Báo cáo phòng chống tham nhũng 2017: Hơn 1,1 triệu người kê khai, chỉ 78 người được xác minh
- Kiến Huy
- •
Trong hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập năm 2017, chỉ có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm (bao gồm cán bộ cấp cao).
Theo báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, số người kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 là hơn 1,1 triệu người (99,8% đã được công khai bản kê), trong đó chỉ có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập.
Qua xác minh, các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao (trước đó, năm 2016 không phát hiện trường hợp nào). So với bản báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, có thêm 2 trường hợp vi phạm được cập nhật.
Gần đây nhất, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái đã kê khai thiếu gần 8.000 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; 1 nhà diện tích 500 m2; khoản vay ngân hàng hơn 9 tỷ đồng và 60 cây vàng vay bạn bè. Ngày 27/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở đối với ông Phạm Sỹ Quý; cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN&MT, chuyển công tác đến Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái đảm nhận chức vụ Phó chánh văn phòng tỉnh.
- Kỷ luật ‘cảnh cáo’, cho thôi chức GĐ Sở TN&MT Yên Bái đối với ông Phạm Sỹ Quý
- Miễn nhiệm Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa
Theo báo cáo, Chính phủ cũng đã xử lý, kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng nhà ở của doanh nghiệp như: Cà Mau trả lại 2 xe, Đà Nẵng trả lại 1 xe, 2 trường hợp ở Bình Thuận và 1 trường hợp ở Lâm Đồng trả lại quà tặng với số tiền 32 triệu đồng.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia kinh doanh hoặc để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực mình trực tiếp quản lý; bổ nhiệm, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định như: bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vụ việc “cả họ làm quan” xảy ra tại huyện Kim Thành (Hải Dương), bổ nhiệm lãnh đạo quản lý đối với con trai bị bệnh tâm thần xảy ra tại Bệnh viện ở Đồng Tháp,…
Trong năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (trong đó Bộ Tài chính 2 người, Bộ Công an 4 người, Quảng Nam 2 người, Kiên Giang 9 người, An Giang 4 người, Bình Thuận 2 người, Long An 3 người,…)
Chính phủ đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã được chú trọng, nhưng việc thực hiện vẫn còn lúng túng khi xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, bộ phận.
Trong năm tới, Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ,…
Kiến Huy
Xem thêm:
Từ khóa Quốc hội chính phủ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017