Ý-Hàn Quốc: Chiến lược chống dịch khiến hiệu quả khác nhau ra sao?
Ở Ý, hàng chục triệu người đang sống trong cảnh phong tỏa, hơn 2.000 người đã chết vì COVID-19, trong khi đó tại Hàn Quốc, nơi dịch bệnh cũng tấn công vào gần như cùng thời điểm, chỉ có vài ngàn người bị cách ly và chưa tới 100 người đã chết. 2 quốc gia tư bản với nhiều điểm chung này có phương pháp chống dịch bệnh khác nhau như thế nào?
Với tốc độ lây lan của virus nCoV, việc xét nghiệm tất cả bệnh nhân tiềm tàng là bất khả thi, nhưng nếu nhà cầm quyền không thể tìm ra cách để biết được sự lây lan đã đến mức nào, câu trả lời tốt nhất là phong tỏa.
Ý bắt đầu với việc xét nghiệm diện rộng, nhưng sau đó thu hẹp sự tập trung để chính phủ không cần phải xử lý hàng trăm ngàn lượt xét nghiệm. Tuy nhiên, cái giá của sự đánh đổi này là: Họ không thể biết được điều gì sẽ xảy đến và phải hạn chế hoạt động và di chuyển của toàn bộ 60 triệu dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Thậm chí Giáo hoàng Francis, người vừa bi cảm lạnh, đã biểu đạt rằng ông đang bị “nhốt cũi trong thư viện”, khi đọc lời cầu nguyện qua livestream internet.
Cách Ý hàng ngàn dặm, chính quyền Hàn Quốc có một cách làm khác đối với một dịch bệnh bắt đầu cùng quy mô. Họ đẩy mạnh năng lực xét nghiệm tới hàng trăm ngàn người và theo dõi những đối tượng mang virus tiềm tàng, dùng công nghệ điện thoại và vệ tinh.
Cả Ý và Hàn Quốc đều phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng Một. Tới nay, Hàn báo cáo 75 ca tử vong trong hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh sau khi xét nghiệm hơn 250.000 người. Ngược lại, Ý có tới hơn 2.000 người chết trong số 28.000 trường hợp nhiễm bệnh nhưng chỉ thực hiện khoảng 75.000 xét nghiệm trên số lượng người không được công bố.
Các nhà dịch tễ học nói rằng kết quả khác biệt rõ rệt giữa hai case study này chỉ ra một kết luận quan trọng: Công tác xét nghiệm nhanh và liên tục là một công cụ mạnh mẽ để chống lại virus corona mới.
Nhà nghiên cứu chính sách Jeremy Konyndyk tại Trung Tâm phát triển Toàn cầu ở Washington, nói rằng chiến lược xét nghiệm sâu rộng có thể vẽ cho nhà cầm quyền một bức tranh rõ ràng về dịch bệnh. Nếu việc xét nghiệm bị hạn chế, chính quyền sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế sự di chuyển của người dân.
“Tôi không thích việc hạn chế di chuyển kiểu phong tỏa bắt buộc. Trung Quốc đã làm như vậy, nhưng họ có thể làm thế. Trung Quốc có những công dân sẽ tuân thủ theo mệnh lệnh này”, ông Konyndyk nói.
Nhưng những nền dân chủ như Ý và Hàn Quốc thì câu chuyện sẽ khác. Hàn Quốc có số dân ít hơn Ý một chút, khoảng 50 triệu người, trong đó có khoảng 30.000 người đang tự cách ly. Hàn Quốc cũng ra lệnh phong tỏa một số cơ sở và các khu chung cư bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch bệnh, tuy nhiên đến nay nước này chưa phong tỏa toàn bộ một vùng nào.
Seoul cho hay họ đã xây dựng phương án phản ứng bằng việc học từ dịch Mers 2015 (Hội chứng suy hô hấp Trung Đông) và cố gắng công khai thông tin càng nhiều càng tốt cho người dân. Hàn Quốc tiến hành chiến dịch xét nghiệm khổng lồ, bao gồm cả những người có triệu chứng ốm nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng nghi ngờ mình bị nhiễm từ người khác.
Hàn Quốc cũng ra một luật cho phép chính phủ có quyền tiếp cận với mọi dữ liệu công nghệ: Camera giao thông, theo dõi định vị GPS điện thoại và xe hơi, các giao dịch thẻ tín dụng, thông tin nhập cảnh và các thông tin cá nhân khác của những người đã xác nhận bị nhiễm virus. Sau đó chính phủ công khai các thông tin này để những người đã tiếp xúc với họ, bạn bè, người thân trong gia đình có thể chủ động tới xét nghiệm.
