Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận, truyền thông Công giáo liệt kê 4 điểm nghi vấn
- Dương Thiên Tư
- •
Vatican gần đây đã công bố gia hạn thỏa thuận thêm 4 năm với Trung Quốc (ĐCSTQ). Một bài viết trên UCA NEWS đã trích dẫn 4 vấn đề nghiêm trọng và gọi đây là “thỏa thuận với ma quỷ ở Bắc Kinh”. Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ mới đây cũng đã công bố báo cáo điều tra về 10 linh mục ở Trung Quốc bị đàn áp.
Thỏa thuận bí mật Trung Quốc – Vatican được gia hạn thêm 4 năm
Vatican xác nhận hôm thứ Ba (23/10) rằng họ sẽ gia hạn thỏa thuận tạm thời với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở Trung Quốc trong 4 năm.
Theo thông báo từ Văn phòng Báo chí Vatican, “Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục” với Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được gia hạn và hiệu lực của thỏa thuận này được gia hạn từ 2 năm ban đầu lên 4 năm. Trên thực tế, Vatican và ĐCSTQ đã ký thỏa thuận này vào năm 2018. Đây là lần gia hạn thứ 3 của thỏa thuận, nhưng cho đến nay nội dung vẫn chưa được công khai. Điều này gây nghi ngờ trong Giáo hội Công giáo rằng đây là một thỏa thuận “hộp đen” (không minh bạch).
Vatican News cho biết, đây là lần gia hạn thỏa thuận thứ 3 kể từ khi ký kết thỏa thuận vào ngày 22/9/2018. Thỏa thuận này là mối quan hệ giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). “Thỏa thuận tạm thời” của hai bên sẽ được kéo dài 4 năm ngay trong ngày ký. Thỏa thuận trước đó đã được gia hạn 2 lần vào năm 2020 và 2022, cả hai đều có thời hạn 2 năm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (22/10) rằng, “hai bên sẽ duy trì các cuộc đàm phán trên tinh thần xây dựng và tiếp tục thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung Quốc – Vatican”.
Vatican cho biết thỏa thuận này đã giải quyết tình trạng ly giáo kéo dài hàng thập kỷ giữa giáo hội ngầm tại Trung Quốc, vốn đã tuyên thệ trung thành với Vatican, và Hiệp hội Công giáo Yêu nước chính thức của Trung Quốc. Thỏa thuận này chưa bao giờ được công khai và chỉ được các nhà ngoại giao mô tả. Vatican cho biết Giáo hoàng có quyền cuối cùng trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc.
Giáo hoàng Francis cho biết khi kết thúc chuyến thăm Đông Nam Á và Châu Đại Dương vào ngày 13/9 rằng kết quả của Thỏa thuận tạm thời năm 2018 là “rất tốt”. Vị Giáo hoàng 87 tuổi nói, “Tôi vui mừng về cuộc đối thoại với Trung Quốc, chúng tôi đang dùng thiện ý để triển khai công việc”.
4 nghi vấn
Một bài viết trên UCA NEWS hôm 24/10 với tiêu đề “Có quá nhiều vấn đề về thỏa thuận Vatican – Trung Quốc” nói rằng nếu Vatican không muốn lên tiếng về nhân quyền, thì mỗi tín đồ Công giáo, bao gồm cả linh mục, tu sĩ và giáo dân (tất cả các tín hữu không phải là linh mục hoặc không thuộc các hội dòng được Vatican công nhận) đều nên đứng lên bày tỏ quan điểm của mình.
Bài viết dẫn lời Viện Hudson có trụ sở tại Mỹ gần đây đã xuất bản một báo cáo điều tra chi tiết về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với 10 giám mục Trung Quốc; 15 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada trước đây cũng đã kêu gọi sự chú ý đến khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc, yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và người Tây Tạng bị giam giữ bất hợp pháp, cho phép các nhà quan sát nhân quyền của Liên Hợp Quốc tiến hành khảo sát một cách tự do tình hình ở đó.
4 vấn đề nghiêm trọng được liệt kê trong bài viết về thỏa thuận Vatican – Trung Quốc:
Đầu tiên, đó là sự thiếu minh bạch. Trên thực tế, thỏa thuận bí mật này đã được gia hạn 3 lần, nhưng toàn văn vẫn chưa được công khai. “Nếu là một thỏa thuận tốt như vậy, nội dung không đáng để tiết lộ sao? Hai bên phải che giấu điều gì?”
Thứ hai, thỏa thuận bí mật giữa Vatican và Trung Quốc đã “phản bội” những người Công giáo không chính thức ở Trung Quốc. Những tín đồ này đã mạo hiểm mạng sống trong nhiều thập kỷ để trung thành với Vatican. Thậm chí một số giám mục không chính thức còn bị Vatican yêu cầu từ chức và nhường chỗ cho những ứng cử viên do chính quyền ĐCSTQ bổ nhiệm vốn chủ trương “thuyết vô thần”, bỏ qua thực tế là nhiều giám mục ngầm đã phải trả giá nhiều năm tù vì lòng trung thành với Vatican.
Thứ ba, thỏa thuận bí mật giữa Vatican và Trung Quốc đã “mua chuộc” Giáo hoàng, để giữ im lặng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Giáo hoàng Francis luôn đủ can đảm để lên tiếng về những bất công trên thế giới, hầu như mỗi Chúa Nhật, khi đọc Kinh Truyền Tin trên bậu cửa sổ Quảng trường Thánh Phêrô, ngài sẽ đề cập đến những bất công dù đã bày tỏ lập trường của mình, nhưng ngài lại im lặng trước Trung Quốc. Điều này đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội.
