Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam vi phạm hàng loạt quy định về quản lý tài chính, lập chứng từ khống và chi sai quy định, gây thất thoát hàng tỷ đồng.

benh vien y hoc co truyen quang nam gay that thoat lang phi hang ty dong
Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam vi phạm hàng loạt quy định về quản lý tài chính, lập chứng từ khống và chi sai quy định, gây thất thoát hàng tỷ đồng. (Ảnh: Nguyễn Văn Dũng/google-maps)

Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Quảng Nam (13 Nguyễn Chí Thanh, TP. Tam Kỳ) vừa có báo cáo gửi Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam về việc các khoản tiền vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo báo cáo, lô thuốc Milgamma N Inj 2ml (thuốc điều trị bệnh viêm dây thần kinh) theo hóa đơn năm 2021 của Công ty cổ phần TMDV Thăng Long, kết quả trúng thầu tập trung của Sở Y tế năm 2019 và hợp đồng cung cấp thuốc giữa công ty này và bệnh viện được ký kết năm 2020.

Bệnh viện phát hiện quy trình nhập – xuất thuốc sử dụng và tồn kho cuối năm 2023 (trong biên bản kiểm kê thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên môn, vật tư y tế tiêu hao cuối năm 2020) số lượng 2.918 ống thuốc Milgamma N loại 2 ml (thuốc điều trị bệnh lý thần kinh) chưa có biên bản nghiệm thu của giám đốc.

Báo cáo cũng nêu rõ bà N.T.S, Trưởng khoa Dược của bệnh viện, vi phạm Thông tư 22 của Bộ Y tế, Thông tư 35 của Bộ Tài chính; lập chứng từ khống không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu tham ô và gây thất thoát, lãng phí hàng tỷ đồng.

Số tiền phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp độc hại từ năm 2012 đến nay, phòng kế toán và tổ chức hành chính tham mưu chi cho đối tượng hợp đồng theo nghị định 68 chưa đúng quy định, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Hợp đồng lao động sai quy định

Từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2021, ông Ngô Ngọc Toàn, Giám đốc Bệnh viện này đã hợp thức hóa việc sử dụng chứng chỉ của mình để đứng tên hành nghề cho Bệnh viện, với phí “thuê chứng chỉ” 5 triệu đồng/tháng, trục lợi từ quỹ phúc lợi của bệnh viện 40 triệu đồng.

Theo đại diện Sở Y tế Quảng Nam, việc có chứng chỉ hành nghề Y học cổ truyền là một trong những tiêu chí để được bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện, nhưng bác sĩ Ngô Ngọc Toàn lại yêu cầu Bệnh viện trả tiền thuê chứng chỉ của mình. Tất cả bệnh viện chuyên khoa, không có ai làm như vậy.

Ông Toàn còn đại diện cho Bệnh viện ký hợp đồng lao động sai quy định với bác sĩ T.N (sinh 1966, lúc này đang làm việc tại bệnh viện Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam), chuyên ngành Phục hồi chức năng với mức lương 25 triệu đồng/tháng, gây thất thoát 225 triệu đồng của bệnh viện.

“Điều nghịch lý là trong khi bệnh nhân nội trú chủ yếu được khám chữa bệnh vào ban ngày nhưng theo hợp đồng, bác sĩ T.N làm việc tại các khoa lâm sàng của Bệnh viện Y học cổ truyền từ 17h30 đến 20h30. Đây là mấu chốt chỉ ra hợp đồng này sai quy định”, đại diện Sở Y tế chỉ rõ.

Ông Ngô Ngọc Toàn cho rằng, số tiền trả theo hợp đồng lao động với bác sĩ T.N và cá nhân mình, tổng cộng 265 triệu đồng, Bệnh viện đã chi tiền đúng theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP 01/7/2016 theo quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng Sở Y tế không chấp nhận quyết toán.

Trong khi đó, một cá nhân khác được Bệnh viện chi trả 90 triệu đồng, theo Hợp đồng lao động vào năm 2019 là sai quy định của Nghị định 109 (Đến nay chưa hoàn trả), nhưng vẫn được Sở Y tế thanh quyết toán.

Trước đó, tháng 11/2023, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định thanh tra đột xuất đối với Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam. Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này giai đoạn 2019-2022.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm tại bệnh viện liên quan đến quản lý tài chính, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và ký hợp đồng lao động sai quy định. Nhiều khoản tiền sai phạm đến nay vẫn chưa được thu hồi.

Hồi năm 2023, bệnh viện này cũng đã nợ gần 6 tháng tiền lương của 136 người lao động với số tiền khoảng 5,3 tỷ đồng và chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 1,1 tỷ đồng. Sau đó UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp ngân sách 7 tỷ đồng cho bệnh viện để trả nợ lương cho người lao động.

Phạm Toàn