Bà Rịa – Vũng Tàu: Vỡ đập hồ Gia Hoét 1, tiếp tục tìm biện pháp gia cố
- Thủy Minh
- •
Sau sự cố vỡ đập hồ Gia Hoét 1 (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào chiều ngày 2/10, khu vực đập vỡ của hồ Gia Hoét 1 tiếp tục lan rộng, có đoạn đến 20 m, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm biện pháp gia cố.
Sự cố vỡ đập hồ Gia Hoét 1 (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) làm nước tiếp tục tràn xuống khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm người dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 3 ngày từ 28/9 đến ngày 2/10 tại khu vực hồ chứa Gia Hoét 1 có mưa lớn gây sự cố hồ chứa.
Vào lúc 16h30 ngày 30/9, mưa lớn làm mực nước trong hồ tăng cao, cột nước qua tràn lúc 22h ngày 30/9 là 50 cm, cao hơn cột nước tràn thiết kế 20 cm. Đến 23h ngày 30/9, dốc nước sau tràn bị sập một đoạn tại vị trí điểm cong nối tiếp với kênh xả tràn (cách thân đập 35 m).
Dốc nước sau tràn tiếp tục bị sạt lở lấn dần về phía thân đập. Đến 14h35 ngày 2/10, thân tràn bị xói lở và sập toàn bộ, sau đó tiếp tục bị xói mở rộng.
Nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về hồ khiến một đoạn đập của hồ bị vỡ, nước tràn xối xả xuống khu dân cư.
Ghi nhận vào lúc 12h ngày 3/10, đập hồ Gia Hoét 1 đã bị vỡ một đoạn dài khoảng 20 m, gây ngập úng một số khu vực, gần 50 hộ dân (200 nhân khẩu) phải sơ tán khẩn cấp.
Chiều cùng ngày, mực nước tại hồ Gia Hoét 1 đã bắt đầu giảm xuống hơn 2 m. Phương án ban đầu được đưa ra để xử lý sự cố là đưa khoảng 200.000 bao cát để chặn dòng chảy, sau đó sẽ tiến hành các biện pháp xây dựng lại đoạn đê bị vỡ.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn, phải chờ nước chảy làm giảm cao trình đến 136,5 m mới có thể ngăn dòng chảy được. Lượng nước đang thoát qua đoạn đê bị vỡ bình quân 4 khối/giây, do đó phải chờ sau 18 giờ (mỗi giờ xả được 12.600 khối nước) mới đạt cao trình nước 136,5 m trong điều kiện không có mưa lớn, nếu có mưa lớn thì thời gian sẽ dài hơn.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến vỡ đê có thể là do hiện tượng lũ quét xảy ra bất thường khiến một lượng nước lớn dồn về hồ, cùng với chất lượng của đập hồ Gia Hoét 1 (được đắp bằng đất là chính) đã xuống cấp sau nhiều năm xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết ở Việt Nam các hồ chứa có đập chủ yếu là đập đất và đã xây dựng 30, 40 năm nên chất lượng chưa đúng yêu cầu, nhiều đập đã hết tuổi thọ. Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều đập đất cũng đã xuống cấp nên cần có biện pháp để không xảy ra tình trạng tương tự. Ông Tỉnh cũng đề nghị địa phương dành kinh phí thích đáng để sửa chữa, bảo đảm an toàn cho các đập chứa.
Ông Trần Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết trước mắt sẽ thả những rọ đá vào vùng trũng, mực nước hồ đã xuống mức an toàn, Sở đang tiếp tục tìm biện pháp xử lý.
Hồ Gia Hoét 1 thuộc khu vực xã Quảng Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Hồ được xây dựng vào năm 1985, dung tích 4 triệu m3, cao trình đỉnh đập 138,5 m; cao trình ngưỡng tràn: 137,5 m. Hồ có chiều cao đập 21,3 m, chiều rộng đỉnh đập 6 m, chiều dài đập đất 809 m. |
Tính đến ngày 2/10, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 500 người trong lực lượng quân đội, công an, phòng cháy chữa cháy cùng các trang thiết bị gồm 600 bao cát, 1.500 áo phao, 2 xe phòng cháy chữa cháy hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và xử lý sự cố.
Thống kê thiệt hại đến ngày 2/10, đã có 36 hộ dân tại xã Quảng Thành bị nước tràn vào làm nứt tường, có nguy cơ bị sập; 17 ha cây trồng ngập nước (chủ yếu là cây hồ tiêu); 160 con gà, 15 con vịt bị nước cuốn trôi.
Thủy Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bà Rịa - Vũng Tàu vỡ đê