắn trên một cụm radar pha-mảng ba mảng cố định chênh góc 120 độ với nhau để có thể quét sóng tất cả các hướng“.
Theo Defense News, những dấu hiệu từ vệ tinh cho thấy những chiếc máy bay này có thể sẽ đồn trú lâu dài tại đảo Hải Nam chứ không chỉ là hoạt động triển khai tạm thời.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tin tức về các máy bay do thám quân sự của mình. Năm 2015, các hình ảnh mới nhất về máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát không lưu KJ-500 của Trung Quốc cũng đã được công bố. Đó thực sự là một sự kiện lớn vì bất kỳ nước nào sở hữu các máy bay như vậy sẽ có lợi thế trong việc giám sát không phận xa hơn và thời gian lâu hơn so với không lực của các nước khác không sở hữu các máy bay tương tự.
Rõ ràng, các quốc gia khác, nhiều trong số đó là đồng minh của Mỹ đã quan ngại hơn trước đây sau khi Trung Quốc triển khai các máy bay do thám tối tân tới vùng biển tranh chấp. Cùng với việc trước đó, Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều đảo nhân tạo tại vùng biển chiến lược này và hiện tại chính quyền mới của Hoa Kỳ chưa có lập trường nhất quán, rõ ràng về vấn đề tranh chấp Biển Đông nên các đồng minh của Mỹ tại khu vực đang lo ngại rằng Washington sẽ không đứng về phía họ trong các tranh chấp chủ quyền khu vực.
Tuy nhiên, cả Mỹ và các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng chính thức về động thái triển khai máy bay mới nhất này của Bắc Kinh.
Nhà Trắng trước đây đã rất phê phán về sự lấn chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng chính quyền Trump đang áp dụng một cách tiếp cận chưa rõ ràng đối với vấn đề này. Gần đây, Nhà Trắng đã tạm dừng hoạt động tuần tra qua các hòn đảo và các rạn san hô mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Các nhà phân tích và ngoại giao nói với tờ New York Times rằng ông Trump có thể đang cố gắng hạn chế chỉ trích Bắc Kinh về Biển Đông nhằm đạt được sự ủng hộ của nước này trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên đình chỉ chương trình hạt nhân. Việc hiện nay Mỹ tập trung chủ yếu vào vấn đề Bình Nhưỡng có thể gây rủi ro lớn cho khối liên minh kinh tế và an ninh lâu dài của nước này với các nước châu Á. Minh chứng là Mỹ đang tạm phải “xa lánh” Đài Loan, trong khi Philippines của tổng thống Rodrigo Duterte có mối quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh hơn Washington. Bất chấp các tranh chấp biển đảo, Philippines vẫn xem xét khả năng tập trận chung với Trung Quốc.
Dù vậy chính giới Hoa Kỳ cũng đang có các động thái thúc ép Tổng thống Trump quan tâm hơn tới tranh chấp Biển Đông. Theo tờ Hoa Nam Buổi sớm, hôm thứ Tư 10/5, một số Thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi thư tới Tổng thống Donald Trump thúc giục ông này phải có chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi hải quân Mỹ tiến hành nhiều cuộc tuần tra để giữ vững quyền lưu thông trên vùng biển nhiều tranh chấp này.
Trong bức thư, các Thượng nghị sĩ bảy tỏ rất quan ngại về việc Hoa Kỳ đã không tiến hành tuần tra bảo vệ “tự do hàng hải” tại vùng Biển Đông chiến lược kể từ tháng 10 năm 2016.
Hiện nay, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cùng với các mối quan hệ riêng rẽ phức tạp với Trung Quốc. Mặc dù không nước nào tuyên bố rằng Washington thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh là một điều xấu, nhưng có một mối lo ngại là sự thiếu quyết đoán của Nhà Trắng chống lại các vi phạm chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ tạo ấn tượng rằng Washington không còn coi vấn đề này là ưu tiên của họ nữa. Và nếu các đồng minh của Mỹ nghĩ rằng Washington không còn quan tâm đến vùng biển này, thì sau đó họ có thể cho rằng chính quyền Trump chấp nhận yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và cảm thấy họ không nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ trong việc bảo vệ vùng lãnh hải của họ.
Không đồng minh nào của Mỹ nên coi điều trên là đúng, nhưng thực sự đấy chính là tín hiệu ông Trump đang gửi tới khu vực này. Câu hỏi duy nhất có thể đặt ra lúc này là liệu chính quyền Mỹ sắp tới có thay đổi tín hiệu hay không.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông