Truyền thông Hàn Quốc: Tình hình Bắc Triều Tiên rất nguy cấp
- Tuyết Mai
- •
Tại giao lưu Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, Bắc Triều Tiên đã chủ động mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến thăm nước này, khác hẳn trước đây khi bên chủ động đề xuất Hội nghị thượng đỉnh liên Triều luôn khởi đầu từ phía Hàn Quốc. Theo phân tích của truyền thông Hàn Quốc, điều này có liên quan đến lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt hơn đối với Bắc Triều Tiên thời gian gần đây…
Ngày 12/2, Nhật báo Chosun (Hàn Quốc) có bài xã luận chỉ ra, “Trong quá khứ các cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều luôn do phía Hàn Quốc đề xuất, nhưng lần này thì ngược lại. Kim Jong-un đã cử em gái ruột của mình mang thư mời đến Nhà Xanh, cho thấy tình hình tại Bắc Triều Tiên đang rất nguy cấp.”
Mỹ không nới lỏng trừng phạt Bắc Triều Tiên
Cộng đồng quốc tế đang có những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Bắc Triều Tiên. Mục đích ban đầu của lệnh trừng phạt này là ngăn ngừa tình trạng phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật tên lửa, nhưng với những vụ thử hạt nhân ngày càng nặng ký của Bắc Triều Tiên, cộng đồng quốc tế cũng áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.
Biện pháp trừng phạt trong nhiều năm trước đây đối với Bắc Triều Tiên đã không đạt được hiệu quả, nhưng năm nay bắt đầu phát huy tác dụng. Giới chuyên gia của Nhật và Mỹ cho rằng, điều này đã thể hiện rõ qua việc Bắc Triều Tiên chìa cành ô-liu về phía Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Kim Jong-un đồng ý gửi một phái đoàn do em gái ruột của ông ta dẫn đầu đến tham gia Thế vận hội Mùa đông. Trước đó, ông Moon Jae-in cũng thừa nhận, cuộc đối thoại giữa Bắc và Nam Triều Tiên vào đầu năm nay có được là nhờ ảnh hưởng từ biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thế vận hội Mùa đông đã trở thành điểm nhấn trong cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên theo hướng tích cực, thời gian Thế vận hội mùa đông cũng làm trì hoãn cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ. Nhưng Mỹ không nới lỏng gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh sau khi Thế vận hội Mùa đông sẽ ngay lập tức khôi phục lại tập trận chung, và tăng cường gây áp lực.
Ngày 11/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rời Hàn Quốc trở về Mỹ, ở trong máy bay ông nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để đoàn kết cùng gia tăng gây áp lực kinh tế và ngoại giao với Bắc Triều Tiên, cho đến khi họ từ bỏ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”.
Ngày 12/2, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc tăng thêm lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, trong đó có phong tỏa trên biển, để buộc nước này phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc (KBS) thì chỉ ra, phong tỏa trên biển được xem là biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh nhất chỉ sau hành động quân sự, biện pháp này là cú đánh mạnh vào nguồn sinh tồn của Bắc Triều Tiên đang chủ yếu dựa vào nguồn hàng hóa vận chuyển theo đường biển.
Nhiều tin tức thừa nhận hiệu quả từ lệnh trừng phạt mới
Ngày 24/1, Đài Á châu Tự do (RFA) chia sẻ thông tin của hai người trong giới truyền thông Trung Quốc có quan hệ với giới chức cấp cao Bắc Triều Tiên cho biết, Kim Jong-un hoang phí vô độ, chỉ trong vài năm ông ta cầm quyền đã tiêu sạch số tiền từ quỹ đen thừa hưởng của cha ông ta, hiện không còn đủ nguồn tài chính để quản trị đất nước. “Hầu hết nguồn vốn dùng cho phát triển hạt nhân và tên lửa đến từ ‘quỹ đen’ của Kim Jong-un.”
Nguồn tin cũng tiết lộ, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả yêu cầu người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài trở về nước trong vòng hai năm, khiến Bắc Triều Tiên rất khó để thu về được ngoại tệ, là cú đánh nặng vào nền kinh tế của nước này.
Gần đây Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal) cũng chỉ ra, một số quan chức và chuyên gia Mỹ cho biết, cuộc tập trận quân sự của Bắc Triều Tiên thường được tổ chức vào tháng 12 hàng năm cho đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, thao diễn quân sự mùa đông này chậm chạp và quy mô nhỏ hơn các năm trước đây.
Ngày 25/1, Nhật báo Chosun của Hàn Quốc dẫn nguồn tin cho biết, từ tháng 11 năm ngoái khi giá dầu tại Bắc Triều Tiên tăng đột biến. Bước vào năm 2018, hai nhà máy điện chủ chốt ở Bình Nhưỡng đã phải đóng cửa hơn 10 ngày. Do không đủ điện cung cấp, không thể sản xuất và vận chuyển bình thường than đá, thêm vào nguồn than nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn toàn diện đã làm hai nhà máy nhiệt điện chủ lực ngừng hoạt động. Thông tin chỉ ra, ngay cả khu nhà ở của quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên cũng bị ngưng nguồn cung điện và khí sưởi ấm.
Đồng thời, tình hình cung cấp thực phẩm tại Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục xấu đi. Kể từ tháng 01/2018, nguồn cung lương thực của Bình Nhưỡng cũng bị giảm đi một nửa, hầu như không có gạo. Bởi vì không có điện, người dân được phân phối ngô phải tự giã thành bột tại nhà để ăn.
Ngày 8/1, Thông tin Á châu của Nhật Bản (Ribenxinwen) đưa tin, trong cuộc khảo sát tại Hamgyong Bắc và Ryanggang của Bắc Triều Tiên phát hiện, bước vào năm mới 2018 giá nhiên liệu tăng tốc nhanh chóng. Quân đội Bắc Triều Tiên cũng thiếu nhiên liệu, phải vận chuyển lương thực bằng xe bò.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc Kim Jong Un