Seoul cũng tỏ ra rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ để giúp bệnh viện xử lý hàng loạt các trường hợp nhiễm bệnh. Những người có kết quả dương tính sẽ được tự cách ly và giám sát thông qua ứng dụng điện thoại, hoặc kiểm tra thường xuyên bằng gọi điện thoại cho đến khi bệnh viện có giường trống. Sau đó, xe cứu thương sẽ đến và đưa bệnh nhân tới phòng cách ly. Tất cả các dịch vụ này, bao gồm việc nhập viện và điều trị đều miễn phí.
Hàn Quốc cũng dựng lên rất nhiều địa điểm lấy mẫu xét nghiệm lưu động, nơi người dân có thể được xét nghiệm mà không cần phải ra khỏi xe hơi.
Phương pháp của Hàn Quốc tất nhiên cũng không hoàn hảo. Theo Reuters, trong khi 209.000 người đã cho kết quả âm tính, vẫn còn khoảng 18.000 trường hợp khác chưa rõ kết quả, điều này tức là sẽ còn có thêm các ca dương tính mới trong tương lai. Tuy số lượng các ca nhiễm mới đã giảm mạnh kể từ đỉnh vào giữa tháng Hai, nhưng chính phủ vẫn phải đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn nhằm theo dõi và kiềm chế các cụm dịch mới. Hàn Quốc cũng không có đủ khẩu trang và đang gặp khó khăn khi thuê thêm nhân sự chuyên môn để xử lý xét nghiệm và vẽ bản đồ lây nhiễm.
Chiến dịch của Hàn Quốc cũng có cái giá phải trả là đánh đổi quyền cá nhân. Seoul áp đặt một hệ thống bắt buộc phụ thuộc vào việc người dân hy sinh quyền riêng tư, cái mà đối với nhiều người Châu Âu và Mỹ, sẽ là xâm phạm quyền cơ bản của họ. Không giống như Trung Quốc và Singapore, Hàn Quốc là một nền dân chủ lớn và người dân có truyền thống nhanh chóng phản kháng lại những chính sách mà họ không thích.
“Việc tiết lộ thông tin về bệnh nhân luôn luôn là vấn đề xâm phạm quyền riêng tư”, giáo sư Y học Dự phòng tại Đại học Hàn Quốc Choi Jae Wook nói. “Việc này nên chỉ được giới hạn cho sự di chuyển của người bệnh chứ không được nói về độ tuổi, giới tính hoặc chủ thuê lao động của họ.”
Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip nhận định rằng các biện pháp truyền thống như phong tỏa các khu vực bị lây nhiễm và cách ly bệnh nhân sẽ chỉ có hiệu quả khiêm tốn, và có thể gây ra nhiều vấn đề trong một xã hội mở. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Kim nói, phong tỏa nghĩa là người dân sẽ tham gia ít hơn vào việc theo dõi những người mà họ có thể đã tiếp xúc. “Phương pháp như thế này là cố chấp cưỡng ép và không linh hoạt”.
Ý và Hàn Quốc cách nhau hơn 5.000 dặm, nhưng có nhiều điểm tương đồng về dịch corona. Các cụm dịch lớn của 2 nước đều bắt đầu ở những thành phố hay thị trấn nhỏ, nơi dịch bệnh đã nhanh chóng đe dọa hệ thống y tế địa phương.
Dịch bệnh tại Ý tràn vào từ tháng trước. Một người đàn ông được biết với tên Mattia có triệu chứng cúm nhưng được cho về nhà sau khi ông này nói với bác sĩ rằng ông ta chưa từng đến Trung Quốc, theo ông Massimo Lombardo người đứng đầu hệ thống bệnh viện tại vùng Lodi nói với Reuters.
Chỉ khi Mattiaa quay lại bệnh viện thì các bác sĩ mới xét nghiệm cho ông. Khi đó chỉ dẫn xét nghiệm của chính phủ nói rằng không cần phải thực hiện trên những người không có liên hệ với Trung Quốc hoặc các vùng dịch khác, nhưng một bác sĩ gây mê đã quyết định đi ngược lại chỉ dẫn và tiến hành xét nghiệm với Mattia, Lombardo nói.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh bùng phát mạnh sau người phụ nữ được biết đến với tên gọi Bệnh nhân số 31, người không có liên hệ với Trung Quốc nhưng có liên quan tới 61% các trường hợp lây nhiễm ở nước này.
Quyết định về xét nghiệm một phần dựa trên việc người ta sẽ phải làm gì với những bệnh nhân dương tính trong khi mà hệ thống y tế vốn đã phải chịu căng thẳng. Ban đầu tại Ý, chính quyền địa phương cho xét nghiệm diện rộng và công bố tổng cộng các ca dương tính, thậm chí bao gồm cả người chưa có triệu chứng.
