Bị sốc phản vệ sau khi truyền dịch tại nhà, 3 bệnh nhân phải vào viện cấp cứu
- Thạch Lam
- •
Ba bệnh nhân tại Lạng Sơn phải nhập viện sau khi truyền dịch tại nhà trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run tay chân, khó thở.
- Bắc Giang: 4 học sinh sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin COVID-19, có 2 trường hợp nặng
- Sở Y tế Hà Nội: Hai bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức là do sốc phản vệ
Ngày 14/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân nhập viện do phản vệ sau khi truyền dịch tại nhà.
Các bệnh nhân gồm: H.T.S. (SN 1963, trú tại Hợp Thành, huyện Cao Lộc), N.Đ.X. (SN 1969, trú phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn), và Đ.T.D. (SN 1960, trú Gia Cát, huyện Cao Lộc). Ba người nhập viện cùng lúc trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run tay chân, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau khi được điều trị, sức khỏe 3 bệnh nhân ổn định và đã ra viện.
Trước đó, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém nên tự gọi người đến truyền dịch tại nhà. Khoảng 1-2 giờ sau, bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe và đã vào viện điều trị.
Theo bác sĩ, việc truyền dịch cũng có thể xảy ra những tai biến nên cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế và nhân viên y tế có đầy đủ chuyên môn để xử trí.
Khi tự ý truyền dịch, các biến chứng xảy ra có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Nếu nhẹ, người bệnh bị sưng nề, đau tại vùng ghim kim truyền. Nếu nặng, người bệnh có thể bị viêm tĩnh mạch, phù tim, thận, tụt huyết áp, hôn mê, sốc phản vệ và thậm chí tử vong.
Qua sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi truyền dịch phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín để có đầy đủ các phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.
Từ khóa sốc phản vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn truyền dịch tại nhà