Bà Paetongtarn Shinawatra đã được Quốc vương Thái Lan phê chuẩn làm thủ tướng hôm Chủ nhật (18/8), hai ngày sau khi Quốc hội Thái Lan bầu bà vào vị trí này. Động thái này đã mở đường cho bà thành lập nội các trong những tuần tới.

Paetongtarn Shinawatra 18 8
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, con gái của cưụ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, phát biểu tại buổi họp báo sau khi được hoàng gia tán thành cương vị Thủ tướng mới của Thái Lan tại Bangkok vào ngày 18 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: CHANAKARN LAOSARAKHAM/AFP via Getty Images)

Bà Peatongtarn, 37 tuổi, đã trở thành thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan chỉ vài ngày sau khi đồng minh của bà, ông Srettha Thavisin, bị Tòa án Hiến Pháp Thái Lan, trung tâm tư pháp xử lý hai thập kỷ hỗn loạn chính trị liên tục của Thái Lan, bãi nhiệm khỏi chức vụ thủ tướng.

Là con gái của cựu Thủ tướng gây nhiều tranh cãi Thaksin Shinawatra, bà Paetongtarn đã giành được gần 2/3 số phiếu trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm thứ Sáu (16/8) để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Thái Lan và là người thứ ba trong dòng họ Shinawatra làm thủ tướng, sau cha bà, ông Thaksin, và cô của bà, bà Yingluck Shinawatra.

Sự phê chuẩn của Vua Maha Vajiralongkorn, một thủ tục hình thức, đã được Thư ký Hạ viện Apat Sukhanand đọc tại một buổi lễ ở Bangkok hôm Chủ nhật (18/8).

Trong bộ quân phục chính thức, bà Paetongtarn đã quỳ gối trước bức chân dung của nhà vua Thái Lan để tỏ lòng tôn kính trước khi đọc một bài phát biểu ngắn cảm ơn nhà vua và các dân biểu đã tán thành bà làm thủ tướng.

Nữ thủ tướng mới của Thái Lan cam kết: “Với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp, tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình cùng với các nhà lập pháp với một trái tim rộng mở. Tôi sẽ lắng nghe mọi ý kiến để chúng ta cùng nhau có thể đưa đất nước tiến lên một cách ổn định.”

Bà Paetongtarn, người chưa từng phục vụ trong chính phủ trước đây, phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận, chẳng hạn như nền kinh tế đang suy thoái và sự yêu mến của nhân dân đối với đảng Pheu Thai của bà đang suy giảm khi chưa triển khai được chương trình phát tiền mặt bằng ví kỹ thuật số trị giá 500 tỷ baht (15 tỷ đô la).

Sau khi nhận được sự tán thành của hoàng gia, bà Paetongtarn đã ôm cha bà, ông Thaksin, và các thành viên khác trong gia đình. 

Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, bà Paetongtarn cho biết, bà sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các chính sách của người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Srettha, bao gồm cả chương trình cải cách và kích thích kinh tế “lớn”, giải quyết vấn đề ma túy bất hợp pháp, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân của đất nước và thúc đẩy đa dạng giới tính.

Bà lưu ý, chính phủ mới sẽ không từ bỏ chính sách hàng đầu về ví kỹ thuật số nhưng sẽ tìm cách “nghiên cứu và lắng nghe các lựa chọn bổ sung” để đảm bảo chương trình này có trách nhiệm về mặt tài chính.

Bà Paetongtarn giải thích: “Mục tiêu [của chính sách này] là kích thích nền kinh tế nên ý định này vẫn được duy trì.”

Nữ thủ tướng trẻ nhất Thái Lan tiết lộ, bà không có kế hoạch bổ nhiệm cha mình, ông Thaksin, vào bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ, nhưng sẽ tìm kiếm lời khuyên của ông.

Bà Paetongtarn cho hay, chi tiết về các chính sách của chính phủ của bà sẽ được trình bày trước Quốc hội Thái Lan vào tháng tới.

Sự sụp đổ của người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Srettha, sau chưa đầy một năm nắm quyền là một lời nhắc nhớ đối với bà Paetongtarn về nguy cơ bị bãi nhiệm trong bối cảnh Thái Lan vẫn bị mắc kẹt trong vòng xoáy hỗn loạn của các cuộc đảo chính và các phán quyết của tòa án khiến các đảng chính trị bị giải tán và nhiều chính phủ và thủ tướng bị lật đổ.

Bà Paetongtarn cũng được đánh cược là di sản và tương lai chính trị của gia đình tỷ phú Shinawatra, một gia tộc mạnh mẽ từng theo chủ nghĩa dân túy không thể ngăn cản đã chịu thất bại bầu cử đầu tiên vào năm ngoái và đã phải thỏa thuận với những kẻ thù không đội trời chung trong quân đội để thành lập chính phủ.

Sự biến động trong những ngày gần đây cho thấy sự đổ vỡ trong thỏa thuận đình chiến mong manh giữa cựu Thủ tướng Thaksin và các đối thủ của ông trong giới bảo hoàng. Thỏa thuận này đã giúp ông Thaksin trở lại Thái Lan một cách ngoạn mục vào năm 2023 sau 15 sống lưu vong và cũng giúp đưa ông Srettha, đồng minh của ôngThaksin, trở thành thủ tướng.

Hôm 14/8, Tòa án Hiến Pháp Thái Lan đã bãi nhiệm Thủ tướng Srettha vì đã bổ nhiệm một cựu luật sư từng ngồi tù vào nội các. Hơn một tuần trước, cũng chính tòa án này đã giải tán Đảng Tiến bước, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2023, với lý do chiến dịch  vận động sửa đổi luật xúc phạm hoàng gia của đảng này có nguy cơ phá hoại chế độ quân chủ lập hiến.

Sau khi bị giải tán, Đảng Tiến bước, phe đối lập được sự ủng hộ to lớn của công chúng và là đối thủ lớn nhất của đảng Pheu Thai, đã tập hợp lại dưới một danh nghĩa mới, Đảng Nhân dân.