Vương Nghị cảnh báo về “các thế lực bên ngoài” can thiệp vào Myanmar
- Lê Xuân
- •
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á (Asean) cảnh giác với “các thế lực bên ngoài” đang tìm cách can thiệp vào Myanmar trong bối cảnh quân đội nước này đối mặt với áp lực gia tăng từ quốc tế.
Kết thúc chuỗi cuộc họp kéo dài một tuần của mình với những người đồng cấp từ Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines tại Phúc Kiến, ông Vương cho biết cần phải nỗ lực để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Myanmar.
Ông nói: “Chúng ta nhận thức được rằng chúng ta phải cảnh giác với một số thế lực bên ngoài muốn can thiệp vào Myanmar với động cơ thầm kín nhằm gây rối và tăng cường chia rẽ, điều này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn”.
“Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ giữ thái độ khách quan, công bằng và tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho việc hòa giải chính trị trong nước của Myanmar, thay vì tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt và áp lực”.
Nhận định của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra khi Brunei, chủ tịch hiện thời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đã ủng hộ một cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối để thảo luận về tình hình ở Myanmar.
Trong đó, Indonesia là nước đã đi đầu trong nỗ lực khuyến khích một giải pháp thương lượng bất chấp chính sách lâu đời của Asean là không can thiệp về các vấn đề nội bộ của nhau.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, hai nước cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ đã yêu cầu các quan chức có “những bước chuẩn bị cần thiết” cho cuộc họp tại Ban thư ký Asean ở Jakarta.
Vương Nghị cho biết Trung Quốc “sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á một cách kịp thời và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho khối.”
Ông nói tiếp: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế tối đa để ngăn chặn bạo lực và ngăn chặn một cuộc xung đột đẫm máu khác làm tăng thêm thương vong của dân thường. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar đưa ra được sự đồng thuận chính trị thông qua đối thoại trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật càng sớm càng tốt”.
Cảnh báo của Vương Nghị về sự can thiệp từ bên ngoài được đưa ra khi các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu. Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chính sách của Bắc Kinh ở Hồng Kông.
Bắc Kinh đã mô tả các biện pháp này là “sự can thiệp của nước ngoài” vào các vấn đề nội bộ cốt lõi của họ và trả đũa lại cũng bằng các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đình chỉ tất cả các cam kết với Myanmar theo Hiệp định thương mại và đầu tư năm 2013 cho đến khi chính phủ được bầu cử dân chủ được khôi phục trở lại.
Động thái này diễn ra theo sau các lệnh trừng phạt đối với hai thực thể thuộc sở hữu của quân đội Myanmar là Myanmar Economic Holdings Public Co Ltd và Myanmar Economic Corporation.
Hôm thứ Hai (5/4), các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại Myanmar, kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự do bà Aung San Sui Kyi lãnh đạo. Các nhà hoạt động cho biết 6 người đã thiệt mạng vào cuối tuần khi cảnh sát và binh lính sử dụng vũ lực để ngăn chặn các cuộc biểu tình mà một số người gọi là “cuộc cách mạng mùa xuân”.
Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước vào Chủ nhật, Thống tướng Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo quân đội, cho biết các lực lượng an ninh đang “thực hiện sự kiềm chế tối đa” chống lại những kẻ bạo loạn có vũ trang đang gây ra tình trạng bạo lực và vô chính phủ.
Trung Quốc hiện là nước kiên quyết không lên án cuộc đảo chính đã khiến hơn 500 người biểu tình thiệt mạng. Tại Myanmar, tình cảm chống Trung Quốc ngày càng gia tăng với cáo buộc rằng họ đang đứng về phía chính quyền quân sự.
Bắc Kinh đã phủ nhận liên quan đến cuộc đảo chính và ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc và liên lạc với tất cả các bên ở Myanmar.
Lê Xuân (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Asean Vương Nghị can thiệp nước ngoài vào Myanmar