Nhưng sau khi bệnh nhân Mattia được phát hiện có corona, Ý đã thay đổi cách vận hành: chỉ xét nghiệm và thông báo những trường hợp có triệu chứng. Chính quyền lý giải rằng đây là cách sử dụng nguồn lực hạn chế tốt nhất. Rủi ro lây nhiễm rõ ràng thấp hơn ở những người không có triệu chứng, và việc giới hạn số lượng xét nghiệm sẽ cho kết quả đáng tin cậy trong thời gian nhanh hơn. Nhưng mặt trái của nó là những người không có triệu chứng vẫn có thể mang virus và đi lây nhiễm cho người khác.
Và một mặt khác, càng xét nghiệm nhiều thì càng phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh, vì thế xét nghiệm diện rộng sẽ gây áp lực nặng nề lên hệ thống bệnh viện, Massimo Antonelli, giám đốc Điều trị tích cực tại Fondazione Policlinico Universitario Agostino Gemelli IRCCS ở Rome, nói.
Giống với Châu Âu, Ý có hệ thống bảo hiểm toàn dân, tuy nhiên hệ thống y tế công đang phải vật lộn với tình hình dịch bệnh tăng vọt. Các bác sĩ Ý nói rằng họ phải hoãn lại các ca phẫu thuật chưa khẩn cấp để giường bệnh có chỗ trống. Ở thị trấn 5.000 dân Castiglione d’Adda vùng Lombardy, bệnh viện duy nhất đã bị đóng cửa và chỉ còn một bác sĩ chăm sóc cho hơn 100 người nhiễm COVID-19. Ba trong số bốn bác sĩ của thị trấn đã nhiễm bệnh và đang tự cách ly. Chính phủ Ý cũng cho phép sinh viên trường y tốt nghiệp sớm để bổ sung vào lực lượng y tá. Số giường bệnh điều trị tích cực ở Ý cũng chỉ có 5.000 và một phần đã được sử dụng để điều trị các bệnh nhân bị bệnh hô hấp vào mùa đông, trong khi chính phủ yêu cầu nhanh chóng bổ sung thêm. Đội ngũ bác sĩ luân chuyển chóng mặt với áp lực ngày càng lớn.
Tại Hàn Quốc, ngay sau khi cụm dịch đầu tiên liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa mà Bệnh nhân số 31 là thành viên được phát hiện, chính phủ lập tực dựng khoảng 50 cơ sở xét nghiệm lấy mẫu ngay trên khắp đất nước, nơi người nghi nhiễm được xét nghiệm mà không cần rời khỏi ô tô.
Trên các bãi đỗ xe trống, nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ đến từng cửa ô tô để kiểm tra các triệu chứng như sốt, khó thở và nếu cần thì lấy mẫu từ người dân. Một chu trình chỉ hết khoảng 10 phút và người dân sẽ nhận được kết quả qua tin nhắn, kèm với lời khuyên rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.
Theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc, có 117 cơ sở có đủ khả năng tiến hành xét nghiệm và số ca tối đa có thể xử lý là 20.000, trung bình 12.000 lượt xét nghiệm một ngày. Chính phủ trả chi phí xét nghiệm đối với những người có triệu chứng và được bác sĩ đề nghị. Người dân bình thường muốn xét nghiệm sẽ phải trả số tiền tối đa là 140 USD.
Trong khi Ý phụ thuộc vào chính đội ngũ y tế đang quá tải để theo dõi những liên hệ mà những người dương tính với corona đã có, thì tại Hàn Quốc, một đội ngũ sĩ quan kiểm dịch có “quyền lực tối đa” được dựng lên để theo dõi di chuyển của những người mang virus tiềm tàng qua điện thoại, ứng dụng, GPS, tín hiệu điện thoại hoặc hộp đen trên xe ô tô.
Chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép sử dụng dữ liệu về vị trí để gửi tin nhắn hàng loạt tới điện thoại cá nhân để thông báo cho người dân một khu vực cụ thể biết khi một trường hợp nhiễm bệnh ở gần đó được xác minh.
Ngày 15/3, số ca nhiễm mới của Hàn Quốc là 76 và 3 người tử vong vì COVID-19, trong khi con số này tại Ý là 3.590 ca nhiễm và 368 người tử vong – con số lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên theo bác sĩ y học dự phòng Lee Hee-young, người đứng đầu đội phản ứng chống dịch tại Tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc mặc dù đã có tiến bộ trong cơ sở hạ tầng để chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm từ sau dịch Mers, họ mới chỉ đạt được 30% yêu cầu. Bà lấy ví dụ rằng việc duy trì đội ngũ y tế được đào tạo chuyên môn và cập nhật cơ sở vật chất hiện đại ở các bệnh viện nhỏ địa phương ở Hàn Quốc là không dễ dàng.
“Cho đến khi chúng ta chữa được vấn đề này, những sự bùng nổ dịch thể này có thể tiếp tục xảy ra ở bất cứ đâu”, Lee nói, theo Reuters.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc Ý virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19