Xung đột Trung – Ấn: New Delhi sẽ dùng tiếp lá bài Đài Loan và Tây Tạng?
- Kuna Purohit
- •
Khi căng thẳng biên giới giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalayas kéo dài đến tuần thứ 11, ngày càng có nhiều tiếng nói thúc giục New Delhi suy nghĩ lại về sự ủng hộ của họ đối với chính sách “một Trung Quốc.”
Chính sách “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh đưa ra khẳng định rằng cả Trung Quốc Đại lục và Đài Loan là một phần của cùng một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh coi đây là nền tảng của các mối quan hệ ngoại giao. Do vậy, có nhận định rằng thậm chí việc gợi ý về vấn đề này với New Delhi cũng sẽ làm gia tăng đáng kể mâu thuẫn giữa hai bên.
Tuy nhiên, một loạt các lời kêu gọi: từ các nhà ngoại giao và nhà phân tích đã nghỉ hưu đến các quan chức Tây Tạng, đang thúc giục chính phủ của ông Narendra Modi củng cố mối quan hệ với Đài Loan và cộng đồng người Tây Tạng lưu vong như một lá bài ngoại giao chống lại khẳng định về chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu Ấn Độ thay đổi lập trường về chính sách “một Trung Quốc” trong chính sách đối ngoại của mình, nhưng New Delhi có thể thách thức việc này một cách tinh tế bằng cách tăng cường quan hệ với lãnh đạo Đài Loan và cộng đồng Tây Tạng.
BR Deepak, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) ở New Delhi cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ sẽ từ bỏ chính sách ‘một Trung Quốc,” nhưng Ấn Độ đã định rõ rằng họ sẽ không đưa điều này vào các tuyên bố chung như trước đây.”
Đầu tháng này, Ấn Độ đã bổ nhiệm Gourangal Das, một nhà ngoại giao cấp cao và là người trước đây phụ trách về quan hệ với Mỹ, làm đặc phái viên của mình với Đài Loan. Và ngay cả trước cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan hồi tháng 6 đã giết chết ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ, hai nghị sĩ thuộc Đảng Bharatiya Janata cầm quyền (BJP) đã tham dự lễ nhậm chức trực tuyến cho nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông lobsang Sangay, chủ tịch của chính phủ lưu vong Tây Tạng có trụ sở tại Ấn Độ, cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ tố cáo sự xâm lược của Trung Quốc ở dãy Himalayas.
Lựa chọn nan giải
New Delhi hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Thay vào đó, nước này đã thành lập Hiệp hội Đài Bắc Ấn Độ (India Taipei Association) do một nhà ngoại giao phụ trách để phối hợp các vấn đề trong mối quan hệ với đảo quốc.
Theo chính sách “một Trung Quốc,” Bắc Kinh yêu cầu các nước khác thừa nhận yêu sách của mình đối với Đài Loan và không được công nhận Đài Bắc. Điều này có nghĩa là các quốc gia có thể có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hoặc Đài Bắc, nhưng không phải cả hai. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thành công trong việc dần dần làm giảm quy mô các nước đồng minh với Đài Bắc. Hiện tại, chỉ có 15 quốc gia, chủ yếu là nước nhỏ, công nhận Đài Loan.
Trong quá khứ, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách “một Trung Quốc.” Năm 2008, một tuyên bố chung được đưa ra tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, ghi nhận rằng Ấn Độ là một trong số các quốc gia đầu tiên thừa nhận nguyên tắc này và Ấn Độ sẽ phản đối bất kỳ hoạt động nào chống lại [nguyên tắc này].
Dưới áp lực của Bắc Kinh, năm 2018, hãng hàng không Air India đã đổi tên ‘Đài Loan’ thành ‘Đài Bắc Trung Hoa’ trên trang web của mình, một hành động được thành viên chính phủ Ấn Dộ mô tả tại thời điểm đó là “hoàn toàn phù hợp” với mối quan hệ của Ấn Độ với Đài Loan.
Sana Hashmi, một học giả người Ấn Độ tại Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan, cho biết việc Ấn Độ tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” là “trở ngại lớn” trong việc phát triển mối quan hệ Ấn Độ – Đài Loan mạnh mẽ hơn, và vì vậy, mối quan hệ này chưa phát huy được hết các tiềm năng của nó.
“Ấn Độ đã luôn thận trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế [với Đài Loan], cũng như luôn do dự để khai thác các tiềm năng trong mối quan hệ [với Đài Loan], vì nếu làm thế có nghĩa là trở nên thù địch với Trung Quốc,” bà Hashmi nói.
Vì những lý do tương tự, sự hỗ trợ đối với cộng đồng Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ cũng chỉ diễn ra trong thầm lặng, mặc dù Ấn Độ là nơi có cộng đồng người Tây Tạng tị nạn lớn nhất trên thế giới.