Bài viết đặt câu hỏi rằng Đức Giáo hoàng đã không đề cập đến cuộc đàn áp các Kitô hữu của ĐCSTQ, sự tàn bạo của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Tây Tạng, đàn áp Hồng Kông, không phàn nàn về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như không đề cập đến mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan, mặc dù Vatican vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Giáo hoàng cũng không nói gì về việc bỏ tù doanh nhân Công giáo sùng đạo và nhà hoạt động dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) ở Hồng Kông, và Vatican cũng không nói gì về việc liên tục quấy rối Đức Hồng Y danh dự 92 tuổi ở Hồng Kông Trần Nhật Quân (Joseph Zen).
Thứ tư, không thể tin tưởng rằng ĐCSTQ sẽ giữ lời hứa của mình, trường hợp Hồng Kông là bằng chứng chắc chắn. Chính quyền ĐCSTQ đã vi phạm trắng trợn cam kết với Hồng Kông và xé bỏ Tuyên bố chung Trung – Anh, một văn bản đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc và có hiệu lực đến năm 2047.
Bài viết chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận Vatican – Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục trong 6 năm qua. Động cơ gia hạn thỏa thuận của Vatican phải có thiện chí, và chỉ có thể giả định rằng Giáo hoàng Francis tin rằng về lâu dài, thỏa thuận này có thể mở rộng quyền tự do tôn giáo ở Trung Quốc và cung cấp nhiều sự bảo vệ hơn cho Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc.
Tại sao Vatican ngày càng gần gũi hơn với Bắc Kinh?
Vào tháng 9/2024, người đứng đầu Nhà nước Thành phố Vatican và Giáo hoàng Công giáo La Mã Francis đã đến thăm 4 quốc gia Đông Nam Á. Ngày 13/9, trên chuyến bay trở về Rome từ Singapore, Giáo hoàng một lần nữa bày tỏ với các phóng viên tháp tùng rằng ông sẵn sàng đến thăm Trung Quốc, đồng thời cho biết ông hài lòng với tiến triển của cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh về việc gia hạn thỏa thuận tạm thời bổ nhiệm các giám mục.
Công giáo La Mã đã được du nhập vào Trung Quốc trong hơn 10 thế kỷ. Theo sách trắng “Các chính sách và thực tiễn của Trung Quốc nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo tôn giáo” do Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện ĐCSTQ công bố vào tháng 4/2018, có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo và khoảng 8.000 giáo sĩ tôn giáo ở Trung Quốc Đại Lục; Theo Trung tâm Nghiên cứu Chúa Thánh Thần của Giáo phận Công giáo Hồng Kông, tính đến năm 2022, có khoảng 10 triệu người Công giáo ở Trung Quốc. Kể từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền vào năm 1949, Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Vào ngày 22/9/2018, Vatican và Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ký một thỏa thuận tạm thời tại Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục. Đây là bước gần nhất tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Trung Quốc và Vatican. Thỏa thuận này có nghĩa là ĐCSTQ và Vatican sẵn sàng thỏa hiệp về quyền bổ nhiệm giám mục.
Vào tháng 6/2020, “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” của ĐCSTQ đã được ban hành và thực thi. Reuters đưa tin, trước khi giải nhiệm vào tháng 3/2022, Đức cha Javier Herrera Corona, cựu Đại biện lâm thời của Tòa thánh Hồng Kông, đã nêu lên mối quan ngại của mình về sự phát triển của nhà thờ Hồng Kông. Báo cáo cũng tuyên bố rằng Cơ quan Tòa thánh ở Hồng Kông và các cơ quan khác đã bắt đầu vận chuyển cẩn thận các tài liệu lưu trữ của Tòa thánh ra khỏi Hồng Kông.
Theo báo cáo, Đức cha Javier Herrera Corona đã nói với một nhóm đại diện các nhóm nhà thờ: “Những thay đổi đang đến, và tốt hơn hết các bạn nên chuẩn bị. Hồng Kông không còn là đầu tàu của Giáo hội Công giáo”.
Vào tháng 5/2022, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hồng Kông, đã bị Cảnh sát An ninh Quốc gia bắt giữ vì nghi ngờ “cấu kết với các thế lực nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, hiện nay ông vẫn ở trong trạng thái bảo lãnh chờ điều tra.
Tiến sĩ John Mok, trợ lý giáo sư khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, tin rằng chính sách tôn giáo hiện tại của ĐCSTQ không thay đổi. Nếu Trung Quốc và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao vào thời điểm này, có thể sẽ không mang lại những thay đổi đáng kể về tình trạng của người Công giáo Trung Quốc.
Sơ Beatrice Leung, sinh ra ở Hồng Kông và đã nghiên cứu quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Vatican trong nhiều năm, tin rằng nếu Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào thời điểm này, thì có thể sẽ không thể đối mặt với những tín đồ giáo hội ngầm đã duy trì lòng trung thành của họ với Vatican trong nhiều năm, không khác gì với việc bán đứng họ.
Từ khóa Vatican quan hệ Trung Quốc - Vatican Giáo hoàng Francis