Bộ Công an chính thức tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Lễ bàn giao diễn ra vào sáng 16/7.

365 1 tap the

Ngày 16/7/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Công an.

Thượng tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đồng chủ trì buổi lễ. Tham dự buổi lễ có đại diện SCIC, Tập đoàn FPT, FPT Telecom; đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an…

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Trường Giang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính – Bộ Công an và ông Nguyễn Quốc Huy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc SCIC ký kết biên bản bàn giao.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải “việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tăng cường tiềm lực cho Bộ Công an trong thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin và viễn thông chuyên dùng trong tình hình mới.”

Ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng giám đốc SCIC, cho biết việc chuyển giao này thực hiện theo chủ trương  về sắp xếp, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyết sách chiến lược về an ninh, dữ liệu, chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên mới.

FPT Telecom có hai cổ đông lớn, trong đó SCIC nắm 50,2% vốn, còn lại Tập đoàn FPT giữ 45,7%. Toàn bộ vốn thuộc sở hữu của SCIC sẽ chuyển sang Bộ Công an quản lý.

FPT Telecom ra đời cách đây hơn 28 năm, từ tháng 1/1997, khởi nguồn từ Trung tâm dịch vụ trực tuyến do 4 thành viên sáng lập cùng sản phẩm mạng Internet đầu tiên của Việt Nam mang tên “Trí tuệ Việt Nam – TTVN”. Sản phẩm được giới thiệu là đặt nền móng cho sự phát triển của Internet tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.

Năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 17.610 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.588 tỷ, lần lượt tăng 11% và 18% so với cùng kỳ. Đây kết quả cao nhất doanh nghiệp đạt được từ khi thành lập.

Năm nay, FPT Telecom đặt mục tiêu mang về 19.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ mảng viễn thông dự kiến tăng 13%, đạt 19.100 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ nội dung số. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty là 4.200 tỷ đồng, tăng 17%. Nếu hoàn thành được mục tiêu trên, FPT Telecom sẽ đạt kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận.

Trước đó, từ cuối tháng 2, Bộ Công an cũng tiếp nhận quyền đại điện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trước đây MobiFone thuộc quản lý của Ủy ban này, nhưng theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban này kết thúc hoạt động.

Nguyên Hương (t/h)