Các kế hoạch của Chính phủ Tây Tạng lưu vong cho sự kiện vào năm 2018 để kỷ niệm 60 năm cộng đồng này đến Ấn Độ đã bị huỷ bỏ khi chính quyền của ông Modi nói với tất cả các quan chức rằng không được tham gia các sự kiện này. Sự việc khiến cộng đồng Tây Tạng bối rối và đặt ra câu hỏi về sự ủng hộ của Ấn Độ đối với họ.
Tuy nhiên, ông Deepak tại Đại hoc JNU cho biết sự cố ở Thung lũng Galwan sẽ thay đổi điều này.
> Ấn Độ kiến nghị đặt tên đường đến ĐSQ Trung Quốc là ‘Đường Đạt Lai Lạt Ma’
Vấn đề Tây Tạng
Mặc dầu vậy, ông Deepak cho biết nhiều khả năng Ấn Độ vẫn sẽ không ủng hộ ý tưởng về một Tây Tạng tự do hay tự trị.
Thay vào đó, ông nói rằng các chính trị gia Ấn Độ có thể gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên hơn, hoặc các đại diện của chính phủ lưu vong Tây Tạng sẽ được xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ như thời gian qua.
Ngoài ra, ngày càng có thêm nhiều lời kêu gọi để trao cho Đức Đạt Lai Lạt Ma chứng nhận dân sự cao quý nhất của đất nước là Bharat Ratna.
Gonpo Dhondup, chủ tịch Đại hội Thanh niên Tây Tạng, tổ chức phi chính phủ lớn nhất trong cộng đồng tị nạn Tây Tạng, cho biết Ấn Độ cần hiểu rằng tình hình biên giới với Trung Quốc sẽ không bao giờ được giải quyết trừ khi công lý được thực thi cho Tây Tạng.
Ông Dhondup cho biết một Tây Tạng độc lập mới mang đến “an ninh lâu dài” cho Ấn Độ.
Ông nói Ấn Độ nên nêu vấn đề Tây Tạng với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán cấp cao, gợi ý rằng chính phủ Ấn Độ có thể bắt đầu bằng cách gọi biên giới là biên giới Ấn Độ – Tây Tạng. “Trong thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ không có biên giới.”
Ông cũng cho biết Quốc hội đang lên kế hoạch kiến nghị các Nghị sĩ Ấn Độ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.
> Ấn Độ lên kế hoạch dừng mua 2,8 tỷ USD thiết bị điện từ Trung Quốc
Cân nhắc về kinh tế
Cân nhắc của Ấn Độ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Trung Quốc sẽ là quan hệ kinh tế giữa hai nước. Bắc Kinh là nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi.
Tuy nhiên, xung đột biên giới đã khiến Ấn Độ có những động thái đặc biệt với Trung Quốc với tuyên bố Bắc Kinh đã trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và các vấn đề bảo mật. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội TikTok và WeChat. Ấn Độ cũng loại bỏ sự tham gia của các công ty Trung trong nhiều dự án lớn của mình.
Ông Deepak cho biết hợp tác kinh tế có thể sẽ trở thành tâm điểm trong quan hệ Ấn Độ – Đài Loan kể từ bây giờ, và trong thời gian tới hai nước sẽ chứng kiến nhiều hơn các cuộc đối thoại về nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm trao đổi giáo dục, xây dựng năng lực giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc, trao đổi Nghị sĩ, thương mại và đầu tư v.v.
Nhà sản xuất điện thoại Đài Loan Foxconn chuyên sản xuất điện thoại Apple và Xiaomi, đã hứa sẽ đầu tư 5 triệu USD để thiết lập một nhà máy ở bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Gần đây, công ty cũng đưa ra ẩn ý về kế hoạch mở rộng đầu tư vào Ấn Độ.
Khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trước các động thái tăng cường quan hệ với Đài Loan và cộng đồng Tây Tạng của Ấn Độ, ông Deepak nói rằng Trung Quốc có thể tăng thêm các cuộc xâm lược dọc biên giới và trợ giúp cho các nhóm nổi dậy ở phía đông bắc Ấn Độ.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Ladakh, Jammu và Kashmir như một phần của tranh chấp biên giới đang diễn ra đã cho thấy rằng Trung Quốc không tuân thủ chính sách một Ấn Độ, ông nói thêm.
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan là một bước ngoặt đối với việc thiết lập chính sách đối ngoại của nước này. Nó cho thấy New Delhi không còn cần duy trì các cam kết ngoại giao vì sợ làm mếch lòng Bắc Kinh.
“Khi đó, Ấn Độ không hề nghĩ rằng Trung Quốc sẽ là mối nguy cho hòa bình trên biên giới. Nhưng bây giờ Ấn Độ đã nhận ra, và phải chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn,” vị quan chức này nói.
Kuna Purohit (Xuân Lan dịch và biên tập)
Xem thêm:
Từ khóa Chính sách "Một Trung Quốc" Dòng sự kiện Xung đột Trung - Ấn